Mất việc ở tuổi 30 - Nỗi sợ hãi của nữ công nhân
VOV.VN -Một số doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động nữ trong độ tuổi 18- 20 và sa thải khi họ ngoài 30, khiến lao động phải trở lại vạch xuất phát ban đầu.
Thông tin từ Sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho biết, số lượng nữ lao động ở độ tuổi 30 bị mất việc làm và có nhu cầu tìm công việc mới đang tăng trong những năm gần đây. Nguyên nhân do họ bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như dệt may, điện tử… chấm dứt hợp đồng lao động. Điều đáng nói là sau khi làm việc tại các doanh nghiệp từ độ tuổi 18 – 20, sau khoảng 15 năm, những nữ lao động này lại trở về với vạch xuất phát ban đầu.
Nỗi sợ hãi có thật
Chị Nguyễn Thị Linh ở Đan Phượng (Hà Nội) năm nay 35 tuổi, đã có 15 năm làm cho một doanh nghiệp điện tử ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Thế nhưng cuối năm 2016, chị và rất đông công nhân đã nhận được quyết định thôi việc, nguyên nhân được đưa ra là do “tự động hóa” nên thừa lao động.
Nhiều nữ công nhân sau khi bị mất việc làm mong muốn trở lại thị trường lao động chính thức (Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài viết) |
Tìm đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, chị Linh mong muốn tìm được công việc phù hợp với tay nghề, chuyên môn đã làm nhưng rất khó khăn, vì những lĩnh vực này không có nhu cầu tuyển lao động ở độ tuổi như chị, trong khi chị không có bằng cấp, chuyên môn ở những lĩnh vực khác.
“Ở tuổi như chúng tôi đi xin việc rất khó khăn. Điều quan trọng là tôi muốn có việc làm để đóng bảo hiểm xã hội, còn đi làm giúp việc gia đình cũng được nhưng lại không có bảo hiểm” – chị Linh nói.
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 6 triệu lao động từ 18 đến trên 30 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp. Chỉ khoảng trong 10 năm nữa sẽ có khoảng từ 2 – 3 triệu người bị đào thải, phải quay trở về quê nhà hoặc tìm kiếm việc làm khác. Theo khảo sát, lao động tuổi 35 trở lên rất khó xin việc và hiệu quả làm việc không cao, vì thế các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng lao động từ 18 – 30 tuổi.
Đối mặt với tình trạng mất việc làm sau tuổi 30 là nỗi sợ hãi có thật của lao động nữ tại các khu công nghiệp. TS.Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho biết, ở Việt Nam đã xuất hiện tình trạng “phân biệt tuổi tác” trong lao động, tức là hạn chế tuổi khi tuyển dụng. Người sử dụng lao động ưa chuộng lao động trẻ hơn, do đó tìm cách cho những lao động khoảng trên 35 tuổi nghỉ việc.
Đối với người lao động, đây là một nghịch lý đau xót khi họ đã cống hiến cho doanh nghiệp cả tuổi thanh xuân, đến độ tuổi “trẻ chưa qua, già chưa tới” thì bị đào thải. Còn với chủ sử dụng lao động, người trẻ tuổi sẽ được trả lương thấp hơn cũng như mức đóng BHXH cũng thấp hơn, ngược lại năng suất lao động cao hơn, cho nên họ đã lựa chọn cách này trong tuyển dụng nhân sự.
Theo đánh giá, những lao động bị mất việc ở độ tuổi 30 hoặc là trở về quê hương làm nông nghiệp, quay lại vạch xuất phát ban đầu hoặc đi tìm công việc khác. Tuy nhiên, với tuổi đời như vậy trong khi không có kỹ năng, bằng cấp thì họ phải vào khu vực phi chính thức, thậm chí dính vào tệ nạn xã hội. Chưa kể những hệ lụy khác kéo theo như mất thu nhập sẽ ảnh hưởng đến đời sống, hạnh phúc gia đình, là gánh nặng đối với thị trường lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Một doanh nghiệp đăng tuyển dụng lao động nữ, yêu cầu không quá tuổi 30. |
Giải pháp nào cho cho lao động nữ mất việc ở tuổi 30?
Theo các chuyên gia lao động, việc đào tạo bổ sung và đào tạo chuyển đổi cho những lao động này là rất cần thiết để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Tuy nhiên, làm thế nào để người lao động tham gia vào các chương trình đào tạo nghề và các chương trình này gắn với nhu cầu thị trường là vấn đề rất quan trọng.
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, đối với những lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khi bất ngờ bị mất việc làm hoặc hết hạn hợp đồng lao động, điều họ cần đầu tiên là sự hỗ trợ của nhà nước, bởi họ đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và đủ điều kiện được hưởng, sau đó mới nghĩ đến cơ hội việc làm.
Mặc dù Trung tâm mở nhiều lớp chuyển đổi nghề cho lao động mất việc làm, được hỗ trợ một phần kinh phí cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ thời gian, tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký học nghề hằng năm vẫn chưa được nhiều. Lý do lao động thất nghiệp không muốn học nghề vì khóa đào tạo 3 đến 6 tháng chưa đảm bảo vững chắc cho họ, bởi một chuyên môn nghề nghiệp cần được đào tạo ít nhất 18 tháng.
Một nữ công nhân đi phỏng vấn xin việc làm khi đã gần 40 tuổi. |
Trong khi đó, nếu học những ngành nghề ngắn hạn như nấu ăn, pha chế đồ uống… những lao động ở độ tuổi 30 vẫn có thể kiếm được việc làm; nhiều lao động nữ cũng tính đến nhu cầu xin làm nghề giúp việc gia đình. Song điều họ mong muốn là được tham gia thị trường lao động chính thức, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, để bảo đảm cuộc sống sau này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, do chưa có cơ chế buộc doanh nghiệp phải sử dụng lao động lâu dài, để chị em được hưởng phúc lợi về sau này, cho nên vấn đề lao động nữ bị mất việc ở độ tuổi 30 – 40 đang được đặt ra rất bức xúc.
Do đó, trong dự kiến sửa Luật Lao động tới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đưa ra cơ chế, chế tài để xử lý vấn đề này. Đồng thời, đặc biệt phải quan tâm đào tạo nghề cho những lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp, tạo cho họ có công việc làm ổn định, có đủ điều kiện để hưởng các dịch vụ phúc lợi xã hội./. Chùm ảnh: Vẻ đẹp dung dị của phụ nữ vùng cao trong lao động