Loạn thu phí đầu năm học ở Quảng Nam

(VOV) -Nhiều trường đang tự “đẻ” ra nhiều khoản thu phi lý khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc

Lấy danh nghĩa trên tinh thần tự nguyện, Ban đại diện phụ huynh học sinh, Trường Mầm non Điện Ngọc, huyện Điện Bàn “đẻ” ra nhiều khoản thu hết sức phi lý.

Ngoài tiền học phí, tiền ăn bắt buộc phải đóng mỗi tháng 300.000 đồng, nhà trường thu trái qui định đến 17 danh mục, với tổng số tiền mỗi em hơn 700.000 đồng.

Nhiều khoản đóng lẽ nhà trường phải có trách nhiệm bỏ kinh phí sự nghiệp hàng năm để chi trả như: Phí dọn vệ sinh, tiền điện, đồ chơi, đồ dùng nhà bếp, trả lương bảo vệ, thì vẫn đè cổ phụ huynh để thu.

Bà Hà Thuỳ Long, Hiệu trưởng Trường Mầm non Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thừa nhận: “Theo Nghị định 55 thì tuyệt đối không được thu, mình thu sai, nhưng nếu Nhà nước rót về tất cả các kinh phí để hoạt động cho nhà trường thì trường không nhờ phụ huynh. Bây giờ trong chương trình giáo dục mầm non mới đòi hỏi cao, nhiều hoạt động. Ở đây là trường điểm nữa lấy gì các cô dạy và học theo yêu cầu”.

Tình trạng lạm thu vô tội vạ tương tự xảy ra đối với Trường Trung học cơ sở Dũng Sĩ, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngoài tiền học phí và các khoản được phép, nhà trường lại thu thêm 14 khoản đầu năm học mới thông qua Hội Cha mẹ học sinh, mỗi em 366.000 đồng.

Một số khoản nhà trường đề ra không giống ai như: Tiền trực cổng, trực trống, hỗ trợ cho Hội Chữ thập đỏ, tiền sửa điện nước, chăm sóc cây, bảo vệ ban đêm, bảo trì máy tính…

Điều đáng nói hơn 70% học sinh đang theo học tại trường Mầm non Điện Ngọc và Trung học cơ sở Dũng sĩ Điện Ngọc huyện Điện Bàn là con em công nhân đang làm việc tại các nhà máy, công ty thuộc Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam.


Đồng lương thấp, lo đủ mọi thứ lại phải đóng một khoản tiền lớn đầu năm học cho con, khiến nhiều gia đình công nhân chóng mặt.

Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 55 quy định “Điều lệ Ban đại diện phụ huynh học sinh”trong các trường phổ thông, nghiêm cấm việc tổ chức thu các khoản tiền tự nguyện, không phục vụ trực tiếp hoạt động của ban. Thế nhưng, trên thực tế nhiều trường vẫn tổ chức vận động đóng góp nhiều khoản thu rất khó hiểu.

Việc lạm thu diễn ra từ nhiều năm trước, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý biết rõ nhưng không những kịp thời chấn chỉnh mà còn tỏ ra thông cảm với việc làm của nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Điên Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho rằng, chính quyền địa phương biết, nhưng nếu làm đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thực sự khó cho nhà trường?

Xã hội hoá giáo dục là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng xã hội hoá theo kiểu “bổ đầu trẻ” như một số trường học ở Quảng Nam đang làm là điều không thể chấp nhận được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đau đầu trị “bệnh lạm thu”!
Đau đầu trị “bệnh lạm thu”!

Năm nào cũng vậy, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng tình trạng này vẫn ngày càng trầm trọng khiến cho dư luận rất bức xúc

Đau đầu trị “bệnh lạm thu”!

Đau đầu trị “bệnh lạm thu”!

Năm nào cũng vậy, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng tình trạng này vẫn ngày càng trầm trọng khiến cho dư luận rất bức xúc