Mất nước ở khu đô thị Thanh Hà: “Chúng tôi lấy nước như thời bao cấp”
VOV.VN - Nếu để ý theo dõi thông tin trên báo chí và các trang mạng xã hội có thể thấy người dân KĐT Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) nhiều ngày qua như đang trở lại thời bao cấp, những năm 70- 80 của thế kỷ trước.
Có thể thấy người dân khu đô thị Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội nhiều ngày qua như đang trở lại thời bao cấp, những năm 70- 80 của thế kỷ trước. Hình ảnh hàng trăm người già trẻ, trai gái rồng rắn xếp hàng để chờ nhận từng xô nước đã trở lại giữa thủ đô hiện đại, văn minh. Với hàng chục ngàn người dân, có lẽ 2 từ “nước sạch” chưa bao giờ lại trở nên xa xỉ đến vậy.
“Đằng sau cửa này, tranh thủ phải dùng hết can, chậu. Bao nhiêu can là tích bây nhiêu nước, trong nhà tắm cũng đủ các thể loại. Từ dội nhà vệ sinh hoặc tắm giặt đều là nước này. Giặt cũng tranh thủ bằng rồi cho vào máy giặt vắt chứ không dám bật máy giặt vì sợ hỏng máy.
Còn ăn uống thì không dám ăn bằng nước này thì phải bỏ tiền ra mua nước để dùng, nước ăn, nước uống, cứ 1 ngày phải hết 1 bình nước để nấu ăn. Mặt mình rất nhẵn nhưng dạo này mụ nổi lung tung luôn. Con nhà mình cũng thế, từ đợt bị ảnh hưởng bởi nước bẩn, mặt nổi mụn đầy luôn”.
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc, sống tại căn 606, tòa HH02B, KĐT Thanh Hà. Theo chị Ngọc tình trạng thiếu nước sạch trong nhiều ngày qua khiến cuộc sống gia đình của các hộ dân bị đảo lộn. Mỗi ngày người dân được cấp nước trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
Thế nhưng, lượng nước này cũng chẳng thể đủ cho gia đình có 3-4 người sử dụng bởi lẽ nước chảy vừa chậm vừa yếu, dụng cụ trữ nước cũng có hạn. Một tay cầm ca múc, một tay nghiêng nghiêng chiếc xô để gạn lại chút nước cuối cùng, chị Ngọc ngán ngẩm nói:
“Lắm hôm đi làm phải tranh thủ về sớm hôm họ cho nước vào buổi chiều tối như hôm nay thì tích được ít nước, còn hôm nào không tích được nước thì lại phải đi xin. Nhà tôi thường xuyên mang can vào trong làng xin nước người dân, cứ 2 vợ chồng chở xe máy được 3 can 20 lít, người ta cũng tốt bảo là ngoài đấy nước thiếu thì cứ vào đây lấy mà dùng.
Hôm qua đến nay có 1 tí nước thì tranh thủ rửa được bát chứ còn hôm trước trẻ con ăn chất đầy 2 chậu bát cũng chẳng có cái gì để rửa. Nói thì bảo vô lý chứ nhà tôi phải mang màng bọc thực phẩm để bọc qua đĩa để đựng thức ăn để khỏi phải rửa đĩa”.
Can, xô, chậu… đã trở thành những vật dụng không thể thiếu với người dân KĐT Thanh Hà trong những ngày qua. Thậm chí, có gia đình còn phải mang cả túi nilon, chậu tắm trẻ em để đựng nước dùng qua ngày.
Anh Phạm Văn Ninh sống tại căn 830, tòa HH02B kể lại, trước đây KĐT Thanh Hà đã từng xảy ra tình trạng mất nước trong 3 ngày liên tục. Thế nhưng thời gian gần đây, nước sinh hoạt ngày càng xuống cấp, mất nước trong nhiều ngày qua đã khiến tất cả cư dân đều bức xúc:
“Như lúc ban đầu mất nước thì chẳng có nước để sinh hoạt đâu. Nước ăn thì phải mua bình về để dùng hoặc nhà mình lọc qua máy RO thì sẽ trữ được nước. Nhưng bình thường từ thứ 2 đến thứ 6 cả nhà đi làm hết thì lấy đâu người mà tích được nước qua lọc đâu, về nhà là mất nước thì phải tích nước cũ để tắm. Tình trạng nước thế này nếu để lâu dài sẽ không ổn, người ta cho nước bơm lên bể chỉ có ít thôi, người dân sử dụng cao điểm chỉ được 30 phút, nếu ai về muộn là hết nước nếu không có đồ để tích trữ”.
“Chúng tôi như đang sống trong thời bao cấp…” - đó là lời thốt lên của anh Nguyễn Viết Thắng, sống tại căn 1708, phó tòa nhà HH02B, KĐT Thanh Hà. Ngoài tình trạng mất nước, thì chất lượng nước được cấp cho người dân KĐT Thanh Hà cũng không được đảm bảo.
Anh Thắng cũng cho biết: Trong ngày 5/10 vừa qua, hàng loạt cư dân có dấu hiệu bị ảnh hưởng về sức khỏe như: nổi mẩn ngứa, phồng rộp da, cay mắt, cay mũi, buồn nôn…khi sử dụng nguồn nước. Người dân đã chủ động mang mẫu nước đến Viện Công nghệ Môi trường để xét nghiệm.
Kết quả cho thấy mẫu nước có một số chỉ tiêu vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người. Trong đó, có chỉ số Amoni vượt ngưỡng 32,2 lần, Asen vượt 2,3 lần, hàm lượng clo dư vượt 27,8 lần…
“Hiện tại nước tại KĐT Thanh Hà không biết có chuẩn hay không vì họ cũng không thông báo thường xuyên về kiểm định nước. Rất là lo lắng về vấn đề này vì các chất trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến con người và có thể gây ung thư.
Hiện tại trong KĐT có thành lập đội phản ứng nhanh và có đi kêu gọi các mạnh thường quân, các đơn vị tài trợ nước. Mỗi ngày khoảng 2 xe từ 19-21h, còn thực tế nước trong bể tòa nhà rất ít và không đủ cho cư dân chúng tôi sinh hoạt hàng ngày”, anh Thắng nói.
Không may mắn như tòa HH02B, mỗi tối, người dân tòa HH01A lại lại phải lỉnh kỉnh đồ đạc, xuống sảnh tòa nhà để nhận từng xô nước từ xe bồn chở đến. Người lớn thì xô to, trẻ nhỏ thì can bé, vật dụng nào có thể đựng nước đều được người dân mang ra để trữ nước cho gia đình sử dụng.
Chị Vũ Thị Giang, sống tại tòa HH01A chia sẻ: “Khi bị mất nước gần như chúng tôi bị đảo lộn toàn bộ. Sinh hoạt đời sống hàng ngày không còn có thời gian để chú tâm vào việc khác nữa. Tôi đã phải tìm cách là đến cơ quan làm việc, xin từng can nước nhỏ để mang về sau mỗi giờ làm cho gia đình dùng và dùng hết sức tiết kiệm ví dụ như rửa rau xong mới đến rửa bát, cuối cùng là đổ nhà vệ sinh.
Thậm chí đều nhắc con cái hoạt động trên trường hạn chế vệ sinh ở nhà vì không có nước để sử dụng, nước ăn còn thiếu chứ nói gì nước vệ sinh cá nhân hàng ngày. Sống ở đây bao nhiêu năm rồi mà giờ mới phải chứng kiến cảnh giữa thủ đô Hà Nội mà lại phải đi xin từng giọt nước một”.
Trong khi thủ đô Hà Nội, văn minh hiện đại đang phát triển từng ngày, luôn chú trọng nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Thì tại KĐT Thanh Hà nhiều ngày qua hàng trăm hộ dân phải rồng rắn xếp hàng với đủ loại xô chậu, can nhựa chờ lấy nước sinh hoạt.
Những ngày ghi nhận tình trạng thiếu nước sạch tại KĐT Thanh Hà, không ít người đã tỏ ra bối rối khi thấy thấy phóng viên đến phỏng vấn. Nhiều người chia sẻ rằng, họ cảm thấy xấu hổ khi bỏ ra cả tỷ bạc tiền tích góp mua nhà tại KĐT ở thủ đô để rồi chịu cảnh mất nước triền miên.
Thế nhưng, họ đâu biết rằng, người xấu hổ không phải là người dân đang chịu cảnh “khát nước” mà lại là những người đang gánh trên vai trách nhiệm xã hội, những người có trách nhiệm phải đảm bảo cuộc sống đủ đầy cho hàng chục ngàn người dân tại một thành phố văn minh, hiện đại.