Lời hẹn dang dở của người lính CASA 212 với vợ
Những tin nhắn sau cùng khiến cô luôn thổn thức nhưng lại tràn đầy hy vọng về người chồng mẫu mực thủy chung chắc không bao giờ rời xa mẹ con cô.
Đại úy Lê Văn Đình (đứng ngoài cùng bên phải) và thượng tá Nguyễn Đức Hảo tham gia bàn phương án tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia, ngày 15/3/2014. |
“Bố ơi, về với con!”
Mấy ngày nay, trong nhà đầy đủ nội ngoại và nhiều người đến thăm nhưng không thấy dáng bố, bé Lê Hạ Bình (2 tuổi) con gái lớn của đại úy Lê Văn Đình cứ chạy ra, chạy vào hỏi bố đâu. Thỉnh thoảng bé ào vào lòng mẹ, bà nội hỏi: “Mẹ ơi, bà ơi, sao bố Đình chưa về?” khiến chị Thắm nước mắt vòng quanh.
Chị kể, cả 2 đứa con đều do anh Đình đặt tên đều có chữ “Bình” trong tên, đệm với ước mong đất nước lúc nào cũng thanh bình, cuộc sống được bình an. Mới dịp đầu tháng 6 vừa rồi bé Hạ Bình còn được bố mẹ tổ chức sinh nhật tròn 2 tuổi. Con trai mới 3 tháng tuổi được bố Đình đặt tên Bình Minh. Khi tôi đến thăm, bé Bình Minh đang ngủ gà gật trên tay bà nội, thỉnh thoảng nở nụ cười hồn nhiên, đáng yêu.
Ngày mới lấy nhau, Thắm có mang đứa con đầu nhưng không giữ được. Bà Nga và chồng quyết định bán nhà ở Quảng Ninh lên ở với vợ chồng Đình để chăm sóc con dâu trong ngôi nhà thuê trật trội. Khi vợ chồng cô đón con gái đầu lòng an toàn, bà Nga ở lại chăm cháu cả năm trời rồi mới chuyển về Thái Nguyên sinh sống. Đây cũng là nơi khi Thắm sinh con thứ 2 thì cả 3 mẹ con chuyển về ở cùng bố mẹ chồng. Anh Đình ở lại Hà Nội công tác.
Thắm kể, cứ hết giờ trực chiều thứ 6, anh Đình lại mua sắm từ sữa, bỉm, hoa quả mang lên cho mẹ con cô. “Dịp cuối tuần trước chuyến bay định mệnh, anh Đình về quê và hứa sau chuyến bay, anh về đón mẹ con xuống Hà Nội. “Anh sẽ dạy bơi cho con và đưa con đến nhà trẻ. Anh tìm được nhà trẻ tốt cho bé Hạ Bình rồi em ạ!”, anh ấy nói với em trước khi về Hà Nội công tác. Giờ bé Hạ Bình luôn mong bố về đưa nó đi học bơi”.Vợ chồng Đình, Thắm cưới nhau tháng 10/2012. Trong 4 năm chung sống họ phải chuyển chỗ ở tới 6 lần nhưng dẫu còn khó khăn đôi vợ chồng trẻ luôn chịu thương, chịu khó chăm chỉ làm việc. “Anh ấy lúc nào cũng chăm chút cho vợ, con.
Dù trải qua nhiều vất vả nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ anh to tiếng hay buông lời trách cứ. Là người sống tình cảm, trách nhiệm, anh ấy luôn tâm sự, động viên em: “Lấy anh em phải cứng rắn lên. Khi anh lên máy bay, có thể mất tín hiệu hay gặp sự cố, không trở về bất cứ lúc nào. Lấy anh là chấp nhận như vậy!”.
Lê Văn Đình với cậu con trai 3 tháng tuổi. Ảnh gia đình cung cấp. |
“Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh không thể nào quên”, lời bài hát ấy vang vọng mãi trong chúng tôi, những người hàng xóm ở khu tập thể 918 của chàng đại úy Lê Văn Đình. Đình cao to, đẹp trai và ấn tượng với nụ cười hiền lành, phúc hậu.
Hình ảnh khiến tôi mãi trầm trồ về người chiến sĩ ấy là anh chả nề hà việc cơm nước, sẵn sàng đi chợ mua giúp vợ mớ rau rồi ngồi ở hiên nhà nhặt rau, vừa lau dọn nhà vừa vui vẻ hát. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trong ngôi nhà trọ cấp 4 đã cũ, xuống cấp nhưng chưa hề thấy bất cứ lời kêu than. Tranh thủ ngày nghỉ, anh lại sửa nhà, giúp vợ cơm nước, giặt phơi quần áo.
Sinh ra trong gia đình nghèo, bà Nga, mẹ anh Đình nhớ lại, cả tuổi thơ Đình sống trong khó khăn, thiếu thốn. Đến năm học cấp 3 thì bố mẹ chia tay, lại thêm thiếu thốn tinh thần. Chàng trai trẻ quyết tâm theo binh nghiệp, thi đỗ và học trường sỹ quan Đặc công. Cao to nhất khóa K26 đặc công nước, anh được đồng đội đặt tên “rái cá”.
Tốt nghiệp, anh nhận công tác tại Cảnh sát biển Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống tội phạm ma túy đóng quân tại Hà Tĩnh. Năm 2011, trong toàn quân có đợt thi tuyển đào tạo điều khiển máy bay tuần thám, anh trở thành một trong số ít sĩ quan đầu tiên của cả nước được đi đào tạo tại Tây Ban Nha và tiếp nhận máy bay Casa 212 để thực hiện nhiệm vụ tuần thám vùng biển trời Tổ quốc.
Đại úy Lê Văn Đình |
Trong quãng đời binh nghiệp, đại úy Đình được huấn luyện, đào tạo là đặc công nước, chiến sĩ phòng chống tội phạm rồi tuần thám trên không. Nhưng công việc khiến anh đam mê, yêu bằng cả trái tim là mỗi chuyến bay được nhìn ngắm bầu trời, trải dài theo đất nước.
“Anh ấy mê bay lắm. Mỗi chuyến bay bao giờ anh cũng nhắn tin báo cho em, khi bay thì chụp rất nhiều ảnh. Máy bay hạ cánh lại gọi về cho vợ, cho mẹ báo rằng anh đã an toàn. Anh Đình bảo: “Dưới cánh bay, đất nước mình đẹp lắm!”, Thắm lại nức nở khi nhớ về người chồng cô rất đỗi yêu thương.
Trong phòng khách, anh đặt mua và treo duy nhất bức ảnh về chiếc máy bay tuần thám Casa- 212 lồng trong lá quốc kỳ tung bay trên vùng biển đảo. Cứ sau mỗi chuyến bay, về nhà anh lại say mê đứng ngắm bức ảnh.
Trong hơn gần hai năm, vợ chồng Đình, Thắm thuê nhà trong chính khu tập thể quân đội 918, phường Phúc Đồng nơi anh công tác, cả dãy tập thể đều yêu mến, quý trọng đôi vợ chồng trẻ.
Chị Đinh Huệ, ở nhà C5 cùng dãy với vợ chồng anh Đình rớm lệ khi kể: “Vừa vài tháng trước cậu ấy chuyển sang nhà mới ở tốt hơn, cả dãy chúng tôi mừng cho cô cậu ấy quá. Mấy năm thuê nhà ở chật chội, nhà cũ, xuống cấp, hễ mưa là Đình lại cặm cụi đi chống dột, lo toan cho vợ từng chút. Khi vợ Đình mang bầu ốm nghén, cậu ấy chỉ mong hết ca trực, bay an toàn rồi là vội vàng về nhà cơm nước cho vợ.
Dù vất vả thế mà nó luôn lạc quan, vui vẻ chăm sóc vợ con chu đáo. Cứ cuối tuần thấy cặp vợ chồng đẹp đôi tíu tít dắt tay nhau đi chợ bỗng thấy hạnh phúc lây”. Những ngày này, bà con tổ khu phố 918 đồng thời cũng là những đồng đội của Đình thường xuyên đến thăm hỏi, động viên mẹ con Thắm vượt qua thời khắc khó khăn. Chứng kiến người vợ trẻ và 2 đứa con thơ, khiến ai cũng thắt lòng, thương cảm.
Đại úy Lê Văn Đình (người ngồi) thực hiện nhiệm vụ tuần thám trên máy bay Casa-212. Ảnh gia đình cung cấp. |
Chàng sĩ quan tuần thám ấy là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho vợ con. Hiện tại chị Thắm đang nghỉ việc nuôi con. Những tin nhắn sau cùng khiến cô luôn thổn thức nhưng lại tràn đầy hy vọng về người chồng mẫu mực thủy chung chắc không bao giờ rời xa mẹ con cô. 7h sáng ngày 16/6, Thắm nhắn tin cho chồng: “Hà Nội có mưa không anh?”;
Chuẩn bị lên máy bay, anh Đình đáp: “Trời vẫn mưa em ạ. Nhưng nhiệm vụ thì mưa gió vẫn bay. Sao hôm nay em dậy sớm thế?”.
Thắm: “Ở quê mất điện, em dậy đưa con ra hiên ngồi quạt cho mát”.
Anh Đình: “Anh chuẩn bị bay rồi, em nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng đi nhé!”.
Đang thẫn thờ với những tin nhắn của chồng, bé Bình Minh cựa mình khát sữa, chị vội vào phòng cho con bú. Người vợ trẻ nước mắt vòng quanh vẫn một lòng tin, chồng cô là người luôn giữ lời hứa. Nhất định anh ấy sẽ về… Nhưng giờ đây, những thông tin mới cập nhật về số phận của những sỹ quan, nhân viên trên chuyến bay định mệnh ấy đang bóp nghẹt trái tim chị. Ánh mắt mở to, trân trối nhìn mãi lên bầu trời cao rộng…/.
Máy bay CASA 212 gặp nạn là do thời tiết xấu?