Mở đường cho Tây Nguyên khởi sắc
VOV.VN -Năm 2015 đánh dấu một dấu mốc quan trọng với các tỉnh Tây Nguyên, khi dự án mở rộng nâng cấp đường Hồ Chí Minh – quốc lộ 14 đưa vào khai thác.
Tuyến đường hoàn thành, huyết mạch giao thông quan trọng nhất của khu vực Tây Nguyên được thông suốt với các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh. Không những tạo nên một diện mạo mới về hạ tầng giao thông, tuyến đường mới còn như chắp thêm đôi cánh để vùng đất Tây Nguyên vốn giàu tiềm năng bay cao, bay xa.
Đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum (Ảnh: Khoa Điềm) |
Bắt đầu từ thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, xuôi theo hướng Nam về tới địa phận ráp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước, hơn 600km đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, năm nay đã mượt mà như một dải lụa, vắt qua những lô cao su thẳng tắp, hay uốn lượn giữa những mảng rừng thông rì rào và liên miên những vườn cà phê với hồ tiêu.
Sau nhiều chuyến xuôi theo quốc lộ 14 xuống thành phố Hồ Chí Minh, ông Lý Văn Dũng, 57 tuổi, tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, hiểu rất rõ ích lợi của con đường 4 làn xe mới mở: “Tôi là người địa phương luôn đi qua con đường này. Những năm trước khi chưa có đường Hồ Chí Minh thì con đường này rất xấu, nhân dân đi làm hay những chuyến xe khách, xe tải đi lại rất khó. Khi có đường Hồ Chí Minh thì nhân dân rất phấn khởi, từ điện đường chiếu ánh sáng đến đèn màu thì tất cả những khu dân cư đều có đầy đủ, tất cả đều tiện lợi”.
Đường Hồ Chí Minh là tuyến giao thông đông đúc nhất ở Tây Nguyên, với hơn 6.000 lượt xe ô tô và hàng chục ngàn lượt phương tiện khác mỗi ngày. Không chỉ gần như toàn bộ hàng xuất khẩu khu vực sẽ lưu thông qua đây, xuống các cảng ở thành phố Hồ Chí Minh, mà phần lớn người dân, mỗi năm sẽ có một vài đợt xuyên suốt quốc lộ, xuống thành phố thăm thân, mua sắm hoặc khám chữa bệnh. Một năm đường hoàn thành là một năm người dân đi lại thuận lợi-tiết kiệm thời gian, một năm các doanh nghiệp vận tải ăn nên làm ra.
Đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai (Ảnh:Công Bắc) |
Ông Đặng Hữu Minh, Giám đốc Công ty TNHH 999, kinh doanh vận tải hành khách ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Con đường đã hoàn chỉnh thì qua theo dõi của Công ty, những lượt đi về cho thấy rất hiệu quả. Ngày xưa, xe nặng tiền vỏ lốp nhất, giờ thì tiền vỏ lốp xe giảm hẳn khoảng 40%. Về nhiên liệu cũng giảm được 30% và tiền sửa chữa lớn nhỏ cũng giảm được khoảng 30%”.
Không những tạo nên diện mạo mới về hạ tầng giao thông ở khu vực Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh thông tuyến còn là đòn bẩy phát triển kinh tế. Ngay sau khi tuyến quốc lộ này được nâng cấp, các nhà đầu tư đã đến với Tây Nguyên nhiều hơn.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên, tổ chức vào tháng 5/2015, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút 13 dự án lớn với mức đầu tư trên 16.600 tỷ đồng. Kon Tum, tỉnh trước đây được coi là bất lợi nhất về giao thông, khó thu hút vốn đầu tư, thì trong năm này, lại thu hút tới 7.700 tỷ đồng, nhiều nhất trong khu vực.
Sức sống mà con đường tiếp thêm cho nền kinh tế các tỉnh thể hiện rất rõ qua sự tăng lên nhanh chóng của mật độ giao thông. Các doanh nghiệp ở Tây Nguyên, ở Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm thêm nhiều phương tiện để khai thác tiềm năng đang dần được mở ra.
Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, con số thu hút đầu tư vào Tây Nguyên năm 2015 là minh chứng cụ thể cho sự tác động tích cực từ việc đường Hồ Chí Minh thông tuyến. Việc thông tuyến làm nức lòng các nhà đầu tư, nhân dân và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên có tuyến đường đi qua. Và các nhà đầu tư đặt vấn đề quay trở lại hoặc lên Tây Nguyên nhiều hơn.
Còn ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Về mặt kinh tế thì các hàng hoá được giao thông thuận lợi hơn, từ chỗ đó thì nông sản của Đắk Lắk và Tây Nguyên nói chung thì người dân được hưởng lợi, giá trị hàng hoá được nâng lên và việc thông thương giữa các tuyến đường, đời sống nhân dân được cải thiện rõ ràng”.
Đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk (Ảnh: Minh Châu) |
Với tỉnh Đắk Nông, đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng hứa hẹn cho những khởi sắc nhờ tăng thu ngân sách. Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trong năm 2015, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trên, cơ sở tin cậy vào con đường huyết mạch này với mức thu hút đầu tư gần 2 tỷ USD. Ngoài các dự án chiến lược lớn về công nghiệp, các nhà đầu tư khác về lĩnh vực nông lâm nghiệp cũng đặt vấn đề, đã và đang triển khai các dự án để năm 2016 bước vào hoạt động các dự án lớn về chăn nuôi và trồng trọt, từ đó cũng xác định rằng thu ngân sách tỉnh sẽ tăng thu trên 1.000 tỷ so với năm trước”.
Sau một năm dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đưa vào sử dụng, đã tạo ra sức bận mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội mới của khu vực. Cuối tháng 11/2015 vừa qua, tại hội nghị tổng kết về công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Nguyên, Bộ giao thông Vận tải cho biết sẽ triển khai 7 dự án quốc lộ, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông địa phương trong khu vực Tây Nguyên, với tổng số vốn 15.300 tỷ đồng.
Như vậy, cùng với đường Hồ Chí Minh, các dự án này sẽ tiếp tục mở đường cho Tây Nguyên phát triển./.