Miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả lũ lụt

Hôm nay (6/11), nước lũ ở các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đã cơ bản rút hết, chính quyền và ngành chức năng ở địa phương đang cùng nhân dân khắc phục hậu quả.

Quốc lộ 25 từ Pleiku về các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai nay đã thông tuyến, và các chuyến xe khách trở lại hoạt động bình thường. Quang cảnh hai bên đường, dọc các huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và Krông Pa, đồng ruộng xác xơ, nhà cửa xiêu vẹo, đổ nát; đường sá ngổn ngang bùn đất.

Ia Pa là huyện bị thiệt hại nhất trong đợt lũ này ở Gia Lai. Toàn huyện có 5.000 căn nhà bị ngập, trong đó khoảng 70 căn đã bị sập đổ và hư hỏng nặng; hơn 30.000 dân đã phải di chuyển, trong đó có khoảng 2.500 người đã được lực lượng chức năng cứu hộ.

Hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học bị hư hỏng nặng, trong đó trạm bơm Chư Mố bị cuốn trôi hoàn toàn. Khoảng 6.000 gia súc và 10.000 cầm bị chết và cuốn trôi.

Những thiệt hại ở huyện Ia Pa là là rất lớn, nên cũng chưa thể thống kê hết. 4 người bị chết và 1 học sinh mất tích nay đã tìm thấy thi thể, được chính quyền địa phương đến thăm hỏi và hỗ trợ tiền mai táng.

Đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã trích ngân sách 4 tỷ đồng trong đợt 1 để hỗ trợ huyện Ia Pa khắc phục hậu quả lũ lụt. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã cứu trợ trực tiếp hơn 5 tấn gạo, 40.000 gói mì tôm, hơn 1.000 lít nước và nhiều quần áo, sách vở học sinh.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Gia Lai, chính quyền và ngành chức năng ở huyện Ia Pa đang nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Ông Hồ Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, nói: “Tại huyện Krông Pa, trong đợt lũ này cũng có hơn 400 hộ với trên 2.000 người phải di dời, nay đã trở về để dọn dẹp lại nhà cửa. Hơn 100 nhà dân bị hư hỏng và sập đổ, hệ thống giao thông, thủy lợi cùng nhiều trường học bị tàn phá,  thiệt hại ước tính khoảng 6 tỷ đồng.

Về sản xuất nông nghiệp, ngoài số lương thực bị cuốn trôi, còn hơn 2.000 ha cây trồng các loại bị ngập nước, ước thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa, cán bộ Văn phòng UBND huyện Krông Pa, cho biết: Theo quyết định của Chính phủ, đợt này tỉnh Gia Lai được hỗ trợ 30 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009 và nguồn Dự trữ quốc gia.

Chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ tổ chức cứu đói cho dân, hỗ trợ dân sinh, mua giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, trạm y tế, thủy lợi, giao thông và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

** Ủng hộ đồng bào lũ lụt

Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã vận động được gần 1,3 tỷ đồng ủng hộ người dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bị bão lũ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và em học sinh đã đóng góp ủng hộ 300 thùng mì ăn liền, 1 tấn gạo và nhiều cuốn vở, sách giáo khoa…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã chuyển số tiền này về tài khoản Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh bị bão lụt. Riêng nguồn hàng thì vận chuyển đến tận nơi trao trực tiếp cho bà con.

Trước đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã trích từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai ủng hộ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên 230 triệu VND.

Ông Nguyễn Viết Triều, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Bình Thuận là tỉnh thường xuyên bị bão lụt. Cho nên người dân tỉnh Bình Thuận rất hiểu cảnh khó khăn của đồng bào miền Trung và Tây Nguyên bị bão lụt nên rất tự giác ủng hộ bà con ở miền Trung và Tây Nguyên. Cuộc vận động sẽ tiếp tục ủng hộ đồng bào miền Trung và Tây Nguyên”.

** Cơn bão số 11 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ từ ngày 2/11, gây gió lớn, mưa to dẫn tới lũ lụt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân.

Để kịp thời chia sẻ và giúp đỡ các địa phương và các gia đình bị thiệt hại khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, Bộ Quốc phòng đã quyết định sử dụng “Tiền cứu trợ nhân dân vùng bị thiên tai, tai nạn, hoả hoạn” do cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân đóng góp để hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho nhân dân các tỉnh miền Trung. Trong đó, hỗ trợ tỉnh Phú Yên 200 triệu đồng, tỉnh Bình Định 150 triệu đồng, các tỉnh Khánh Hoá, Gia Lai, Ninh Thuận mỗi tỉnh 100 triệu đồng; hỗ trợ gia đình có người bị chết, mỗi trường hợp 5 triệu đồng.

Bộ Quốc phòng uỷ quyền cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm hỏi và trao số tiền hỗ trợ trên cho các địa phương và các gia đình có người thiệt mạng. (Đặng Linh)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên