Miền Trung mùa tựu trường và nỗi lo dịch bệnh

Dịch bệnh chân tay miệng đang có chiều hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao và diễn biến khó lường tại các tỉnh khu vực miền Trung.

Từ đầu năm học mới đến nay, sau mỗi buổi học, các cô giáo Trường Mầm non 20/10 TP Đà Nẵng thường dành hơn 1 giờ đồng hồ để thu dọn, tẩy rửa đồ chơi, đồ dùng sinh hoạt của trẻ trong lớp. Đều đặn cứ 2 lần/tuần, nhà trường lại phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố tổ chức phun hóa chất khử khuẩn lớp học, sân trường, bếp ăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phấn- Hiệu trưởng Trường Mầm non 20/10 cho biết, giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cháu luôn được nhà trường quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Trước và sau bữa ăn, giáo viên hướng dẫn trẻ rửa tay, sát khuẩn bằng xà phòng. Hàng ngày dùng cloraminB, hóa chất để sát khuẩn nền nhà, nhà vệ sinh và đồ chơi, sau đó đem phơi nắng.

Giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh hàng ngày về cách phòng tránh bệnh tay chân miệng, phối hợp với phụ huynh trong việc vệ sinh cho trẻ tại nhà

Không riêng gì Trường Mầm non 20/10, những ngày này công tác phòng chống dịch bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết được Ngành Giáo dục ở TP Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung đặc biệt chú trọng.

Các cháu bé ở trường Mầm non 20/10 rửa tay sạch sẽ trước khi ăn

Việc rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đánh răng, mắc màn trước khi đi ngủ trở thành thói quen bắt buộc đối với trẻ mầm non và học sinh bậc tiểu học.

Bên cạnh vệ sinh cá nhân cho trẻ, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được Ngành  Giáo dục và y tế các địa phương đặc biệt quan tâm, giám sát chặt chẽ, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh qua đường thực phẩm.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng- Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của các trường học là phải tổng vệ sinh trước và sau khi ăn, các cháu phải rửa tay. Ánh sáng và quạt điện làm mát đảm bảo đủ cho lớp học. Nơi nào chuẩn bị chu đáo các điều kiện thì mới tổ chức bán trú cho học sinh    

Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, đến nay tại khu vực miền Trung ghi nhận hơn 5.000 ca mắc bệnh chân tay miệng, và đã có 7 trường hợp tử vong.

Quảng Ngãi là địa phương có số ca bị bệnh chân tay miệng cao nhất miền Trung với hơn 3.300 ca. Tiếp đến là Đà Nẵng 311, Khánh Hoà hơn 260 ca…

Điều đáng lo ngại là hiện nay tình trạng trông trẻ gia đình tự phát mọc lên ngày càng nhiều, ngoài tầm quản lý của ngành chức năng, gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh.

Trên thực tế, ở nhiều nơi, thông tin về dịch bệnh chưa đến được với người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đông bào dân tộc thiểu số.

Y sỹ Hồ Văn Hương, nhân viên y tế xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Việc tuyên truyền bệnh tay chân miệng được thực hiện đến tận thôn, bản. Bây giờ người dân đã có ý thức, nhưng cũng có một số chưa ý thức cao, vì thế chúng tôi phải tăng cường kiểm tra để ngăn chặn dịch bệnh và phòng bệnh”.

Tại TP Đà Nẵng, những ngày này, Chi đoàn Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cũng đã tình nguyện đến các trường học, khu dân cư phát tờ rơi, tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn cặn kẽ người dân những kiến thức cơ bản về dịch bệnh chân tay miệng cũng như cách thức phòng tránh, xử lý kịp thời khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh.

Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố cũng đã cấp phát hơn 2 tấn cloramin B bột và 200.000 viên cloramin B cho Trung tâm Y tế các quận, huyện và trường học trên địa bàn, đảm bảo mỗi đơn vị có thể đủ sử dụng trong thời gian từ 2- 3 tháng.

Nhờ tăng cường biện pháp phòng chống nên đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã có dấu hiệu tạm lắng. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành y tế, từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ là cao điểm của dịch chân tay miệng và sốt xuất huyết. Vì thế, các tỉnh, thành phố vẫn phải chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó không để dịch bệnh lây lan, nhất là trong trường học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên