Miến dong Bình Lư ngày giáp Tết
Bội thu, được giá và cận Tết đang là động lực lớn cho sản xuất miến ở làng Bình Lư (huyện Tam Đường, Lai Châu).
Anh Hoàng Xuân Huề, Chủ tịch UBND xã Bình Lư phấn khởi: “Năm nay, dân Bình Lư chúng tôi được cả mùa dong và giá miến. Làm miến dong lãi nhiều lần so với trồng cây ngô, lúa. Khổ nỗi khách mua hàng ngày một nhiều mà ngày nắng ráo thì ít quá. Dân làm nghề cứ gọi là vắt chân lên cổ mà chạy...”.
Gia đình ông Đặng Thế Truyền, một trong những hộ lâu năm làm nghề miến và luôn dẫn đầu sản lượng hàng hoá ở làng nghề cho biết: “Vào dịp này, chúng tôi phải thu gấp củ dong. Nếu không thu, vào thời gian tới, trời có mưa, sấm nhiều là tinh bột giảm, xơ nhiều - vừa khó làm vừa không hiệu quả. Với lại, nghề miến chỉ trông chờ vào cái Tết là chính. Dân mình có truyền thống ăn bát miến đầu năm mong sao trong năm “mọi sự đầu xuôi đuôi lọt” nên giáp Tết là miến chạy hàng lắm. Làm nghề nông mà chạy hàng thì vất vả một tý cũng vui!”.
Vừa dừng lời, ông Truyền lại tất bật chạy qua gian bếp, nơi đang có những mẻ miến vừa ra lò cần được phơi nắng gấp. Nhìn lão nông đã hơn 60 tuổi này cặp 3, cặp 4 phên bánh tráng chạy ào ào, tôi thầm nghĩ: “Hàng mà bán chạy trong dịp Tết - thời điểm khách mua hàng luôn có sự lựa chọn kỹ càng, đồng nghĩa với việc nghề miến Bình Lư đã đứng vững và phát triển trong thương trường”.
Đầu năm 2009, người làm miến dong ở Bình Lư đã vui mừng đón nhận sự kiện miến dong Bình Lư được công nhận thương hiệu, đánh dấu một bước phát triển trong quá trình hội nhập thương trường của làng nghề nói riêng và của hàng hoá nông sản Lai Châu nói chung.
“Thương hiệu là niềm vui và hướng mở tốt đẹp cho hàng hoá nông sản ở vùng cao này. Tuy vậy, để giữ vững thương hiệu, phát triển làng nghề ngày một lớn trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh như hiện nay thì còn là bài toán nan giải” - anh Huề, Chủ tịch UBND xã tâm sự.
Dong giềng được quy hoạch phát triển ra địa bàn 4 xã, thị trấn |
Để giúp cho làng nghề thêm thế và lực mới, huyện Tam Đường đã quy hoạch vùng phát triển dong giềng ra địa bàn 4 xã, thị trấn: Tam Đường, Bình Lư, Sơn Bình và Bản Bo với lộ trình đến 2015 đạt khoảng 300ha cây dong giềng; đồng thời hỗ trợ bà con giống dong mới có năng suất cao, chất lượng bột tốt; cử cán bộ kỹ thuật tới địa bàn để hướng dẫn bà con sản xuất, chế biến; xây dựng nhà máy chế biến miến dong nhỏ... Trong các chuyến công tác đến với những địa bàn khác hay giao lưu, hội họp, huyện vẫn hay sử dụng miến dong làm quà biếu để góp phần quảng bá cho thương hiệu nông sản này.
“Thậm chí, có người còn mạnh dạn mang miến Bình Lư vào tham gia Hội chợ Huế 2009 và được khách hàng miền Trung khen ngợi vì sợi miến dai, giòn, sáng, đẹp; dễ chế biến món ăn và bảo quản được lâu. Năm 2009, diện tích cây dong giềng ở Bình Lư đã tăng thêm 40ha và số hộ tham gia làm miến cũng tăng lên gần 50 hộ. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất miến và bột dong. Thị trường sản phẩm của làng nghề cũng nhờ vậy mà liên tục mở rộng ra các tỉnh khác" - ông Truyền nói.
Hiện tại, việc chế biến miến dong ở đây vẫn mang nặng tính thủ công truyền thống nên hiệu quả sản xuất chưa cao, khối lượng sản phẩm chưa nhiều và còn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Bình Lư cần được đầu tư xây dựng nhà máy chế biến theo hướng hiện đại và đa dạng sản phẩm: bột dong, miến dong, kẹo, bánh, các phụ phẩm, thức ăn gia súc...; đồng thời có kế hoạch tuyển người, đưa đi đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân từ chính làng nghề này. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư quảng bá sản phẩm hơn nữa để miến dong Bình Lư thực sự là mũi nhọn nông sản hàng hoá và xoá đói giảm nghèo của người dân vùng cao Lai Châu. Có như vậy, làng nghề miến dong Bình Lư mới tiếp tục phát triển bền vững với hiệu quả cao./.