Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ
VOV.VN - Bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Lúc này đây những tấm lòng nhân ái, của cộng đồng được thể hiện qua hoạt động quyên góp, ủng hộ. Tuy nhiên, đáng buồn thay, có những kẻ lợi dụng tình hình này để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người hảo tâm.
Những ngày qua người dân cả nước đang hướng về đồng bào các tỉnh thành phía Bắc do sự tàn phá của cơn bão số 3 cũng như ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Những thiệt hại không chỉ về tài sản mà cả về tính mạng của con người. Hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Tại các tỉnh thành miền núi phía Bắc còn hững chịu cảnh tượng lũ quét, sạt lở đất, cầu sập, người mất tích, xe khách bị cuốn trôi... Đau thương, mất mát đến nghẹn lòng
Trong những thời khắc khó khăn, lòng tốt và sự đồng cảm của người dân được thể hiện mạnh mẽ nhất. Những hoạt động thiện nguyện, quyên góp đã được diễn ra trên cả nước. Tại TP.HCM, với tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách, Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng đã phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết: “Hôm nay mới phát động nhưng mà trước đó đã có nhiều cá nhân tập thể thậm chí một số doanh nghiệp đã liên hệ với MTTQ Việt Nam TP.HCM để xin được đóng chung hỗ trợ cho các đồng bào phía Bắc. Tôi nghĩ đây là những nghĩa cử hết sức tốt đẹp. thể hiện tình cảm, tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách trong những lúc khó khăn”.
Đồng cảm trước những khó khăn mà người dân vũng lũ đang phải gánh chịu, cô Nguyễn Thị Hạnh ngụ tại TP. Thủ Đức đã trích một phần quỹ lương hưu của mình để ủng hộ với hy vọng đồng bào sẽ sóm vượt qua khó khăn.
“Lũ lụt rồi bà con mình mất trắng hết, tôi thấy rất cảm động và đã vận động gia đình và người thân nước ngoài để ủng hộ một phần nhỏ bé sự chia sẻ của mình”.
Tuy nhiên, bên cạnh những tấm lòng tốt hướng về đồng bào thì đã có những kẻ lợi dụng tình hình thiên tai cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật. Thậm chí một số đối tượng đã lợi dụng lòng trắc ẩn và thiếu cảnh giác của nhiều người để lập ra các trang giả mạo các đơn vị, tổ chức nhằm kêu gọi quyên góp. Đơn cử như vừa qua, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Dù đã được cảnh báo thế nhưng trang fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.
Hay mới đây nhất (ngày 11/9), trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo, bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Trước việc liên tục xuất hiện những trang giả mạo kêu gọi quyên góp, và những thông tin thiếu xác thực được lan truyền trên mạng hiện nay, nhiều người dân không khỏi hoang mang khi không biết đặt lòng tin vào đâu.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này là sử dụng hình ảnh và thông tin giả mạo, tạo ra các trang mạng xã hội hoặc fanpage có vẻ ngoài giống với các tổ chức chính thống để thu hút sự quyên góp, nhằm chiếm đoạt số tiền đó. Những hành vi trên là những hành vi vi phạm pháp luật và đã có những chế tài rõ ràng:
"Hành vi giả danh tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm mục đích trục lợi đây là một hành vi vi phạm pháp luật, cá nhân nào thực hiện những hành vi này sẽ bị xử lý khi đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định rất rõ trong điều 174 của Bộ luật hình sự hiện hành, với những tình tiết lợi dụng thiên tai để trục lợi. Người phạm tội phải đối mặt mức án từ 7-20 năm tù giam hoặc tù chung thân".
Với tư cách là Ủy viên Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc lợi dụng thiên tai, lũ lụt để thực hiện các hành vi lừa đảo không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động từ thiện chính đáng. Người dân nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức cá nhân kêu gọi trước khi thực hiện chuyển tiền:
"Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những tin bài kêu gọi từ thiện. chúng ta cần kiểm tra kỹ càng thông tin về các tổ chức cá nhân kêu gọi trước khi chuyển tiền và ưu tiên thực hiện quyên góp thông qua các tổ chức chính thống như thông qua ủy ban mặt trận tổ quốc các cấp ở tỉnh thành phố để chúng ta đảm bảo số tiền quyên góp đến được người cần hỗ trợ".
Theo Thượng tá Lê Minh Hải – Phó trưởng phòng phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.HCM, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần báo ngay với lực lượng chức năng để kịp thời xử lý.
“Người dân khi phát hiện cần kịp thời nhanh chóng tố giác hành vi phạm tội đến cơ quan công an, để cơ quan công an kịp thời tổ chức đấu tranh và xử lý. Giải pháp phòng ngừa là sự đồng bộ của toàn xã hội, các cơ quan ban ngành đoàn thể, cả hệ thống chính trị phải bắt tay, chúng ta phải tuyên truyền để người dân nhận thức được và phòng ngừa”.
Trong lúc này, mỗi hành động của chúng ta đều có ý nghĩa. Hãy cùng nhau xây dựng một cộng đồng giàu nghĩa tình nhưng cũng thông minh và cảnh giác, nơi lòng tốt không bị lợi dụng và sự giúp đỡ thực sự đến với những người cần nó nhất. Đó là cách chúng ta thể hiện tình yêu thương và sự đoàn kết của mình đối với đồng bào trong những thời khắc thử thách nhất.