Mái ấm nhỏ của những mẹ bầu đơn thân
VOV.VN - Mái ấm Thiện Nhi, một mái ấm nhỏ của những mẹ bầu đơn thân ở TP.HCM. Đây là nơi cưu mang những mẹ bầu có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc đang ở những tháng cuối thai kỳ và được chăm sóc sau sinh, tạo điều kiện giúp các bà mẹ trẻ có được tinh thần, sức khoẻ ổn định nhất để có thể trở về với cuộc sống đời thường.
Ngôi nhà đặc biệt của những mẹ bầu
Nhà tạm lánh, hay còn có một tên gọi thân thương hơn là mái ấm Thiện Nhi (TP. Thủ Đức) được chị Trương Quý Linh (31 tuổi) mở vào tháng 10/2021 với mong muốn là đây ngôi nhà nhỏ của những mẹ bầu đơn thân. Khi đó, thời điểm dịch COVID-19, chị Linh tham gia vào đội đi phát lương thực, thực phẩm ở các khu cách ly, chị thấy có nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhất là những bà mẹ trong thời gian sinh và sau sinh không có người thân bên cạnh, và thế là ngôi nhà tạm lánh của chị ra đời.
Chị Linh vẫn còn nhớ, 2 trường hợp đầu tiên dẫn về để chăm sóc là một bé 16 tuổi và một bạn là sinh viên năm cuối.
"Đến giờ bạn 16 tuổi đã được gia đình đón về, còn bé năm cuối đại học mình cũng hỗ trợ bé đó đi học lại, tốt nghiệp đại học và có được công việc, sau đó em đã đưa con về với gia đình và được chấp nhận", chị Linh nói.
Hiện tại ở mái ấm có 6 mẹ, mỗi đợt chị Linh chỉ có thể nhận khoảng 10 mẹ để tự chăm sóc tốt nhất. Sau khi sinh khoảng 4-6 tháng, tuỳ theo tâm nguyện của các mẹ, nếu sau thời gian này vẫn muốn ở lại, chị Linh cũng sẽ hỗ trợ về chỗ ở, có điều kiện ổn định để các mẹ có thể đi làm.
Thường mái ấm sẽ nhận các mẹ ở trong những tháng cuối thai kỳ, tháng thứ 6 tháng 7 trở lên, sau đó sẽ được chăm sóc ở những tháng cuối, đưa đi khám thai, uống thuốc bầu, ăn uống,... chuẩn bị cả những đồ sơ sinh, đưa các mẹ đi sinh, về chăm sóc các mẹ sau khi sinh nở. Nếu các mẹ có thời gian và có thể chăm em bé được thì có thể giúp đỡ mẹ khác để họ đi làm, chị Linh cho biết thêm.
Khi quyết định mở mái ấm này, chị Linh không hề có kinh nghiệm, nhưng cũng nhờ chia sẻ, tâm sự với bạn bè mà chị nhận được sự đồng hành của nhiều người khác. Bên cạnh đó, chị cũng phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để hoàn thiện thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Lâu lâu, có nhà hảo tâm lại gửi từ quê lên những quả trứng, nải chuối, hay quả bí được trồng ở quê. Dù ít hay nhiều, đó đều là những tấm lòng rất trân quý dành cho những mẹ bầu đang ở đây.
Tuy vậy, ngoài những lúc nhận được những điều tích cực, cũng có không ít trường hợp lợi dụng lòng tốt để trục lợi, dựng chuyện. Những trường hợp đó cũng đã làm chị thất vọng và buồn vì lòng tốt của mình bị lợi dụng. "Nhưng lúc đó mình cũng nghĩ là ngoài những người đó ra thì còn rất nhiều người tốt khác đang khó khăn, cần giúp đỡ cho nên mình vẫn quyết định tiếp tục công việc này", chị Linh tâm sự thêm.
Sẻ chia yêu thương
Em H.T, quê ở Đắk Lắk mang thai khi không có kinh nghiệm gì vì tuổi đời còn quá nhỏ, mẹ thì làm thuê ở TP.HCM. Ngay khi biết con mình mang thai, mẹ T. đã lập tức đưa em xuống thành phố, lúc đó thai đã được 6 tháng. Cuộc sống đã khó khăn, bà mẹ đang loay hoay vì không thể bỏ mặc con gái nhưng cũng phải đi làm để kiếm tiền nuôi con nuôi cháu thì may mắn tìm được chị Trúc Linh.
Vừa thay tã cho đứa con mới sinh, người mẹ trẻ này cho biết, chị Linh giống như người mẹ thứ 2 của em khi một mình quan tâm và chăm lo đến từng miếng ăn, giấc ngủ của mọi người. Cũng là em út, nên em được các chị dạy dỗ, chỉ bảo rất nhẹ nhàng và giúp đỡ rất nhiều việc.
“Mới đầu xuống đây, em không muốn ở trong đây, vì còn nhỏ, đi vô đây cảm giác bị lạc lõng nhưng vô tình thế bắt buộc nên phải chấp nhận. Nhưng ở đây mọi người vui vẻ hoà động, nên mình cũng đỡ môt phần nào đó, giống như ở nhà, mình cũng không cần phải lo lắng gì hết. Một mình chị Linh lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho tụi em", T nói.
Còn chị H.C đang trong những tháng cuối thai kỳ kể, chị và chồng xảy ra mâu thuẫn kéo dài, đỉnh điểm, chị quyết định rời đi và tìm nơi ở tạm thời cho 2 mẹ con. Tìm kiếm các nhóm của những mẹ bầu đơn thân để nhận sự giúp đỡ, may mắn thay, chị kết nối được với mái ấm của chị Trúc Linh.
Chị H.C nhớ lại: "Nếu em không gặp được chị Linh thì không biết cũng đang bơ vơ, lang thang, vất vưởng ở một nơi nào nữa. Lúc gọi chị Linh, em đã tâm sự và khóc nhiều, chị Linh cũng an ủi, động viên, chia sẻ và cho biết các mẹ ở đây cũng vậy. Chị nói em cứ qua ở với mọi người rồi từ từ sẽ quen", chị C kể lại.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa chị sẽ sinh con, từ khi vào được mái ấm, với sự cưu mang của tất cả mọi người nên chị C. đã dần hồi phục tinh thần, chuẩn bị những gì tốt nhất để sinh con. "Hiện tại bây giờ em cảm thấy tinh thần tốt hơn rất nhiều so với thời điểm em mới nhắn tin với chị Linh. Thời điểm đó em trong bế tắc, vừa bất lực, đến hiện tại mọi thứ ổn hơn rất nhiều rồi nên em cảm thấy mình rất may mắn", chị H.C nói thêm.
Chi H.C vốn có tay nghề trước đó, nên dự định sau sinh, chị sẽ quay trở lại công việc kiếm tiền nuôi con đồng thời thuyết phục gia đình đón nhận hoàn cảnh của 2 mẹ con hiện tại.
Hiểu được hoàn cảnh của nhau, nên các mẹ bầu ở đây đều chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên cảm giác của chị em trong gia đình.
Dù vẫn chưa lập gia đình, nhưng chị Trương Quý Linh giờ đây đã biết rất nhiều kiến thức từ chăm sóc mẹ bầu đến trẻ sơ sinh, là người mẹ đỡ đầu của nhiều em nhỏ khác khi vừa được sinh ra. Chị Linh cũng mong muốn, mình có thể cùng đồng hành với các anh chị, nhà hảo tâm tạo điều kiện cho các mẹ nếu có nhu cầu được học nghề, từ đó có thể nuôi sống bản thân và chăm lo con của mình.
Chị Quý Linh cho biết thêm, khi làm những công việc này, chị không mong chờ hay mong cầu điều gì. Khi các mẹ về với gia đình, có một cuộc sống tốt hơn, điều đó cũng làm chị cảm thấy vui hơn. "Đặc biệt các em nhớ tới mình các em hỏi thăm, nhắn tin cho mình, mình cảm thấy rất ấm áp vì những việc làm của mình cũng đã góp phần cho cuộc sống của các bạn hiện tại tốt hơn”, chị Linh vui vẻ nói.