Mở rộng an sinh xã hội là chìa khóa cho tăng trưởng toàn diện

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện vẫn còn hàng triệu đối tượng dễ bị tổn thương trước những rủi ro về môi trường, xã hội và kinh tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB, ngày 3/5 diễn ra hội thảo Đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhìn từ góc độ người lao động, thanh niên và người cao tuổi.

Theo Ban chủ trì hội thảo, một chương trình an sinh xã hội rộng mở sẽ hỗ trợ người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương, phá vỡ vòng tròn nghèo đói, đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong khu vực, với những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, nâng cao năng suất và phòng chống những cú sốc kinh tế.

Tại Hội thảo này, các đại biểu cùng nhau xem xét chương trình an sinh xã hội đã hỗ trợ ra sao nhằm bảo đảm cho mọi người đều được hưởng lợi, thúc đẩy các quyền của trẻ em và gia đình, đồng thời mang lại an ninh thu nhập và sự chăm sóc dành cho người cao tuổi. Bất chấp những thành tựu nổi bật, tăng trưởng kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa đồng đều với hàng triệu đối tượng dễ bị tổn thương trước những rủi ro về môi trường, xã hội và kinh tế. Những vấn đề về gia đình, người cao tuổi, đô thị hóa... đang làm gia tăng nguy cơ về xã hội và sự bất đẳng. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu kết hợp với giá lương thực, khí đốt gia tăng đang làm tăng áp lực cần bảo vệ người nghèo và đối tượng thiệt thòi khỏi tình trạng thất nghiệp, bệnh tật và các thảm họa thiên nhiên.

Đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên góp phần vào sự tăng trưởng toàn diện (Ảnh: KT)

Phó Chủ tịch Ursula Schaefer-Preuss phụ trách hoạt động phát triển bền vững và quản lý tri thức chia sẻ: "Hàng trăm triệu người tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang lâm vào cảnh khó khăn hoặc đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng thiên nhiên và dịch bệnh”.

Thất nghiệp và thiếu việc làm cho thanh niên đang là vấn đề ngày càng lớn với nhiều hệ quả tiềm tàng đối với xã hội. Bởi vậy, việc thúc đẩy cơ hội nghề nghiệp đồng đều và đảm bảo an sinh xã hội có thể giảm được áp lực về nguồn nhân lực, đồng thời đóng góp cho tăng trưởng toàn diện. Các đại biểu cũng khuyến cáo, nhiều quốc gia châu Á cần tăng cường hệ thống hưu trí và giải quyết tốt hơn nhu cầu của nhóm người không nằm trong diện bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ và hạn chế độ che phủ của các chương trình an sinh xã hội vẫn tiếp tục là một thách thức lớn, đặc biệt đối với những lao động phi chính thức, phụ nữ, thanh niên và người già.

Theo ông Nigel Chapman – Giám đốc điều hành tổ chức Plan Quốc tế: “Trẻ em và thanh niên càng ít có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ như giáo dục, y tế, được pháp luật bảo vệ và thậm chí càng ít hơn nếu họ nằm ngoài lề xã hội. Tuy nhiên, theo thời gian, chương trình an sinh xã hội mang tính nhạy cảm với đối tượng trẻ em sẽ không giải quyết những vấn đề đang đe dọa làm sai lệch những cơ hội cuộc đời của một đứa trẻ”.

Cùng với việc hỗ trợ các chính phủ rà soát việc thực hiện chương trình an sinh xã hội, ADB cũng đang tiến hành một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về các hệ thống an sinh xã hội, nhằm mang lại dữ liệu quí báu cho những cân nhắc của quốc gia và khu vực trong vấn đề cải cách thị trường lao động, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên