Lời giải nào cho việc quy hoạch nghĩa trang ở Hà Nội?
(VOV) -Chính quyền các huyện e ngại, không muốn đưa nghĩa trang về địa phương mình.
Hội đồng nhân dân, thành phố Hà Nội vừa thông qua Quy hoạch nghĩa trang thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong vài năm tới, nhiều nghĩa trang lớn của thành phố Hà Nội sẽ phải đóng cửa, việc chôn cất người đã mất sẽ phải theo quy hoạch chung. Tuy nhiên, trong bản quy hoạch nghĩa trang chung của thành phố vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.
Hà Nội hiện có 6 nghĩa trang tập trung là: Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển và Sài Đồng có diện tích 104 ha trong tổng số 2.744 ha đất nghĩa trang của thành phố.
Trong đó, nghĩa trang Văn Điển đã dừng việc hung táng từ tháng 7/2010; nghĩa trang Yên Kỳ, huyện Ba Vì có thể khai thác tối đa đến hết năm 2013, còn nghĩa trang Vĩnh Hằng mới đưa vào sử dụng, song cũng không thể khai thác lâu dài. Tương tự, nhiều nghĩa trang cấp huyện cũng đã sử dụng gần hết diện tích.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội đã quá tải - không có quy hoạch - không dịch vụ và không biết khi nào phải di dời. Vì vậy, quy hoạch cần phải quan tâm hơn đến hệ thống nghĩa trang hình thành tự phát xen kẽ trong khu dân cư, vì các nghĩa trang này không đáp ứng yêu cầu về quản lý, dịch vụ và môi trường.
Cùng với xây mới các nghĩa trang, Hà Nội từng bước đóng cửa các nghĩa trang tập trung trong vòng 3 năm tới. Vác nghĩa trang phân tán, có quy mô nhỏ hoặc không nằm trong quy hoạch chung của thành phố sẽ phải dần dần đóng cửa, trồng cây xanh cách ly.
Trước tình trạng quá tải của các nghĩa trang ở nội thành, mấy năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng tìm đến những công viên nghĩa trang do các doanh nghiệp đầu tư.
Ngoài công viên Vĩnh Hằng ngay bên cạnh nghĩa trang Yên Kỳ - Bất Bạt ở Ba Vì, thì Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách trung tâm Hà Nội hơn 50km, do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, trên diện tích 98 ha của 9 quả đồi, có thể tiếp nhận hàng trăm nghìn mộ. Hiện nhiều gia đình đưa hài cốt người thân vào đây mai táng.
Tại đây, các khu được chia lô, phân khu rõ ràng và có hệ thống thu gom, xử nước thải, môi trường hiện đại. Chi phí cho 1 mộ đơn ở Lạc Hồng Viên khoảng 15 triệu đồng; cao nhất là những khu cho cả dòng tộc, gia đình, diện tích lớn, chi phí hàng tỷ đồng.
Ban Quản lý nghĩa trang cũng triển khai nhiều dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của các gia đình ở xa, không có điều kiện chăm sóc mộ người thân như: dịch vụ cúng giỗ online hay chăm sóc mộ trọn đời; chọn hướng đất xây phần mộ theo bản mệnh…
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Toàn Cầu, chủ dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho biết: một trong những ưu tiện hàng đầu của Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên là hiện đại, văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, số công viên nghĩa trang hiện đại như Lạch Hồng Viên chưa nhiều. Nguyên nhân là bản quy hoạch nghĩa trang còn quá chung chung. 9 nghĩa trang mới quy hoạch diện tích trên 320 ha chưa quy hoạch phân khu chi tiết, khiến chính quyền các huyện e ngại, không muốn đưa nghĩa trang về địa phương mình.
Chuyện thất bại của dự án nghĩa trang Minh Phú, Sóc Sơn đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, cần có cơ chế ưu đãi nhiều hơn, để thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng ngay càng nhiều công viên nghĩa trang hiện đại.
Như vậy, để Hà Nội có nhiều nghĩa trang hiện đại, đáp ứng như cầu mai táng của nhân dân thì cần có thêm những đánh giá toàn diện và khách quan hơn nữa. Bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, quan niệm của người dân; từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc hung táng, chuyển sang hỏa táng, điện táng… cho phù hợp với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, vừa đảm bảo đời sống tâm linh, vừa đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và định hướng phát triển thủ đô văn minh, hiện đại./.