Mỗi ngày có khoảng 27 người bị tai nạn trong lĩnh vực xây dựng
VOV.VN -Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có khoảng 7.000 người bị tai nạn trong lĩnh vực lao động, trong đó ngành xây dựng chiếm 1/3.
Sáng nay (21/3) tại TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức lễ phát động Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016.
Đại diện các cơ quan liên quan tham gia lễ phát động
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có khoảng 7.000 người bị tai nạn trong lĩnh vực lao động, trong đó ngành xây dựng chiếm 1/3. Theo đó mỗi ngày có khoảng 27 người, mỗi giờ có khoảng 1,1 – 1,2 người bị tai nạn trong lĩnh vực xây dựng.
Năm 2015, theo phân tích 238 biên bản điều tra TNLĐ chết người, ngành xây dựng chiếm 35,2% tổng số tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Trong số 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhiều thương vong nhất của năm 2015, đã có tới 4 vụ xảy ra tại các công trường xây dựng. Đây là lĩnh vực có số vụ và số người bị tai nạn lao động cao nhất trong các ngành, nghề sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết, ngoài trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, nguyên nhân của tình hình trên cũng bắt nguồn từ công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động còn hạn chế và sự vào cuộc của các cấp, ngành còn chưa phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH khẳng định, mục tiêu của chiến dịch này nhằm tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật và tiêu chuẩn về về an toàn, vệ sinh lao động; qua đó cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động trong ngành xây dựng, đặc biệt tại các công trình xây dựng.
Địa bàn triển khai chiến dịch sẽ diễn ra tại khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của thanh tra Bộ LĐTBXH. Mục tiêu ít nhất phải thanh tra ít nhất 60 doanh nghiệp xây dựng và ít nhất 630 công trình lao động trên toàn quốc.
Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH cũng nhấn mạnh, cần kiên quyết xử phạt các doanh nghiệp xây dựng vi phạm pháp luật, vì không xử phạt doanh nghiệp sẽ “nhờn”. Tránh tình trạng “thanh tra báo trước”, sau khi thanh tra thì “đâu lại vào đấy”.
Theo ông Rene Robert, chuyên gia về quản lý và thanh tra lao động của ILO, ngành xây dựng chiếm tỷ lệ rất cao về tai nạn lao động do đây là lĩnh vực sử dụng đông đảo lực lượng lao động. Con số này chưa được thống kê đầy đủ, do đó còn một tỷ lệ lớn bị “bỏ lọt”. Tai nạn có tác động rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động và người thân, do đó cần nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng này, qua đó thực hiện văn hóa lao động lành mạnh./.