"Mạng xã hội làm giới trẻ loạn thần"

Đó là lời nhận định của Lionel Shriver, nhà biên kịch, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng We Need To Talk About Kevin.

Lionel Shriver, người Mỹ, là một nhà văn vừa có sách bán chạy vừa giành được nhiều giải thưởng của giới phê bình. Tác phẩm nổi tiếng nhất của là tiểu thuyết "We Need To Talk About Kevin" về tâm lý bạo lực, thù hằn ở tuổi thiếu niên và thử thách của tình mẫu tử, được Anh chuyển thể thành một bộ phim xuất sắc trong năm 2011 và từng được chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội năm ngoái.

Coi trọng hình ảnh bản thân một cách lệch lạc 

Tác phẩm mới nhất của Shriver là tiểu thuyết Big Brother nói về nỗi ám ảnh cân nặng của thanh thiếu niên, cho rằng giới trẻ hiện nay là một thế hệ “siêu ý thức”, rất quan tâm về hình ảnh của bản thân trong mắt người khác. 

Nhà văn Lionel Shriver: “Giới trẻ ngày nay thích ngắm nghía bản thân mình hơn là nhìn ra cuộc sống xung quanh”

Nói với Telegraph, Shriver nhận định hiện tượng đó sinh sôi nảy nở và hiện tại đã chiếm lĩnh cuộc sống của phần lớn giới trẻ, một phần vì  trào lưu chụp ảnh và đăng lên mạng để phô diễn cho mọi người thấy những hình ảnh bề nổi của bản thân.

Phát biểu ở Liên hoan Văn học Chip- ping Norton gần đây, nhà văn cho rằng công nghệ khiến cả một thế hệ lớn lên với thói quen nhìn ngắm bản thân mình nhiều hơn là quan sát thế giới xung quanh, đồng thời e sợ trách nhiệm làm cha mẹ. Theo Shriver, cân nặng và kích thước cũng trở thành mối ám ảnh lớn hơn bao giờ hết, ảnh hưởng đến hầu như tất cả mọi người. “Có vẻ như một phần lý do là vì người ta ngày càng chụp ảnh nhiều hơn” - bà nói. “Nếu so sánh, ở thời trước người ta ít chụp ảnh hơn và không thường xuyên nhìn thấy những bức ảnh của mình. Người ta chỉ thi thoảng soi gương thôi, còn hầu hết thời gian họ dành để quan sát thế giới và những người xung quanh”. 

“Có gì đó không tự nhiên trong cách con người hiện nay tự ngắm nghía mình. Ý thức cao độ về hình thức của mình trong mắt mọi người dẫn người ta đi đến nơi mà họ không lường trước được. Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến cân nặng mà không hiểu sự quyến rũ đích thực. Và những suy nghĩ nhầm lẫn đó ngày càng trở thành trung tâm của đời sống tinh thần”. 

Về những cô gái trẻ “nghiện” chụp ảnh và đăng ảnh lên mạng, Shriver nói: “Làm cha mẹ của một thiếu niên mới lớn, nhất là lại là con gái, thật khó khăn. Bạn không mong muốn con mình quá béo vì điều đó có hại cho sức khỏe và sẽ khiến chúng bị bạn bè tẩy chay. Nhưng bạn cũng không mong muốn con mình mắc chứng biếng ăn, điều đó còn nguy hiểm và tồi tệ hơn”. 

Bình luận trên trang Daily Mail, một độc giả cho rằng điều Shriver nói cũng đang xảy ra với cả người lớn chứ không chỉ giới trẻ. Hình thức đang trở thành nỗi ám ảnh chung. Một độc giả khác viết: “Người ta chỉ tỏ ra quan tâm đến một thứ gì đó khi họ có thể công khai cho mọi người thấy hình ảnh quan tâm của mình”. 

Cuốn sách mô tả trải nghiệm của bản thân 

Tiểu thuyết Big Brother của Shriver kể về cuộc đấu tranh của hai anh em (anh trai và em gái) để thoát khỏi chứng béo phì. Shriver viết tiểu thuyết này từ trải nghiệm của chính mình. Ở tuổi 17, bà tăng khoảng 10kg và trở nên béo phì, kể từ đó bà luôn phải vật lộn với vấn đề cân nặng. Đó là cuộc đấu tranh mệt mỏi, dai dẳng. Big Brother bàn về nỗi ám ảnh hình thức của giới trẻ với góc độ rất riêng. 

Tác giả Lionel Shriver sinh năm 1957, từng giành giải văn học Orange (giành cho văn chương nữ) với tiểu thuyết We Need To Talk About Kevin vào năm 2005. 

We Need To Talk About Kevin là cuốn tiểu thuyết kinh dị, nghiên cứu sâu về những mâu thuẫn của tình mẫu tử và vai trò của nó trong hành vi bạo lực của lứa tuổi thiếu niên: nhân vật chính Kevin đã giết chết 9 người ở trường học. Cuốn sách khi ra mắt vừa bán chạy vừa gây tranh cãi và cũng là một thành công lớn. 

Lionel Shriver cũng là một nhà báo giàu kinh nghiệm, từng viết cho các báo lớn The Wall Street Journal, The Finan- cial Times, The New York Times, The Economist và The Guardian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trào lưu giới trẻ lên mạng “thú tội”
Trào lưu giới trẻ lên mạng “thú tội”

(VOV) -“Hôm đó tự dưng cậu hỏi tôi có là “gay” không. Tôi trả lời có…”, một bạn trẻ viết.

Trào lưu giới trẻ lên mạng “thú tội”

Trào lưu giới trẻ lên mạng “thú tội”

(VOV) -“Hôm đó tự dưng cậu hỏi tôi có là “gay” không. Tôi trả lời có…”, một bạn trẻ viết.