Mai Thúc Long- Người anh cả của Ban miền Nam
VOV.VN -Ban biên tập miền Nam của Đài TNVN thời ấy có hơn 100 người, hầu hết là cán bộ miền Nam tập kết
Năm 1966, tôi nhận công tác tại phòng Thành thị miền Nam nhưng chỉ được làm việc với anh Mai Thúc Long từ năm 1970 khi anh làm phó ban biên tập và trực tiếp chỉ đạo Phòng Thành thị miền Nam. Đầu năm 1973, khi anh Trần Quang Mẫn, trưởng phòng Thành thị miền Nam đi chiến trường B thì anh kiêm luôn trưởng phòng của phòng này. Vừa làm công tác chỉ đạo anh vừa trực tiếp viết bài, chủ yếu là bình luận.
Tôi rất ấn tượng về hình ảnh anh ngồi gõ máy chữ xành xạch trong cái phòng bé tẹo như phòng tắm, thỉnh thoảng lại mở cửa ra nói với người này một câu, người kia một câu rồi lại lui vào đóng cửa lại. Cũng rất quen thuộc hình ảnh anh lách qua hai dãy bàn trong phòng bước rất nhanh ra ngoài, lát sau lại mở cửa đi rất nhanh vào cái phòng bé tí ấy. Chẳng cần phải trải nghiệm nhiều thời gian cũng biết đấy là một con người tham công tiếc việc, lúc nào cũng sôi sục, việc này chưa xong đã nghĩ qua việc khác, việc nào cũng muốn xong ngay. Quả thật là như vậy.Anh Mai Thúc Long (hàng đầu, giữa ảnh) tại cuộc họp mặt cựu BTV Ban miền Nam 4/2006 |
Ở Ban miền Nam ngày ấy, chúng tôi tác chiến hàng ngày, 9 giờ sáng nhận đề tài, 2-3 giờ chiều đã phải có văn bản đánh máy sạch sẽ một bài với hai, ba trang giấy để đưa duyệt. Anh Long không chấp nhận sự chậm trễ hay lỡ hẹn.
Ban biên tập miền Nam thời ấy có hơn 100 người, hầu hết là cán bộ miền Nam tập kết, lúc đầu chỉ có tôi duy nhất là người miền Bắc, phải đến hai, ba năm sau mới có thêm các anh Trúc Thông, Nguyễn Viết Bình, Nguyễn Nguyên Bảy và một số sinh viên mới ra trường. Có lẽ do cảm thông với những khó khăn của chúng tôi trong môi trường công tác " miền Nam giữa lòng miền Bắc " nên anh đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi hòa nhập với nề nếp sinh hoạt, tác phong làm việc, hiểu được lời ăn tiếng nói của người miền Nam. Ngoài việc cung cấp cho chúng tôi nhiều loại báo chí, kể cả một số sách xuất bản ở Sài Gòn, anh sắp xếp cho chúng tôi nhiều chuyến đi thực tế để không quá lệ thuộc vào tài liệu gián tiếp. Vì thế chúng tôi mới có các chuyến đi vào những vùng được gọi là tuyến lửa như Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hà Tĩnh... Một lần anh đi với chúng tôi về nông trường Rạng Đông ở Nam Định, sống trọn một tuần với công nhân nông trường hầu hết là bộ đội và cán bộ miền Nam.
Mọi người trong ban thường nói anh Mai Thúc Long thích người trẻ, nhất là con trai. Qua thực tế tôi thấy anh quan tâm đến người trẻ và dành nhiều tình cảm cho chúng tôi, giúp chúng tôi nuôi dưỡng ý chí phấn đấu của tuổi trẻ. Tôi luôn luôn tâm niệm rằng mình được kết nạp Đảng và có chút tiến bộ là nhờ đồng nghiệp miền Nam, trong đó có anh Mai Thúc Long. Anh cũng khuyến khích chúng tôi phát huy năng khiếu sáng tác văn chương để chương trình sinh động, bớt khô khan. Ngoài các bài vở đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, đấu tranh trực diện, tôi viết nhiều kịch truyền thanh, truyện ngắn, Trúc Thông, Nguyễn Nguyên Bảy làm thơ... Tôi nhớ ít nhất hai lần Trúc Thông được anh cho phép mời nhạc sĩ Lê Việt Hòa viết nhạc nền riêng cho bài thơ của anh, bài thơ được Phan Muôn đọc cùng Hoàng Mãnh đệm piano. Theo tôi biết, trước và sau Trúc Thông, ở đài có lẽ khó có ai làm được như thế mà thường chỉ chọn nhạc có sẵn. Anh em sáng tác trong đài mỗi lần in sách nhiều người trân trọng tặng anh, anh đều dành thời gian đọc hết và có lời bình xét.
Một lần chuyển nhà, anh gọi tôi đến ngôi nhà anh thuê ở 28 Điện Biên Phủ chỉ cho tôi đống sách ngổn ngang trên sàn, bảo tôi muốn lấy quyển nào thì chọn. Tôi đã chọn một túi nặng, chợt nhìn thấy cuốn sách mình tặng anh nằm lẫn trong đống sách ấy, tự nhủ không biết nó sẽ đi về đâu.
Trước tết Ất Mùi nghe bệnh anh nguy cấp, vợ chồng tôi đến nhà thăm anh mới nhìn thấy trong cái tủ sách có cửa kính đặt trong phòng ngủ của anh có rất nhiều sách của anh em trong đài xếp ngay ngắn, nhìn qua có Đặng Quang Tình, Nguyễn Chu Nhạc, Trần Đức Nuôi, Dương Quang Minh... cùng một số người khác, dĩ nhiên có cả sách của tôi. Đủ thấy anh trân trọng lao động nghệ thuật của anh em như thế nào.
Anh Mai Thúc Long là một nhà báo đa năng, ngoài thể tài bình luận, anh còn viết bút ký, thơ, trao đổi nghiệp vụ nghề báo, đàm luận văn chương... Sau khi nghỉ hưu, anh được mời làm cố vấn cho Đài Truyền hình Việt Nam cùng với ông Trần Lâm. Hàng tuần, vào sáng thứ hai anh gửi cho đài bản nhận xét, góp ý cho các chương trình truyền hình thường trên dưới 10 trang viết tay khổ A4. Gần mười năm anh kiên trì theo dõi và ghi nhận xét chủ yếu các chương trình Thời sự, chính luận, nhưng cũng quan tâm các chương trình khác, nhất là văn học nghệ thuật. Tuy anh tự xác định mình chỉ là một khán giả, nhưng trong các bản nhận xét anh tỏ ra hiểu khá sâu sắc nghề nghiệp của những người làm truyền hình, anh có những ý kiến xác đáng về cách nói, cách xử lý tình huống của biên tập viên nói trực tiếp và các MC...Những ý kiến của anh được đọc tại các cuộc giao ban của đài, luôn được lãnh đạo đài chỉ đạo để xử lý.
Anh Mai Thúc Long sống trọn đời với nghề phát thanh, từng trải qua nhiều công việc với chức trách khác nhau nhưng tôi cảm nhận anh dành nhiều tình cảm nhất cho Ban miền Nam của chúng tôi. Nói như vậy không biết có phải là vơ vào không. Thực tế là tháng 8-1975, Ban miền Nam giải thể, 20 năm sau, mãi đến năm 1995 với sự gợi mở của anh Mai Thúc Long, chúng tôi mới tập hợp nhau để rồi hàng năm lấy ngày 30-4 làm ngày gặp mặt. Chúng tôi coi anh như người anh cả, giữ mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết chỉ để ôn cũ biết mới, chia sẻ với nhau cuộc sống gia đình, sức khỏe, thông tin ai đang ốm, ai vừa mất...Tại cuộc gặp mặt tháng 4/2014 |
Cách đây 5 năm, vào dịp gặp mặt hàng năm, một số anh em đề xuất vấn đề khen thưởng cho Ban miền Nam. Trải qua 20 năm tồn tại (1955-1975), Ban miền Nam đã có thành tích đáng kể trên mặt trận đấu tranh tư tưởng , góp phần cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đi tới thắng lợi. Tuy nhiên vào thời điểm miền Nam giải phóng do nhiều nguyên nhân, ban giai thể vội vã mà chưa có tổng kết, kiểm điểm đầy đủ, chưa hề được nhà nước khen thưởng cho tập thể cũng như cá nhân. Được anh Long đồng ý, chúng tôi đã viết báo cáo gửi lãnh đạo đài để đài quan tâm và đề nghị nhà nước xem xét việc này. Qua hơn năm năm không có hồi âm gì, gần đây trong một lần đến thăm anh tại nhà riêng, tôi hỏi anh về việc ấy có nên thúc đẩy tiếp không, anh cười bảo:" Thôi cho qua !" Nghe anh nói vậy nhưng tôi biết hình như anh có hơi buồn, khen thưởng không phải cho anh mà là sự ghi nhận công sức và trí tuệ của hơn 100 con người từng làm việc ở Ban miền Nam. Tôi lại nghĩ chúng tôi muốn có điều ấy cũng một phần là vì anh bởi anh từng gắn bó với ban này từ thuở nó mới chỉ là phòng phát thanh vào Nam năm 1955. Chúng tôi muốn vào những năm cuối đời, nếu có được điều ấy chắc anh sẽ vui, có thể quên đi bệnh tật được chăng.
Những năm tới chắc chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc gặp mặt vào dịp miền Nam giải phóng nhưng không còn có anh ngồi trò chuyện lai rai như một người anh cả, như ông cha ta vẫn nói, quyền huynh thế phụ là không thể thiếu, những người của Ban miền Nam sẽ bầu một đồng nghiệp khác thay anh làm anh cả hay chị cả, nhưng bóng dáng anh thì vẫn còn đó bên cạnh tất cả mọi người./.