Mới có 12% người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị Methadone
VOV.VN -Hiện có 38/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người.
Ngày 20/11, dự án thành phần Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUSTA) và Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo Cộng đồng với việc thực hiện chương trình Methadone. Sự kiện này nhằm tìm hiểu thực trạng việc tiếp cận chương trình Methadone của những người tiêm chích ma túy và những người cung cấp dịch vụ điều trị Methadone; những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình.
Thông tin tại hội nghị cho biết, từ nhiều năm qua, chương trình điều trị Methadone luôn được Việt Nam quan tâm, bố trí nguồn lực. Ngày 31/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị về Đẩy mạnh điều trị nghiện chất các chất dạng thuốc thay thế bằng Methadone năm 2014 và 2015. Điều đó cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến chương trình Methadone. Tuy nhiên, kết quả công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, đến ngày 15/10/2014, mới có 38/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện chất dạng thuốc phiện, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015, chiếm 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Theo báo cáo của Mạng lưới những người sử dụng ma túy tại Việt Nam (VNPUD), thì 90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị Methadone, bởi Methadone sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, sức khỏe để sống và làm việc; giảm nguy cơ bị bắt vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, người sử dụng ma túy có có thời gian chăm sóc con cái và gia đình.
Các chuyên gia tại hội nghị cũng nêu rõ, người nghiện ma túy rất khó khăn trong tiếp cận chương trình điều trị bằng Methanone, trong khi các cơ sở điều trị thì lại vắng bệnh nhân, gây lãng phí. Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, chương trình này gặp nhiều khó khăn về nhân lực, thiếu về số lượng y bác sỹ, nhân viên y tế trong lĩnh vực này, trong khi họ phải làm việc quá tải, chưa có chế độ đãi ngộ thỏa đáng và thiếu kinh phí.
Trong khi đó, bệnh nhận còn bị phân biệt, kì thị và tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị ngày càng gia tăng. Anh Trần Thanh Thắng, một người đang điều trị bằng Methadone đề xuất, thủ tục để người nghiện được điều trị cần đơn giản hơn, thời gian uống cũng cần bố trí phù hợp hơn, tránh giờ làm việc. Nhiều người nghiện cũng mong muốn được tiếp cận điều trị theo cách tế nhị hơn, bởi họ sợ bị mất việc làm nếu công khai tình trạng điều trị hoặc bị bắt đi trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Hội nghị cũng khuyến cáo, việc nhà tài trợ nước ngoài ngừng cấp thuốc Methadone miễn phí vào năm 2016, bệnh nhân phải thanh toán thêm tiền thuốc sẽ là một khó khăn với các gia đình nghèo có người nghiện.
Kết quả hội thảo này sẽ được gửi lên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ủy ban quốc gia về phòng, chống AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm; Bộ Y tế; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội./.