Miền Trung chủ động phòng tránh mưa lũ
VOV.VN - Khu vực miền Trung đang chủ động đối phó với mưa lũ sau cơn bão số 14, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tính đến chiều nay (10/11), tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 2 người chết trong bão số 14.
Ông Hồ Phàm, 68 tuổi, ở thôn Hiền Hòa, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, thiệt mạng khi đang giằng néo tàu thuyền để tránh bão vào sáng nay.
Trước đó, chiều 9/11, ông Nguyễn Văn Giáp, 58 tuổi, trú tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải, huyện Phong Điền giúp một nhà neo đơn trong thôn chằng chống nhà cửa, bị té ngã chấn thương nặng rồi tử vong. Ngoài ra, 2 trường hợp khác cũng bị thương khi chằng chống nhà cửa.
Hôm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cùng lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đến động viên và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
Hiện, nước lũ trên các sông ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang rút chậm, người dân đi tránh bão số 14 đã trở về nhà. Một số khu dân cư ở các xã vùng trũng như Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, huyện Quảng Điền còn ngập nặng. Các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền vẫn còn điều tiết nước nên việc ngập úng ở huyện Quảng Điền sẽ kéo dài.
Trong khi đó, tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đang triển khai các phương án phòng chống lũ. Các xã vùng thấp trũng di dời tài sản lên vùng cao, sẵn sàng di dân khi có động lệnh, đặc biệt là ở các vùng ven cửa sông, vùng có nguy cơ gây lũ quét. Chính quyền cơ sở phân công lực lượng ứng trực không để người dân ra sông đánh bắt cá, vớt củi gây nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Trần Văn Tường ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt cho biết: “Chúng tôi đã di chuyển những vật dụng cần thiết trong gia đình, trong đó có lương thực và thực phẩm”.
Còn tại tỉnh Phú Yên, triều cường kết hợp sóng lớn làm 100m kè xóm Rớ, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa bị sạt lở hoàn toàn. Hơn 40 nhà dân bị sóng lớn đánh sập các tường rào, sóng đưa cát tràn vào nhà dân, có nhà bị cát lấp đến nửa mét. Lực lượng quân sự tỉnh đang giúp người dân giải phóng cát bồi lấp, thu dọn tường rào bị gãy đổ, hỗ trợ tìm kiếm các vật dụng bị cát vùi lấp; đồng thời tổ chức đắp hàng ngàn bao cát chắn sóng, chằng chống lại nhà cửa, giúp dân ổn định cuộc sống và ứng phó với các đợt triều cường tiếp theo./.