Lực lượng PCCC - Những ngôi sao trong cơn bão lửa
VOV.VN - Dù bất kể nơi nào có người dân gặp nạn, nơi đó luôn có lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẵn sàng xông pha tuyến đầu. Trong các vụ cháy, sự xuất hiện của những người cảnh sát phòng cháy chữa cháy như những ngôi sao mang đến hy vọng sống cho người dân.
Giữa thời bình, trên từng nẻo đường, góc phố, đặc biệt là ở những đô thị, nơi tập trung càng đông dân cư thì nguy cơ cháy nổ càng lớn. Mỗi vụ cháy, mỗi vụ tai nạn là một “cuộc chiến” với diễn biến hoàn toàn khác nhau, thách thức sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của người chỉ huy, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nhiệm vụ thầm lặng của những người chiến sỹ xuất thân từ nhân dân, vì nhân dân quên mình ấy lại càng nặng nề hơn. Dù bất kể nơi nào có người dân gặp nạn, nơi đó luôn có Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) sẵn sàng xông pha tuyến đầu. Trong các vụ cháy, sự xuất hiện của những người cảnh sát phòng cháy chữa cháy như những ngôi sao mang đến hy vọng sống cho những người dân mắc kẹt trong cơn bão lửa.
Những ngày cuối năm, trời trở lạnh nhiều hơn, điện thoại gọi tới số máy 114 reo vang báo hiệu ở đâu đó trong ngõ sâu hay trên phố lớn trong thành phố Hà Nội đang xảy ra cháy lớn. Những chiếc xe chữa cháy lại lao đi với tiếng còi báo cháy hú vang xa, gấp gáp. Những người lính cứu hỏa luôn trong tư thế sẵn sàng, nhanh chóng triển khai lực lượng, ngày cũng như đêm “lao vào biển lửa” để cứu người và tài sản của nhân dân.
Đối với những chiến sĩ cứu hoả, mỗi lần tiếng chuông báo động vang lên là một lần các anh lại đối mặt với hiểm nguy, chạy đua với thời gian, giành giật từng mạng sống của người dân. Từng tham gia chữa cháy nhiều vụ cháy lớn nhỏ, nhưng vụ cháy gây ám ảnh nhất đối với thượng úy Bùi Anh Tuấn, Đội cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an quận Thanh Xuân, đó là vụ cháy xảy ra tại chung cư mini ở phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân vào đêm 12/9/2023 khiến 56 người dân ở chung cư tử vong. Hiện trường là một chung cư 9 tầng, bịt kín bởi song sắt, chuồng cọp. Lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang bộ đã bị khói “nuốt chửng”.
Thượng úy Bùi Anh Tuấn, nhớ lại: “Trong quá trình di chuyển chứng tôi nhận được tin báo cháy của người dân tiếp tục báo là vụ cháy này có rất nhiều người mắc kẹt. Khi chúng tôi tiếp cận hiện trượng thì thấy ngõ đi vào địa điểm cháy rất sâu và hẹp. Chúng tôi phải đỗ xe cách địa điểm cháy khoảng hơn 200 m".
Lần đầu tiên tham gia chữa cháy một vụ cháy lớn đến vậy, chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Đức Trung, không khỏi bàng hoàng, lo sợ dù đã được chuẩn bị tâm lý từ trước: “Khi đến hiện trường, điều đầu tiên nhìn thấy là lửa đã cháy rất lớn. Trên đầu, tôi nghe thấy rất nhiều tiếng kêu cứu, mọi người hét lên “nóng quá, cứu tôi với”. “Có những người không chịu đựng được sức nóng, họ đã chọn nhảy từ trên tầng xuống. Nghe thấy tiếng động, tôi quay lưng lại thì thấy một nạn nhân nhảy. Tôi cùng cán bộ chiến sĩ khác đã tiếp cận và đưa nạn nhân ra bên ngoài để kiểm tra tình hình sức khỏe và bàn giao lại cho lực lượng y tế. Sau đó, tôi quay lại để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chữa cháy".
Trong bão lửa, những người lính cứu hỏa tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn không ai có thể lường trước được điều gì bởi, “giặc lửa” chẳng chừa một ai. Thế nhưng họ luôn đặt giá trị cuộc sống của nhân dân lên trước sự sống của mình.
Thượng úy Bùi Anh Tuấn cho biết thêm: “Tiếng kêu cứu của họ, ánh đèn flash, vải trắng ở trên họ vẫy rồi khi đau lòng chứng kiến những nạn nhân họ nhảy xuống thì đó là những điều thôi thúc chúng tôi phải thật nhanh, nhanh chóng để lao vào, quên đi cái nóng, mệt mỏi. Bản thân anh em chúng tôi chiến đấu quên mệt đến nỗi bị chuột rút vẫn cố chịu. Khi đưa các đồng chí ra, các đồng chí vẫn quyết tâm vào tiếp vì người dân đang rất cần chúng tôi".
Cứ thế, những người lính cứu hỏa nối tiếp thay phiên nhau chạy đua với thời gian, chạy đua với tốc độ bùng phát của ngọn lửa, để cứu người, cứu tài sản, nỗ lực khống chế đám cháy, đưa những người dân mắc kẹt ra khỏi “cửa tử”. Chứng kiến những khuôn mặt các chiến sỹ đen nhẻm vì khói bụi, dù đã kiệt sức nhưng không bỏ cuộc, bà Nguyễn Thanh Xuân, tổ trưởng Tổ dân phố 18, phường Khương Hạ không khỏi xúc động: “Lực lượng phòng cháy chữa cháy hầu như không nhìn thấy mặt ai vì mặt mũi đen nhẻm. Trời mưa nhưng các đồng chí cứ lao vào, lao vào bằng mọi cách nhanh nhất, tốt nhất tìm kiếm các nạn nhân. Không thể tưởng tượng rằng, có một sức mạnh nào để các đồng chí có thể lao vào cứu chữa như thế. Những người dân được cứu đến bây giờ họ vẫn cứ bảo nó là một phép màu mà nhờ có sự sẵn sàng xả thân hy sinh của các đồng chí phòng cháy, chữa cháy thì người ta được sống sót như thế".
Để cứu được tính mạng và tài sản của người dân, đã có những chiến sĩ ngã xuống, hy sinh trong cơn bão lửa. Chứng kiến mất mát của đồng đội, của nhân dân, không ít chiến sĩ trẻ mới vào nghề cảm thấy đau đớn, ám ảnh. Nhưng rồi, vượt qua nỗi đau ấy, trưởng thành hơn, nguyện noi gương sự dũng cảm của đồng đội, bảo vệ tốt hơn bình yên cuộc sống, hàng nghìn chiến sĩ trẻ hôm nay lại viết tiếp câu chuyện chiến đấu với giặc lửa, về nhiệm vụ cứu người, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
“Trong lực lượng Công an nhân dân nói chung thì ngành nào cũng có nguy hiểm. Chúng tôi là lính phòng cháy thì khói, lửa, sập đổ công trình xây dựng, rất nhiều hiểm nguy rình rập. Không phải nêu ra để cho anh em cán bộ, chiến sĩ chùn bước mà để rèn luyện bản lĩnh của người cán bộ, chiến sỹ khi đối diện với các đám cháy", Đội phó Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trung tá Trương Tuấn Vinh chia sẻ.
“Khi mình cứu được nạn nhân ra khỏi đám cháy, cứu được tài sản của họ, nhìn mọi người vui mừng vì thoát được cửa tử, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm", Thượng úy Đào Trung Hiếu, Công an quận Cầu Giấy chia sẻ.
Ở bất cứ giai đoạn nào, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đều thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm. Đó là “chất thép” được tôi luyện trong những tình huống nguy hiểm nhất. Để có được bản lĩnh vững vàng, không run sợ trước hiểm nguy, mỗi cán bộ, chiến sỹ đều phải trải qua những ngày tháng “rèn” thể lực, “luyện” ý chí không biết mệt mỏi. Ý chí và thể lực dẻo dai giúp các cán bộ, chiến sỹ phòng cháy chữa cháy cứu được nhiều hơn tính mạng và tài sản nhân dân trong cơn vây hãm cuồng điên của giặc lửa. Họ nhủ lòng mình phải dũng cảm hơn nữa, mưu trí hơn nữa, nhanh hơn nữa bởi nếu do dự, chỉ chậm một phút thôi thì sẽ phải day dứt cả cuộc đời.
Người lính cứu hỏa đã được học điều đó, ngay từ khi còn là những sinh viên trên giảng đường đại học. Chiến sĩ nghĩa vụ Vũ Trường An, Đại học PCCC cho biết, có trực tiếp lao vào hiện trường, cảm nhận sức nóng của lửa, mới hiểu được rằng, chẳng bài học nào quý giá hơn bài học trên thao trường. Ở đó các em cảm nhận được sự hiểm nguy phải đương đầu. Nhưng cũng từ đó các em cũng hiểu được trách nhiệm và vinh quanh của công việc mình đã chọn - công việc cứu người: “Bản thân tôi đang là học viên và sẽ là cán bộ phòng cháy chữa cháy tương lai. Tôi thấy đây là nghề chịu nhiều thiệt thòi và hy sinh nhưng đó là một điều trân quý. Bản thân tôi rất trân trọng nghề bởi vì phải có những hy sinh, biết lo cho người khác thì cuộc sống này mới an toàn".
Cuộc chiến với “giặc lửa” không chỉ là việc bảo vệ người dân và tài sản mà còn bảo vệ tinh thần và lòng dũng cảm của mỗi người lính cứu hỏa. Họ xứng đáng được tôn vinh và kính trọng. Những người lính cứu hỏa đã mang lại hy vọng và sự an toàn cho cộng đồng, để mỗi ngày chúng ta sống trong một thế giới an toàn hơn, đầy hy vọng và yêu thương. Cuộc đời của những người lính cứu hỏa đã khởi đầu bằng thanh xuân đầy nhiệt huyết. Khi khoác lên bộ sắc phục, họ đã sẵn sàng cho cuộc chiến với giặc lửa - quyết tâm một lòng “vì nhân dân phục vụ”.