Loa phát thanh - phương tiện truyền thông nối dài thông tin phòng dịch ở Lai Châu
VOV.VN - Lai Châu hiện là số ít địa phương thuộc "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19. Để được thành quả đó có sự góp công không nhỏ của công tác tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh ở cơ sở.
Tỉnh biên giới Lai Châu đã trải qua hơn 50 ngày không ca bệnh thứ phát và hiện đang nằm trong số ít các địa phương thuộc "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19 của cả nước. Thành quả đó có sự góp công không nhỏ của việc tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh ở cơ sở của các địa phương, giúp người dân nâng cao ý thức, chung tay phòng, chống dịch bệnh, giữ bình yên cho mỗi bản làng.
Đều đặn mỗi sáng, chương trình phát thanh với các bản tin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc như thế này lại vang lên từ các cụm loa ở khắp các bản làng của xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tiếng loa vang vọng, được nối dài bởi hệ thống truyền thanh không dây, nên từ bản gần đến bản xa, khi ở nhà hay đang làm nương rẫy, người dân đều có thể nghe rõ tiếng Đài.
Anh Lù Văn Tình, một người dân tại địa phương chia sẻ, dạo trước, hai vợ chồng anh trở về từ vùng dịch Bắc Giang và phải cách ly ở nhà. Thời gian đầu thực hiện cách ly, mọi người trong gia đình ai cũng rất hoang mang, lo lắng. Qua nghe hướng dẫn về cách phòng, chống dịch bệnh trên loa phát thanh của xã, bản, anh và vợ đã xin ra ở cách ly tại lán nương để đảm bảo an toàn cho gia đình và bà con trong bản.
“Hai vợ chồng tôi đi làm ở Bắc Giang, được xe tỉnh đi đón về; rồi được huyện đón về xã khai báo tại trạm y tế và được cán bộ y tế đưa đi cách ly tại lán nương. Hàng ngày tôi được nghe loa tuyên truyền về phòng, chống dịch nên tôi chấp hành tốt việc cách ly đúng theo quy định của Bộ Y tế”, anh Lù Văn Tình chia sẻ.
Bản Giang, thuộc xã Bản Giang, huyện Tam Đường có gần 150 hộ, với 700 nhân khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc Giáy. Ông Lèng Văn Sơn, Trưởng bản Bản Giang cho biết, hàng ngày không chỉ được nghe các chương trình tiếp sóng của đài Trung ương, bà con còn được nghe các bản tin phòng, chống dịch do chính cán bộ xã sản xuất, nên rất gần gũi. Để bà con hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh và cùng có ý thức phòng chống dịch, lãnh đạo bản còn dùng hệ thống loa truyền thanh đặt tại nhà văn hóa của bản để tuyên truyền bằng chính tiếng của đồng bào, qua đó, giúp bà con dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm theo.
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con về tác hại của dịch Covid-19 để bà con biết; cũng thường xuyên nhắc nhở bà con làm theo quy định của Bộ Y tế về thực hiện đúng 5K. Nội dung tuyên truyền thì theo định hướng của cấp trên, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền trên loa cho bà con rõ, để bà con thực hiện tốt nghĩa vụ phòng, chống dịch Covid-19”, ông Lèng Văn Sơn cho hay.
Toàn xã Bản Giang có 7 bản, chủ yếu 3 dân tộc Giáy, Dao và Mông sinh sống. Thời gian qua, xã đã tiếp nhận 55 trường hợp là lao động từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về địa bàn. Nhờ tận dụng hiệu quả hệ thống 9 cụm loa truyền thanh trong tuyên truyền, phòng chống dịch Covid-19 mà đến nay, trên địa bàn không có ca bệnh xâm nhiễm.
Ông Đoàn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: “Chúng tôi coi trọng và phát huy tối đa hệ thống loa truyền thanh không dây trên địa bàn đối với công tác phòng, chống dịch; xây dựng các bản tin từ 3 đến 5 phút, phát với thời lượng một ngày ba lần. Các bản tin tập trung vào việc biên soạn lại các văn bản chỉ đạo của các cấp ngắn gọn, dễ hiểu và tuyên truyền người dân thực hiện quy định về 5K. Do vậy, trong thời gian qua, việc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn là tốt và ổn định”.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 96 đài truyền thanh cấp xã, gần 760 cụm loa truyền thanh, trong đó có gần 260 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Theo ông Trần Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu, hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn đã giúp truyển tải nhanh nhất, chính xác và kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào. Đặc biệt, từ hệ thống loa này, đã giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“Loa truyền thanh có hai cái lợi là bà con vừa đi làm nương cũng có thể nghe được. Thứ hai nữa là nó len lỏi được đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ngoài vấn đề thuận lợi như trên, nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch cũng đã được các xã triển khai đến vùng dân tộc, phù hợp với địa phương để bà con có thể nghe được những thông tin từ trên Trung ương, tỉnh và huyện chỉ đạo. Qua hệ thống truyền thanh cơ sở, ý thức của bà con các dân tộc trong tỉnh được nâng cao rõ rệt; từ người già đến trẻ em thì đều đảm bảo các quy định của Bộ Y tế về 5K”, ông Trần Văn Sáu chia sẻ.
Trong thời đại 4.0 như hiện nay, công chúng có thể tiếp cận thông tin từ nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, với tỉnh miền núi, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Lai Châu thì loa truyền thanh đã, đang mang đến những hiệu quả vượt trội. Tiếng loa như người bạn tâm tình, là món ăn tinh thần không thể thiếu với đồng bào.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hệ thống loa truyền thanh ở Lai Châu càng cho thấy hiệu quả, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vững thành quả "vùng xanh", thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.