Lo ngại chất lượng thuốc trúng thầu
VOV.VN - Sau hơn 1 năm thực hiện đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, giá thuốc tại nhiều bệnh viện giảm nhưng nảy sinh nhiều bất cập.
Cũng như nhiều địa phương khác, năm nay, lần đầu tiên Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi thực hiện đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế theo Thông tư 01 của liên bộ Y tế và Tài chính.
Thông tư này tạo điều kiện cho nhiều loại thuốc giá thấp trúng thầu nên tổng số tiền mua thuốc của các cơ sở y tế tỉnh Quảng Ngãi đã giảm gần 30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị cho bệnh nhân, Sở Y tế và các bệnh viện ở Quảng Ngãi lại lo ngại về những loại thuốc giá rẻ trúng thầu nhưng chất lượng không đảm bảo.
Đây cũng là lo lắng chung của nhiều đơn vị đang đấu thầu thuốc theo Thông tư 01. Ông Hồ Đức Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, điều trớ trêu là nhiều loại thuốc trúng thầu được sản xuất từ những nước có điều kiện tương đương Việt Nam.
Ảnh minh họa |
“Hiện nay, cơ bản những thuốc trúng thầu là của Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ. Tất nhiên, tiền nào của nấy, giá rẻ thì chất lượng thuốc không đảm bảo. Ví dụ nhóm thuốc châu Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… thì chỉ có thuốc Trung Quốc, Ấn Độ trúng thầu, còn thuốc Hàn Quốc có trình độ và điều kiện sản xuất thuốc tốt hơn lại không trúng thầu nên tâm lý bác sĩ và người dân không yên tâm điều trị” – ông Hải cho biết thêm.
Còn theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện Ấn Độ đứng đầu danh sách nhà cung cấp thuốc nhập khẩu vào nước ta và Trung Quốc nằm trong tốp 5. Trong khi đó, Cục Quản lý Dược vừa phải có văn bản yêu cầu kiểm tra tất cả thuốc nhập khẩu từ các nhà cung cấp Ấn Độ từng vi phạm về chất lượng thuốc khi một kết quả khảo sát trong hơn 2 năm qua cho thấy, 35 công ty thuốc Ấn Độ vi phạm chất lượng trên tổng số 37 công ty có thuốc vi phạm chất lượng của 10 quốc gia.
PGS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (đơn vị vừa mở phiên đấu thầu thuốc cho năm 2013 – 2014 vào ngày 3/9) cho biết, trước khi mở thầu, lãnh đạo bệnh viện đã tìm hiểu thông tin từ những đơn vị đi trước để tránh sai lầm. Ông dẫn ra ví dụ về 2 mặt hàng thuốc kháng sinh cùng hàm lượng và cùng hoạt chất ciprofloxacin dự thầu tại một bệnh viện do giá rẻ hơn gấp 10 lần nên loại thuốc của Ấn Độ đã trúng thầu; còn loại thuốc kia sản xuất tại châu Âu, chất lượng tốt lại không trúng thầu vì giá cao.
Hậu quả là, loại thuốc trúng thầu đưa vào điều trị không hiệu quả, nhất là không đáp ứng điều trị với bệnh nhân bị nhiễm trùng. “Thuốc là mặt hàng đặc biệt nên có tiêu chí chấm thầu riêng là tốt, giá hợp lý chứ không phải rẻ mà không có khả năng chữa bệnh” – ông Quyết nhấn mạnh.
Thông tư về đấu thầu thuốc
Vừa ra đã sửa – ngày 5/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã chủ trì cuộc họp với Cục Quản lý dược và Vụ Kế hoạch tài chính thảo luận dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế.
Ngày 3/9, tại phiên đấu thầu thuốc năm 2013 – 2014 của Bệnh viện Việt Đức, ngoài 65 doanh nghiệp dược và đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham dự, lần đầu tiên phóng viên báo chí được mời đến đưa tin. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công bố thông tin, qua kiểm tra hoạt động của nhà thuốc tại Bệnh viện Việt Đức, phát hiện 25/74 loại thuốc mà nhà thuốc bệnh viện này nhập có giá cao hơn so với giá được kê khai, có những loại thuốc giá cao hơn gấp 3 lần. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra này từ tháng 6 và theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thì bệnh viện đã chấn chỉnh việc này.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, phiên đấu thầu mua thuốc tới đây của Bệnh viện Thanh Nhàn cũng sẽ mời báo chí đến đưa tin.
Trước việc Thông tư 01 của liên Bộ Y tế và Tài chính về đấu thầu thuốc vừa ra đã sửa, những bệnh viện đã hoàn thành việc đấu thầu mua thuốc của năm 2013 – 2014 thì nhận “trái đắng”, còn những cơ sở y tế chưa tổ chức đấu thầu lại “rối như tơ vò”.
Theo ông Hồ Đức Hải - Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, liên Bộ Y tế và Tài chính cần sửa đổi Thông tư 01 theo hướng phân nhỏ hơn nữa các nhóm thuốc dự thầu, tức là phân định nhóm nguồn gốc xuất xứ các loại thuốc được sản xuất tại các nước có cùng điều kiện. Không nên để các nhóm thuốc với phạm vi rộng quá, ví dụ không nên để nhóm thuốc sản xuất tại châu Á như hiện nay vì mỗi nước trong khu vực này có điều kiện sản xuất và tiêu chuẩn khác nhau. “Đấu thầu thuốc cũng cần có những linh hoạt. Những bệnh thông thường chỉ cần thuốc châu Á thôi nhưng những bệnh nặng phải cần đến những thuốc tốt như của Đức, Thụy Sĩ, Pháp…” – ông Hải nói.
Ông Hồ Đức Hải, cũng cho rằng, Thông tư 01 nêu trên đã góp phần giúp cho ngành y tế quản lý giá thuốc ổn định hơn trước, dần tiếp cận đến việc đảm bảo giá thuốc ở mức hợp lý và đảm bảo chất lượng điều trị cho bệnh nhân cũng như đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Thông tư 01 đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là cùng một lúc quy định 3 hình thức đấu thầu. Thứ nhất là đấu thấu tập trung (do sở y tế tỉnh, thành phố tổ chức); thứ hai là các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu; thứ ba là sở y tế tỉnh, thành phố chọn một bệnh viện để tổ chức đấu thầu, sau đó áp dụng giá mua thuốc chung cho các cơ sở y tế”.
Từ việc 3 hình thức đầu thầu song song tồn tại, đã dẫn đến giá thuốc tại mỗi bệnh viện khác nhau, cuối cùng bệnh nhân phải chịu thiệt thòi. Ông Nguyễn Tấn Bình – Giám đốc Sở Y tế TP HCM thừa nhận, tại TPHCM có tình trạng 2 bệnh viện cách nhau chỉ vài trăm mét nhưng giá thuốc chênh nhau 20%. “Đây là thực tiễn rất đau lòng và không thể chấp nhận được. Cả UBND TP và Sở Y tế đều thấy đấu thầu tập trung là phương án tốt nhất” – ông Bình nói.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thời gian qua đấu thầu thuốc được áp dụng theo Luật Đấu thầu (trong đó có đấu thầu xây dựng) đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp vì thuốc có nhiều đặc điểm khác biệt với hàng hóa khác; dẫn đến hậu quả là trong một số trường hợp thiếu thuốc phục vụ cho điều trị, nhất là khi các bệnh viện đấu thầu riêng lẻ sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, dễ phát sinh sai sót, tiêu cực.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, về lâu dài cần phải có một luật đấu thầu riêng đối với thuốc và thiết bị y tế, chứ không nên áp dụng một bộ luật đấu thầu chung như hiện nay.
Trong thời gian này, Luật Dược cũng đang trong quá trình sửa đổi bổ sung. Tại các Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dược và xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh dược do Bộ Y tế tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng nên thực hiện đấu thầu thuốc tập trung./.