Loay hoay xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng
VOV.VN - Nhiều người dân hiện nay vẫn đang gặp khó khăn trong việc cập nhật sinh trắc học bằng khuôn mặt là do không thể quét chip trên căn cước công dân và các vấn đề liên quan đến thiết bị.
Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7, người dân bắt buộc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt khi thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến từ 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng, cùng một số giao dịch khác như đăng nhập lần đầu, đăng nhập lại sau khi quên mật khẩu.
Tuy nhiên, hiện không ít người lo lắng vì không thể tự thực hiện xác thực sinh trắc học, trong khi số lượng khách hàng đến ngân hàng nhờ hỗ trợ tăng cao.
Ngay từ sáng sớm, chị Thanh Nhàn đã có mặt tại ngân hàng VPBank Linh Đàm để nhờ ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học do chị không thể tự thực hiện. Tuy nhiên, chị được nhân viên ngân hàng hẹn lần sau vì điện thoại của chị chưa hỗ trợ kết nối NFC:
"Chị cũng có biết về cái sinh trắc đấy nhưng mà chị thực hiện thì trên điện thoại của chị báo là không hỗ trợ. Chị đến ngân hàng thì hiện tại ngân hàng cũng chưa hỗ trợ được".
Nhiều khách hàng phản ánh những khó khăn trong quá trình cập nhật sinh trắc học :
"Vào app ngân hàng khi vào đến mục cần xác thực khuôn mặt thì điện thoại báo không khả dụng và có nói là phải ra ngân hàng làm".
"Cái bảo mật nó là 2 lớp nên là độ an toàn nó sẽ cao hơn bởi vì bây giờ các cái đối tượng lừa đảo ở trên mạng cũng rất là nhiều và tinh vi nên chị nghĩ cái đấy là cần thiết và đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng".
Ghi nhận đầu giờ giao dịch sáng 28/6, tại một chi nhánh ngân hàng ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, có tới 5/6 khách tới giao dịch đều thực hiện dịch vụ cập nhật sinh trắc học để thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến. Còn tại một số ngân hàng, lượng khách đến để được hỗ trợ đông hơn rất nhiều so với ngày thường và phải chờ khá lâu mới đến lượt.
Theo một số ngân hàng: VPBank, BIDV chi nhánh Linh Đàm, Hoàng Mai và SHB chi nhánh Kim Giang, Thanh Xuân, lượng khách hàng đến hỗ trợ dịch vụ này tăng từ ngày 21/6 nhưng bắt đầu tăng mạnh từ ngày 27/6.
Bà Phạm Thu Hiền - Kiểm soát viên giao dịch quỹ, Ngân Hàng Vietbank chi nhánh Linh Đàm cho biết: "Số người được hỗ trợ thì đa số là những khách hàng có tuổi khi mà họ không biết tự đăng ký sinh trắc học tại nhà thì họ đến nhờ nhân viên tại quầy đề hỗ trợ, tỉ lệ khách hàng đến tăng từ 20-30% so với hàng ngày. Nhiều khách hàng không đủ tiêu chuẩn về điện thoại để có thể đăng kí được".
Cũng theo bà Hiền, khách hàng hiện nay gặp khó khăn trong cập nhật sinh trắc là do không thể quét chip trên căn cước công dân và các vấn đề liên quan đến thiết bị. Để cập nhật được, thiết bị có hệ điều hành IOS phải có phiên bản 13 trở lên, còn đối với hệ điều hành Android, phải từ phiên bản số 8 trở lên mới cập nhật được đầu đọc NFC (đầu đọc thẻ chíp).
Về phía các ngân hàng, ngoài việc lượng hành khách đến nhờ hỗ trợ tăng cao, thì một số ngân hàng còn thiếu những trang thiết bị hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học nếu điện thoại không đáp ứng.
Anh Phạm Quang Nhật - nhân viên giao dịch SHB (Chi nhánh Kim Giang) cho biết, các ngân hàng đang bổ sung thiết bị cho các chi nhánh để đáp ứng nhu cầu: "Với những khách hàng mà máy không đáp ứng được quét chip thì bên quầy sẽ thông báo với khách và chờ khách một thời gian nữa quầy có máy để quét sinh trắc thì hẹn khách hàng khi nào ở quầy có bổ sung máy thì khách ra làm trực tiếp. Bây giờ các ngân hàng đang bổ sung máy cho các phòng giao dịch và chi nhánh".
Tại một số ngân hàng khác đã bổ sung thêm đầu đọc nhưng số lượng còn ít, có ngân hàng chỉ có 1 đầu đọc/chi nhánh nên nhiều khi phải chờ nhau. Trong khi đó, một số ngân hàng khác chưa mua bổ sung thiết bị hỗ trợ.
Ghi nhận của phóng viên, thời gian thực hiện cập nhật sinh trắc học tại ngân hàng sẽ mất khoảng 3-5 phút đối với những khách hàng đã có dữ liệu của căn cước công dân gắn chip. Còn đối với những khách hàng chưa cập nhật dữ liệu của căn cước công dân gắn chip sẽ phải thực hiện 2 bước là cập nhật thông tin sau đó mới thực hiện cập nhật sinh trắc học.
Thời gian trung bình để thực hiện 2 bước mất khoảng 15 phút, chưa kể thời gian chờ đợi.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho rằng, hiện nay có một bộ phận người lao động lớn tuổi, những người về hưu hay những người có thu nhập thấp chưa có các thiết bị thực sự thông minh và kỹ năng công nghệ của họ còn thấp. Trong khi đó chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn áp dụng quy định này.
Ông Thịnh đề xuất: "Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có thể kéo dài thời hạn, ví dụ đến hết tháng 8. Chúng tôi cho rằng, quy định sinh trắc học chỉ nên bắt buộc đối với những người thường xuyên chuyển tiền và chuyển những khoản lớn còn đối với những người không có khoản tiền lớn như vậy thì không cần bắt buộc".
Một số chuyên gia cho rằng, quy định áp dụng sinh trắc học trong giao dịch online là một chủ trương tốt nhằm đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính có giá trị lớn. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập và trình độ công nghệ của người dân còn chưa đồng đều giữa các khu vực, các lứa tuổi.
Do vậy, nhiều người mong đợi, không nên quy định cứng nhắc mà nên để cho người dân tự lựa chọn nếu có nhu cầu, tránh tình trạng quá tải tại các ngân hàng và mất thời gian cho những khách hàng không có nhu cầu.