Lớp vẽ chữa lành

VOV.VN -“Ở đây ai cũng bệnh như nhau nên gần gũi, không còn cô đơn, mặc cảm nữa. Tập xong mấy bài vật lý trị liệu, ngồi vào bàn cẩn thận từng đường cọ, thấy đầu óc thư giãn hoàn toàn”, ông Hồ Đắc Thắng, một bệnh nhân chịu di chứng sau cơn tai biến hơn 7 năm về trước chia sẻ về lớp vẽ đặt tại khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình, TP.HCM.

Đến bệnh viện học vẽ

Năm nay ông Thắng tròn 60 tuổi. Nếu không bị tai biến, hẳn giờ ông còn dạy môn này, lớp kia cho thỏa đam mê. Hơn 7 năm trước, người thầy ấy phải ngậm ngùi xin nghỉ hưu non vì bệnh tật bất ngờ ập đến, chẳng thể đi đứng, nói cười với học trò, người thân như trước kia. Lúc mới tai biến phải nằm một chỗ hơn nửa năm, không thể tự làm gì, ông suy sụp tinh thần. Nhưng sau bao nỗ lực tập luyện, điều trị và tìm hiểu về căn bệnh, ông thở phào, chọn cách sống chung với những bất tiện, tự vui với bao điều bình dị cạnh bên.

Tập vật lý trị liệu thường xuyên, một thời gian sau, ông có thể đi lại mà không cần xe lăn, làm được nhiều việc trong nhà, mừng lắm. Rồi nghe giới thiệu ở Bệnh viện An Bình có lớp vẽ cho bệnh nhân sau tai biến, ông nhờ người nhà chở đến vào thứ Sáu mỗi tuần để giải trí, kết thêm bạn mới. Ở lớp, ông hay chọn ngồi ở góc chiếc bàn lớn, vừa vẽ, vừa ngắm nhìn những người bạn đồng cảnh ngộ. Mở hộp màu nước màu xanh da trời bằng một tay, ông Thắng tỉ mỉ tô màu cho bức vẽ cảnh biển sinh động của mình. Ai đi ngang cũng đứng lại ngắm, trầm trồ. Những lúc như vậy, ông đều cười tươi, mặc những vết chân chim xếp đầy nơi khóe mắt. Khi rảnh, ông hay rung rung vài ngón tay phải, thấy vui vì nó vẫn nhanh nhạy, giúp đường cọ mềm mại, thanh thoát hơn.

Ông Thắng vẽ đẹp, cả lớp ai cũng biết, nhưng điều khiến người đối diện thích nhất chính là sự lạc quan nơi ông. Vận động khó khăn, vậy mà gương mặt ấy chẳng bao giờ rầu rĩ, khuôn miệng chỉ dành cho nụ cười và những câu chuyện vui. Kiến thức về tai biến ngày càng nhiều sau mấy năm trời tìm hiểu, ông mang đến đây chia sẻ với những bệnh nhân mới để họ bớt bi quan, lạc lõng.

“Khi mới bị bệnh, tôi cũng buồn lắm, nghĩ nhiều thứ tiêu cực. Nhưng rồi hỏi thăm bác sĩ, bạn bè, tự mày mò trên mạng, hiểu thêm về bệnh thấy bớt lo. Thời gian buồn chán, tôi dành để lên mạng xã hội trò chuyện với bạn bè, học trò hay đọc thêm những điều hay. Đến lớp vẽ này, ngoài lúc cầm cọ, cứ thấy ai buồn là tôi hỏi thăm, chia sẻ những thông tin mình biết theo cách gần gũi nhất. Tôi muốn lan tỏa điều tích cực, lạc quan đến mọi người, giống như lớp vẽ này mang lại cho chính tôi”, ông Thắng “hay cười” vui vẻ bày tỏ.

Nhớ lại lần đầu ghé lớp vẽ cách đây gần 6 năm, ông Lê Cao Nguyên cũng như bao người, hơi bối rối, ngại tiếp xúc. Ít ai nghĩ, người đàn ông khẳng khiu, khó nói, người hay mỏi mệt ấy lại có thể kiên trì đến vậy. Lớp mở bao nhiêu năm là chừng đó thời gian ông gắn bó dù chẳng phải bệnh nhân điều trị tại bệnh viện này. Nhà tận Vũng Tàu, thứ Năm hàng tuần ông đều bắt xe đò lên TP.HCM để bữa sau ghé lớp làm bạn với cây cọ, hộp màu. Cơn tai biến mấy năm trước khiến ông bị liệt nửa thân, miệng cứng đờ, khó khăn lắm mới phát ra từng tiếng đơn lẻ. Ông kiệm lời lắm, bù lại vẽ đẹp, vẽ nhanh, toàn tranh phong cảnh tươi vui, tranh gia đình ấm áp.

Toàn bộ tranh bệnh nhân vẽ hay tô màu đều được bệnh viện lưu vào kho sau khi ghi thông tin, bảo quản cẩn thận. Tranh đẹp, thông điệp tích cực được chọn lọc trưng bày ở mảng tường trước khoa Phục hồi chức năng như cách lan tỏa niềm vui đến bệnh nhân nơi đây. Ở khu trưng bày, tranh ông Nguyên có nhiều hơn cả, toàn những bức rực rỡ sắc màu. Khó nói, ông dùng tranh gửi gắm bao điều đến người đồng cảnh ngộ.

Ông Nguyên cố gắng ghép từng từ thành lời chia sẻ: “Nhờ lớp học này mà tôi tìm thấy niềm vui trong đời sau thời gian quá mệt mỏi với bệnh tật, máy móc, thuốc thang. Tôi hơi khó nói, nhiều người không nghe được nhưng xem tranh tôi vẽ ít nhiều họ sẽ thấy thoải mái, bình an, vậy là vui rồi. Ở đây, mọi người từ lạ thành quen, như một gia đình. Lúc dịch lớp nghỉ, tôi buồn lắm, chỉ mong ngày mở lại để được đến đây vẽ tranh, nghe mọi người trò chuyện”.

Những thương tổn dần lùi xa

“Mấy hoa mai này chú tô đẹp quá. Hôm nay, chú muốn tô thêm gì đây?”. Trên tay cầm xập giấy A4 in sẵn những hình ảnh đơn giản, anh Nguyễn Minh Tài (chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình) từ tốn hỏi một thành viên của lớp vẽ. Ngồi cạnh anh Tài là người đàn ông vừa qua cơn nguy hiểm từ cơn tai biến, những ngón tay vẫn cứng đờ do liệt nửa thân. Vì muốn thêm bạn mới sau những ngày cứ quanh quẩn ở nhà, ông tìm đến đây. Ông chưa thể cầm chì vẽ những nét ngay ngắn dù là đơn giản nhất, chỉ có thể tô vài đường sáp màu trên các hình in sẵn. Có cái bông mai, đôi khi phải 20 phút mới tô xong. Lắm lúc mấy ngón tay chẳng hợp tác, màu lem, ông chỉ cười xòa, nói lí nhí: “Lại hư nữa rồi nè”. Đúng lúc đó, người bạn ngồi bên sẽ nói: “Đâu có hư, nhìn vầy cho nghệ thuật. Anh yên tâm đi, vài tháng là anh vẽ ngon lành. Hồi đó tui cũng vậy”.

Mà đúng vậy thật, nhiều người khi đến lớp vẽ này chưa một lần cầm cọ, chọn màu, cứ bối rối, sợ hỏng. Nhưng dăm ba tuần, dần thích, quen tay, có người vẽ đẹp đến bất ngờ. Đâu chỉ có tranh, họ có thêm rất nhiều bạn qua mỗi tuần gắn bó để thấy yêu đời, yêu người hơn. Người lạc quan, trí óc vận động, bệnh tình từ đó thuyên giảm. “Tới lớp, các cô chú không ngồi yên mà tích cực kết nối, chia sẻ cùng nhau, không khí rất vui vẻ, thân thiện. Những người mới luôn được quan tâm nhiều hơn để sớm làm quen, thôi bỡ ngỡ. Bệnh nhân đột quỵ thường gặp khó khăn trong sinh hoạt, giao tiếp với mọi người nên dễ thu mình, sống khép kín. Lớp vẽ tạo ra một cộng đồng nhỏ giúp họ vừa thư giãn, vừa vận động, điều rất tốt trong quá trình trị liệu những thương tổn do bệnh tật gây ra”, anh Tài cho hay.

Lớp mở đều đặn sáng thứ Sáu hàng tuần. Từ chỗ ngồi vẽ tranh, ai cũng dễ dàng quan sát các bệnh nhân khác đang tập vật lý trị liệu tại khoa Phục hồi chức năng. Không ít bệnh nhân đi tập, tò mò chẳng hiểu những người ngồi ngoài chiếc bàn lớn kia đang tham gia hoạt động gì mà chăm chú quá. Hỏi thăm biết thông tin rồi vui vẻ đăng ký, nhiều người giờ trở thành “người quen” của các chuyên viên, tình nguyện viên ở lớp vẽ này. Các chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu sẽ hỗ trợ bệnh nhân kết nối, giao tiếp và sàng lọc khả năng tiếp nhận thông tin, giới hạn vận động thể chất để có hoạt động phù hợp, kích thích sự vui vẻ, sáng tạo trong mỗi người. Trong khi đó, các tình nguyện viên là người học đến từ trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và trường Đại học Sài Gòn sẽ là người đồng hành chính với từng bệnh nhân. Các bạn soạn giấy vẽ, cọ màu, rồi trò chuyện, hỏi han xem ai cần giúp gì. Nhiều tình nguyện viên nhớ tên, quen giọng bệnh nhân như người nhà.

Ý tưởng mở lớp vẽ trong bệnh viện này được Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng đề xuất với Bệnh viện An Bình sau khi tham khảo, trải nghiệm nhiều mô hình nghệ thuật trị liệu hiệu quả tại các quốc gia phát triển. Tâm huyết là vậy nhưng khi mở lớp học miễn phí này để tất cả bệnh nhân sau đột quỵ trong cộng đồng tham gia, ông chưa dám nghĩ đến chuyện đường dài. Phần vì kinh phí, phần vì nhân sự vận hành, phần vì sức khỏe bệnh nhân. Lớp có bữa đông đúc, bữa lại vắng hoe vì bệnh nhân mệt, chẳng đến được. Có người vừa vào 5 phút phải về nhà do huyết áp, nhịp tim bất ổn… Phòng làm việc của Tiến sĩ Điền sát lớp vẽ nên ngày nào có lớp ông đều ghé qua thăm hỏi, động viên mọi người và nắm tình hình. Mới đó mà đã gần 6 năm trôi qua từ sau buổi học vẽ đầu tiên.

Đến nay, bệnh viện đã tổ chức được một triển lãm và bán tranh gây quỹ cho bệnh nhân. Nhìn ánh mắt hạnh phúc của những bệnh nhân sau đột quỵ khi cầm trên tay món tiền đến từ bức tranh do họ sáng tác, Tiến sĩ Điền cùng các cộng sự thấy lòng ấm áp vô cùng. Ông biết, lớp học này thực sự ý nghĩa, thực sự tạo được cảm hứng sống tích cực cho nhiều người. Sắp tới, Bệnh viện An Bình còn mong muốn phát triển thêm mảng âm nhạc trị liệu và những hoạt động bổ ích cho bệnh nhân mà trung tâm phục hồi chức năng ở các nước tiên tiến đã làm như tạo ra phòng đọc sách, chơi cờ…”, Tiến sĩ Điền chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thầy giáo hơn 10 năm dạy vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật
Thầy giáo hơn 10 năm dạy vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật

VOV.VN - Hơn 10 năm nay, thầy Nguyễn Văn Hoàng (54 tuổi) vẫn chạy xe từ trung tâm TP.HCM, vượt hàng chục cây số đến lớp dạy vẽ tại một trung tâm dạy nghề ở huyện Hóc Môn để dạy cho nhiều trẻ em khuyết tật.

Thầy giáo hơn 10 năm dạy vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật

Thầy giáo hơn 10 năm dạy vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật

VOV.VN - Hơn 10 năm nay, thầy Nguyễn Văn Hoàng (54 tuổi) vẫn chạy xe từ trung tâm TP.HCM, vượt hàng chục cây số đến lớp dạy vẽ tại một trung tâm dạy nghề ở huyện Hóc Môn để dạy cho nhiều trẻ em khuyết tật.

Lớp dạy bơi miễn phí phòng chống đuối nước
Lớp dạy bơi miễn phí phòng chống đuối nước

VOV.VN - "Học bơi vui vẻ" là một hoạt động thường niên của CLB thiện nguyện Hoa mặt trời ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội nhằm tổ chức các lớp dạy bơi cứu hộ miễn phí và cung cấp kiến thức về bơi lội cho các em nhỏ.

Lớp dạy bơi miễn phí phòng chống đuối nước

Lớp dạy bơi miễn phí phòng chống đuối nước

VOV.VN - "Học bơi vui vẻ" là một hoạt động thường niên của CLB thiện nguyện Hoa mặt trời ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội nhằm tổ chức các lớp dạy bơi cứu hộ miễn phí và cung cấp kiến thức về bơi lội cho các em nhỏ.