Mất hồ sơ gốc của liệt sĩ vẫn có thể được hưởng chế độ
(VOV) -Việc xác nhận gia đình bị mất hồ sơ gốc của liệt sĩ sẽ do chính quyền địa phương thẩm định, xác nhận.
Sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trong phần thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền về những biện pháp để giải quyết việc quy tập hài cốt liệt sĩ phải có xét nghiệm ADN của liệt sĩ thì mới được làm thủ tục xác nhận giải quyết. Nguyên nhân do việc giải quyết thủ tục cho các gia đình liệt sĩ đã từng tham gia kháng chiến còn tồn đọng nhiều vì mất hồ sơ gốc.
Trả lời những thắc mắc trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: gần đây, có hiện tượng là thông qua hoạt động ngoại cảm, một số gia đình đưa hài cốt của người thân không đúng với danh tính của liệt sĩ. Do đó, vấn đề này xử lý rất khó. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng xác nhận danh tính hài cốt liệt sĩ.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khuyến cáo các gia đình khi muốn đi tìm hài cốt của người thân nên thông qua cơ quan có trách nhiệm là Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương để thực hiện việc tìm kiếm và xác nhận thân nhân một cách chính xác.
Còn trường hợp xác định danh tính liệt sĩ thông qua những con đường khác mà gia đình đã đưa hài cốt về nghĩa trang, thì có thể được đặt vào nghĩa trang nhưng chưa khắc bia, vì hài cốt liệt sĩ đó còn cần phải xác định ADN. Kinh phí chi trả cho xác định ADN sẽ do Bộ Quốc phòng chi trả chứ gia đình liệt sĩ không phải mất phí. Khi đã xác định được rõ danh tính của hài cốt rồi thì mới có thể khắc bia được.
Trước đây, do chiến tranh kéo dài, việc quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ có khi bị thất lạc nên việc xác định danh tính của liệt sĩ thông qua giải pháp phải có 2 người chứng nhận. Tuy nhiên, thông qua biện pháp này đã phát hiện ra những biểu hiện gian lận. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định dừng xác định danh tính của liệt sĩ thông qua phương pháp trên.
Đoàn viên thanh niên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thắp hương tri ân các liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn (Ảnh: Hà Nội mới) |
Để giải quyết chính sách cho các gia đình liệt sĩ phải dựa trên những tài liệu, hồ sơ, xác nhận điều trị cho liệt sĩ khi tham gia chiến trường. Trên cơ sở giải quyết như trên đã góp phần khắc phục những sai phạm trong xác định danh tính của liệt sĩ để được hưởng chế độ chính sách.
Thế nhưng, có những trường hợp gia đình liệt sĩ đưa ra thắc mắc do chiến tranh qua lâu nên họ không còn giữ lại hồ sơ gốc của liệt sĩ. Bộ LĐ-TB &XH nhận thấy, thực sự trong xã hội vẫn còn những trường hợp nêu trên nên cần phải đảm bảo giải quyết chế độ chính sách cho gia đình của người có công với đất nước. Vì vậy, Bộ đã chỉ đạo Sở LĐ-TB &XH xem xét những trường hợp cụ thể, giao cho chính quyền địa phương tìm hiểu, xác nhận để có hướng giải quyết phù hợp.
Như vậy, những gia đình liệt sĩ không còn hồ sơ gốc cuả người thân vẫn có cơ hội được hưởng chính sách và các cơ quan của Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết những trường hợp này.
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền còn nhận được câu hỏi về chế độ chính sách theo hạng bậc cho thanh niên xung phong.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trước đây, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra quy định giải quyết tặng huân chương kháng chiến của Nhà nước đối với thanh niên xung phong. Còn xét tặng khen thưởng theo từng hạng bậc cho từng thanh niên xung phong thì Ban Thi đua khen thưởng Trung ương sẽ tiến hành xem xét, thực hiện theo quy định./.