Thầy giáo hơn 10 năm dạy vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật

VOV.VN - Hơn 10 năm nay, thầy Nguyễn Văn Hoàng (54 tuổi) vẫn chạy xe từ trung tâm TP.HCM, vượt hàng chục cây số đến lớp dạy vẽ tại một trung tâm dạy nghề ở huyện Hóc Môn để dạy cho nhiều trẻ em khuyết tật.

Điều đặc biệt hơn là trong suốt thời gian đó, dù đi một quãng đường rất xa, dù mưa hay nắng, thầy Hoàng không nhận bất cứ khoản chi phí nào và tâm niệm mình đi làm để giúp đỡ được nhiều hơn những học viên kém may mắn.

Tận tình chỉ học viên cách phối màu, tô màu để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh sinh động và đầy màu sắc, thế nhưng ít ai biết rằng thầy Nguyễn Văn Hoàng, từng là người học về cơ khí và chưa qua một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào liên quan đến vẽ. Nhờ được tiếp cận và nhận thấy sở trường, đam mê của mình chính là hội họa, nên thầy Hoàng quyết định theo đuổi đến cùng và tự mở được phòng tranh năm 2007.

Năm 2012, một phụ huynh đưa con đến phòng tranh của thầy và cho biết em là trẻ khiếm thính, không thể học những nghề khác và mong muốn được học vẽ. Ban đầu việc dạy và học của 2 thầy trò rất khó khăn do phải giao tiếp qua chữ viết, nhưng bằng sự kiên trì của cả thầy lẫn trò, em ngày càng tiến bộ. Tiếng lành đồn xa, phòng tranh của thầy Hoàng có thêm nhiều học viên khác, đặc biệt là những em khuyết tật, bởi bản thân anh mong muốn giúp đỡ thêm nhiều người kém may mắn có thêm niềm tin rằng mình là người có ích cho xã hội.

Từ lời giới thiệu của một người bạn, anh cũng "bén duyên" với lớp học vẽ tại Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi TP.HCM. Hằng tuần, thầy Hoàng đi hơn hai chục cây số từ trung tâm thành phố đến huyện Hóc Môn để dạy vẽ. Lớp của thầy Hoàng dành cho những bạn có thể trạng yếu, không thể theo học các lớp dạy may, tin học văn phòng, cơ khí,... Thầy Hoàng tâm sự, có những bạn hôm nay học, ngày mai lại quên nên phải hướng dẫn cho đến khi các bạn thực hành được. Dù sức khoẻ không tốt, nhưng các em vẫn chịu khó học, kiên nhẫn nghe thầy chỉ bảo và cố gắng thực hành. Chứng kiến các học trò cần cù, chịu khó học hỏi, dù làm việc không lương nhưng theo thầy Hoàng, điều anh nhận được rất lớn lao:

“Lúc trước mình nóng tính lắm, nhưng đến đây nhìn các em cần cù trên từng nét vẽ thì tự nhiên lòng mình chùng lại, mình cảm thấy bớt nóng tính, kiên nhẫn lại một chút như các em. Mấy em có thể ngồi suốt và liên tục với một chi tiết như vậy thì mình nghĩ các em làm được mà sao mình không làm được. Đây cũng là một nơi để cân bằng lại cuộc sống của mình”, thầy Hoàng chia sẻ.

Đánh giá về quá trình công tác hơn 10 năm qua của thầy Hoàng, bà Trương Ngọc Hoa, nguyên Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi TP.HCM cho biết, bà cảm nhận được thầy Hoàng là người làm việc có trách nhiệm và tấm lòng thiện nguyện. Thầy quan tâm đến các em từ sức khoẻ, đến chuẩn bị những vật dụng cần thiết khi trung tâm chưa kịp trang bị. Từ những chiếc máy tính cũ nhận từ bạn bè đến chiếc máy in thầy cũng chở lên trung tâm để các em có thêm thiết bị học tập. Hay khi thực hành gia công, vốn là người học về cơ khí nên khi cần hỗ trợ, thầy Hoàng cũng sẵn sàng tham gia.

“Tôi thấy thầy Hoàng là người có tâm, đến với học viên bằng tấm lòng. Trong việc dạy, thầy rất tận tâm, hướng dẫn chu đáo, tận tình và lo cho các em mọi mặt”, bà Trương Ngọc Hoa nói.

Tiếp thêm niềm hy vọng

Theo học tại trung tâm đã được một năm, anh Trần Văn Trãi, 36 tuổi, quê Tây Ninh cho biết, do dạng tật 1 tay yếu, 1 tay hoạt động được, việc di chuyển cũng khó khăn, anh nhận thấy thể trạng của mình phù hợp với hội họa. Được thầy chỉ dẫn cho từng nét vẽ, cách tô màu, anh Trãi ngày càng tiến bộ và cảm thấy có hy vọng để theo đuổi con đường này. Mỗi bức tranh anh vẽ gửi gắm niềm mong ước và sự nỗ lực của bản thân.

“Mình có ước mơ là vẽ thật đẹp, để sau này ra ngoài xã hội đi làm mướn, làm thuê ở đâu có thể có một ít đồng lương nho nhỏ để nuôi sống bản thân mà không phải lệ thuộc vào gia đình”, anh Trãi nói.

Cũng tại lớp học vẽ của thầy Hoàng phụ trách có anh Lê Thanh Tùng (34 tuổi, quê Kiên Giang) đã theo học được 10 năm. Anh Tùng bị liệt cả 2 chân từ nhỏ, phải sử dụng xe lăn để đi lại. Ban đầu khi tham gia học, anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa hiểu về phối màu, cách vẽ. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy Hoàng, anh tiến bộ hơn mỗi ngày, các bức tranh của anh cũng bán được ra thị trường. Chia sẻ về việc gắn bó lâu dài dài với Trung tâm, anh Tùng cho hay, mình muốn học hỏi thêm để nâng cao tay nghề và có thể cùng thầy hỗ trợ cho những bạn học viên mới, cùng cảnh ngộ.

“Sản phẩm mình vẽ được khách mua nên mình rất vui, hạnh phúc. Mình nghĩ mình không là gánh nặng của xã hội, có thể tự tin làm được nhiều thứ mà mình mong muốn”, anh Tùng bày tỏ.

Ngoài việc dạy vẽ cho học sinh tại trung tâm, hiện phòng tranh của thầy Hoàng còn có 2 em khiếm thính đang làm việc. Các em này được đào tạo từ những ngày đầu và được giữ lại phòng tranh, giúp các em có công việc ổn định. Thầy Hoàng cũng kết nối giới thiệu sản phẩm tranh của học viên khuyết tật đến nhiều người để các em có thêm thu nhập.

Nhìn cô học trò nhỏ với đôi tay không đủ 5 ngón cặm cụi cầm cọ vẽ tô màu, cậu học trò tay yếu run run chấm những nét vẽ lên bức tranh dang dở, hay khi chứng kiến nhiều những học viên của mình trưởng thành và sống được với nghề, thầy Hoàng coi đó là niềm hạnh phúc lớn lao, là động lực để tiếp tục gắn bó với công việc dạy vẽ.

“Công việc này giờ mình chỉ tâm niệm là miễn còn sức khoẻ, còn chạy xe được thì vẫn tiếp tục đến trung tâm để dạy cho các em”, thầy Hoàng chia sẻ.

Không riêng lớp học của thầy Hoàng, đến với Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi TP.HCM còn có nhiều lớp học khác dành cho những trẻ em kém may mắn. Sự tận tâm dạy dỗ, hết lòng với học viên của các thầy cô giáo đã góp phần mang lại niềm hy vọng, tự tin vào bản thân, giúp trẻ em khuyết tật, mồ côi có thêm nguồn động viên tinh thần, nỗ lực vươn lên  để trở thành những người có ích cho xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Để giáo viên vùng cao Lào Cai yên tâm công tác
Để giáo viên vùng cao Lào Cai yên tâm công tác

VOV.VN - Để giáo viên vùng cao yên tâm công tác là bài toán đang cần tìm lời giải của chính quyền, của ngành giáo dục địa phương bên cạnh những câu chuyện đời thực đầy trăn trở.

Để giáo viên vùng cao Lào Cai yên tâm công tác

Để giáo viên vùng cao Lào Cai yên tâm công tác

VOV.VN - Để giáo viên vùng cao yên tâm công tác là bài toán đang cần tìm lời giải của chính quyền, của ngành giáo dục địa phương bên cạnh những câu chuyện đời thực đầy trăn trở.

Những cô giáo cắm bản yêu thương học trò như con
Những cô giáo cắm bản yêu thương học trò như con

VOV.VN - Công tác tại vùng sâu vùng xa khó khăn thiếu thốn trăm bề, những giáo viên cắm bản được người dân tin yêu bởi không chỉ là người dạy học sinh cái chữ, họ thực sự là người của dân bản, yêu thương học trò như con.

Những cô giáo cắm bản yêu thương học trò như con

Những cô giáo cắm bản yêu thương học trò như con

VOV.VN - Công tác tại vùng sâu vùng xa khó khăn thiếu thốn trăm bề, những giáo viên cắm bản được người dân tin yêu bởi không chỉ là người dạy học sinh cái chữ, họ thực sự là người của dân bản, yêu thương học trò như con.

Hoa núi, búp măng rừng tặng thầy, cô giáo ngày 20/11
Hoa núi, búp măng rừng tặng thầy, cô giáo ngày 20/11

VOV.VN - Chào mừng ngày 20/11 năm nay, học sinh mang những cành hoa núi, búp măng rừng, quả bầu, trái bí… làm quà tặng thầy, cô giáo. Tình cảm mộc mạc ấy thắm đượm nghĩa tình thầy - trò.

Hoa núi, búp măng rừng tặng thầy, cô giáo ngày 20/11

Hoa núi, búp măng rừng tặng thầy, cô giáo ngày 20/11

VOV.VN - Chào mừng ngày 20/11 năm nay, học sinh mang những cành hoa núi, búp măng rừng, quả bầu, trái bí… làm quà tặng thầy, cô giáo. Tình cảm mộc mạc ấy thắm đượm nghĩa tình thầy - trò.