Ngày Vì người nghèo 31/12

Mái ấm cho người nghèo

Với sự chung tay chia sẻ của đồng bào trong và ngoài nước, hơn 115.000 ngôi nhà đại đoàn kết đã được xây dựng, giúp cho hàng chục vạn người nghèo thực sự có một mái ấm để an cư

VOVNews phỏng vấn bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

PV: Thưa bà, tuy gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã chung tay với MTTQ Việt Nam để thực hiện các chương trình Vì người nghèo. Bà đánh giá như thế nào về nghĩa cử cao đẹp này?

Bà Hà Thị Liên: Năm 2008-2009 có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn,  nhưng sự tham gia giúp đỡ người nghèo của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân hầu như không giảm so với các năm trước. Các chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ vẫn nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân.

Nếu tính từ khi phát động (năm 2000) đến nay, Quỹ vì Người nghèo Trung ương nhận được khoảng 252 tỷ đồng ủng hộ thì riêng trong năm 2009, con số này đã chiếm gần 1/2 (hơn 107 tỷ đồng).

Cũng trong năm 2009, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ tư lệnh bộ đội Biên phòng thực hiện chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”. Mục tiêu của chương trình là xây dựng 1.000 nhà Đại đoàn kết cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các vùng biên giới, hải đảo. Nhưng đến nay, số nhà đã thực hiện được 2.517 căn nhà và nhiều công trình dân sinh phục vụ đồng bào biên giới, hải đảo.

Bà Hà Thị Liên

Ngoài ra, MTTQ các cấp và Ban vận động Ngày Vì người nghèo đã tham mưu cho cấp uỷ phối hợp với chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân tham gia các chương trình giúp đỡ người nghèo. Cả ở nhiều nơi không thuộc diện 62 huyện nghèo, hoặc không thuộc chương trình 30a của Chính phủ. Đặc biệt, đồng bào miền Trung và Tây Nguyên-những nơi vừa qua chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 9 và 11, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước.

PV: Thưa bà, có một số doanh nghiệp và cá nhân đã đăng ký tham gia ủng hộ người nghèo, nhưng việc thực hiện lại chậm trễ hoặc không đúng như đăng ký ban đầu. Vậy quan điểm của Ban vận động như thế nào về việc này?

Bà Hà Thị Liên: MTTQ Việt Nam trong quá trình vận động Quỹ vì người nghèo hoặc các chương trình an sinh xã hội đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những tấm lòng vì người nghèo.

Cũng phải nói rằng, sau khi các doanh nghiệp đăng ký ủng hộ, số tiền không được chuyển ngay về tài khoản quỹ hoặc được trao trực tiếp mà phải có thời gian và lộ trình thực hiện.

Cũng có số ít trường hợp đăng ký ủng hộ nhưng vì một lý do đặc biệt mà không thực hiện được hoặc chậm thực hiện. Chúng ta chỉ không đồng tình khi lý do đưa ra không chính đáng nhằm thoái thác lời hứa của mình.

Hiện nay, chúng tôi đã có thêm một “kênh” mới là ủng hộ theo địa chỉ. Ngoài việc ủng hộ đến quỹ, chúng tôi có các địa chỉ, phần việc cụ thể ở các địa phương để các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đem sự giúp đỡ của mình thực hiện ở những nơi đó.

PV: Thưa bà, để sự ủng hộ của bà con cả nước thực sự có ý nghĩa, MTTQ đã thể hiện vai trò giám sát như thế nào trong việc sử dụng nguồn tiền ủng hộ?

Bà Hà Thị Liên: Đối với cuộc vận động Vì người nghèo, chúng tôi đã xác định 5 nội dung quan trọng, trong đó dứt điểm phải giúp đỡ đồng bào nghèo an cư. Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Ban vận động và Mặt trận các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm và triển khai sử dụng số tiền ủng hộ.

Ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, mỗi năm chúng tôi đều tổ chức kiểm tra định kỳ, tổng kết để phát hiện những sai sót, vướng mắc để khắc phục kịp thời. Những nơi có số quỹ tồn đọng lớn, hoặc giải ngân chậm thì phải đôn đốc thực hiện.

Nhưng cũng xin nói rằng, đây là chương trình vận động làm nhà nên cũng không phải vận động được bao nhiêu thì phân bổ hết ngay. Chúng tôi phải tập trung nguồn vốn, cân đối giữa các địa phương để đồng tiền được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

PV: Thưa bà, hiện nay có gần 4 triệu đồng bào ta ở nước ngoài. Trong những năm qua, sự chung tay chia sẻ khó khăn của kiều bào đối với đồng bào nghèo trong nước được ghi nhận như thế nào?

Tặng nhà Đại đoàn kết cho giáo dân Vũ Thị Hương (Bắc Ninh)

Bà Hà Thị Liên

: Đối với kiều bào ta ở nước ngoài, không kể các doanh nghiệp, tổ chức mà ngay cả các cá nhân kiều bào cũng có nhiều đóng góp, ủng hộ đồng bào nghèo trong nước. Mỗi khi trong nước gặp thiên tai, bão lũ, thì ở hầu hết các cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn có các đợt quyên góp, ủng hộ kịp thời.

Ngay trong năm nay, có rất nhiều kiều bào về tham dự Đại hội đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài đã đem tiền về giúp đỡ bà con trong nước vừa bị hậu quả do bão lũ 9 và 11 gây ra. Cũng có nhiều cộng đồng, cá nhân kiều bào đã gửi tiền ủng hộ qua Đại sứ quán, Uỷ ban Nhà nước VNVNONN hoặc qua các kiều bào về thăm đất nước…

Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp này. Cùng với sự ủng hộ của bà con cả nước, sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang giúp đồng bào nghèo có chỗ ở ổn định, góp phần to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV: Mục tiêu đặt ra là hoàn thành hơn 59.000 ngôi nhà cho người nghèo nhưng đến nay mới thực hiện được hơn 36.000 căn. Vậy vai trò của Mặt trận như thế nào để việc xây dựng đúng tiến độ, để người nghèo có một mái nhà đón Tết?

Bà Hà Thị Liên: Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm phát huy mọi khả năng giúp đỡ của cộng đồng, gia đình, dòng họ và bản thân hộ nghèo để chăm lo xây dựng nhà ở. Đặc biệt, có nguồn lực rất lớn của Nhà nước nên Quỹ Vì người nghèo chỉ đóng góp thêm vào, cùng với các doanh nghiệp, tổ chức để cùng chăm lo, xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Nên chương trình cần phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực. Làm được như vậy mới đúng nghĩa là xây nhà đại đoàn kết.

Cùng với đó, chúng tôi cũng tập hợp, cân đối quỹ Vì người nghèo, nhất là quỹ Trung ương để tập trung ưu tiên cho 62 huyện nghèo với mục tiêu Tết Canh Dần có nhiều hơn đồng bào nghèo được đón Tết trong mái nhà đại đoàn kết.

PV: Xin cám ơn bà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên