Mang tới đồng bào vùng lũ những món quà thiết thực

Bên cạnh hỗ trợ vật chất, khắc phục hậu quả sau lũ, vấn đề quan trọng hiện nay là tăng cường hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh cho người dân

>> Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam xin lỗi về "sự cố" hàng cứu trợ / Công tác cứu trợ chưa có kịch bản hoàn chỉnh

Sau lũ, người dân miền Trung phải đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là nỗi lo môi trường ô nhiễm, dịch bệnh mùa đông đe dọa.

Một số địa phương của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã xuất hiện bệnh đau mắt đỏ, nước ăn chân, đau xương khớp, đau bụng…. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ vật chất, khắc phục hậu quả sau lũ, vấn đề quan trọng hiện nay là tăng cường hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh cho người dân.

Cùng đoàn công tác xã hội của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Công ty Dược phẩm Bà Giằng về các địa phương vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh những ngày này, mọi sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường; đường làng, ngõ xóm đã được quét dọn. Tuy nhiên, một số kênh mương quanh làng vẫn còn ngổn ngang bùn đất, rác thải ứ đọng. Một phần xác gia súc, gia cầm chết đã phân huỷ, bốc mùi ở nhiều nơi gây mất vệ sinh môi trường.

Rác và nước đọng - "thủ phạm" gây ra dịch bệnh

Lũ rút, người dân tranh thủ cày bừa, làm đất trồng ngô, khoai lang, rau xanh để bù lại những mất mát do thiên tai gây ra. Nhà nào cũng tất bật trồng tỉa cho kịp thời vụ nên vấn đề vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe ít được chú trọng. Đau ốm, ra hàng thuốc mua mấy liều thuốc uống qua loa chiếu lệ, thành ra bệnh chẳng giảm. Ông Phạm Bá Quế, người dân xóm 7, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An cho biết: “Lũ rút đi, nhưng dân bị đau khớp xương, trẻ em bị ho dài ngày. Tôi mua thuốc ở ngoài cửa hàng nhưng 15 ngày rồi, cháu vẫn chưa khỏi. Đêm vẫn ho dữ lắm”.

Theo bà Phạm Thị Hải, Quyền Trưởng phòng y tế huyện Nam Đàn, sau lũ, ngành y tế đã dành 100 triệu đồng mua thuốc và hoá chất, cấp cho các trạm y tế, hướng dẫn người dân xử lý nước bằng phèn chua, cloramin B. Những mương nước còn đọng rác thải là nguy cơ cao phát sinh bệnh sốt xuất huyết, phòng y tế huyện đang đề xuất bổ sung thêm hoá chất phun diệt muỗi. Bà Hải nói: “Mỗi xã đều có 2 bác sĩ, y sĩ chỉ đạo y tế cơ sở phối hợp ban, ngành làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Đến thời điểm này, trên địa bàn không có dịch bệnh lớn, chỉ rải rác các ca đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt. Ngành đang đề xuất bổ sung thêm hoá chất phun diệt muỗi đề phòng sốt xuất huyết xảy ra”.

Thực tế đợt lũ vừa qua, hầu hết giếng nước và các công trình vệ sinh của dân bị ngập nước. Việc xử lý nước bằng Cloramin B chỉ là giải pháp trước mắt, để xử lý sạch bùn non đọng dưới đáy giếng phải chờ nước cạn mới làm được. Trong khi chờ đợi, người dân vẫn phải dùng nước giếng để ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

Lũ lụt - người và bò cùng phải sống chung

Bà Trịnh Thị Thiện, ở xóm 3, xã Nam Trung cho biết: “Xác động vật chết, rác thải, chất bẩn làm ô nhiễm môi trường. Biết vậy, nhưng không có nước sạch để dùng nên dân vẫn cứ phải dùng nước ở dưới ngầm. Nước sôi có nhiều chất màu trắng bám xung quanh. Thấy bẩn nhưng vẫn phải dùng”.

Vì vậy, biết có đoàn khám bệnh nhân đạo và phát thuốc miễn phí của Hội Chữ thập Đỏ và Công ty Dược phẩm Bà Giằng về địa phương, hàng trăm người là bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách, thương binh… mắc các bệnh xương khớp, bệnh ngoài da, ho, cảm cúm, đường ruột, sốt… đã đến Trạm y tế xã Nam Trung để được các bác sĩ khám bệnh, cho thuốc và hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh, ăn ở hợp vệ sinh.

Ông Nguyễn Văn Tý ở xóm 1, xã Nam Trung là thương binh được đoàn khám và cấp thuốc xúc động nói: “Tôi rất mừng và cảm ơn đoàn. Đoàn mang thuốc chữa bệnh về giúp bà con thật là quý. Hầu như dân ở đây đều bị bệnh phong tê thấp nên được nhận thuốc phong Bà Giằng họ rất thích”.

Tại xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, cùng với việc cứu trợ lương thực, quần áo cho các hộ gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, việc cần thiết lúc này là phát thuốc tiêu độc khử trùng nhằm xử lý tất cả các giếng nước, phát thuốc cho người dân để điều trị bệnh về đường ruột, dịch tả...

Theo Dược sĩ Lê Thị Bình, Giám đốc Công ty Dược phẩm Bà Giằng, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sau lũ lụt của người dân miền Trung rất lớn. Lúc này, điều quan trọng là phải tăng cường truyền thông về phòng chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp người dân biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình. Với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất thuốc y học cổ truyền, Dược sĩ Lê Thị Bình thường xuyên có tổ chức những chuyến thăm khám, phát thuốc cho người nghèo.

Khám bệnh, phát thuốc cho người dân vùng lũ

“Trong những đợt tham gia khám và cấp phát thuốc, chúng tôi còn phát hiện bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng, chữa bệnh, kiến thức sử dụng thuốc, hướng dẫn người dân ăn ở hợp vệ sinh, giúp người dân phòng tránh bệnh. Qua chuyến đi thực tế tôi thấy đồng bào còn nhiều khó khăn, bà con ít có điều kiện khám bệnh. Những cuộc thăm khám này giúp bà con hiểu được bệnh, phòng tránh bệnh tật nhất là sau khi lũ lụt” - Dược sĩ Lê Thị Bình chia sẻ.

Những ngày này, từng đoàn xe cứu trợ vẫn tấp nập chuyển hàng, tiền về với đồng bào vùng lũ miền Trung. Tuy nhiên, để phần nào bù đắp sự thiếu thốn trăm bề của người nghèo khó, việc ủng hộ, cứu trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương; hoạt động nhân đạo cũng cần có tính định hướng, biết người dân cần gì để mang đến những món quà, sự quan tâm thiết thực, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cái cần thì không có, cái có lại không cần. Sự đồng cảm, chân thành của cộng đồng lúc này là nguồn động viên, giúp đỡ có hiệu quả để người dân vùng lũ không ai bị đói, rét, ốm đau, có thêm nghị lực vượt lên nỗi đau mất mát, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên