ADB khuyến nghị châu Á giảm thất thoát nước

Những nghiên cứu công bố sáng 14/10 tại một hội nghị về nước của ADB cho thấy, nếu các thành phố ở Châu Á muốn đạt tăng trưởng kinh tế ngoạn mục thì phải quyết liệt hạn chế thất thoát nước.

Những nghiên cứu này được bàn thảo tại Hội nghị của ADB và các đối tác 2010 – Nước: Khủng hoảng và Lựa chọn, kéo dài 5 ngày, thu hút hơn 600 chuyên gia về nước, các nhà hoạch định chính sách từ khắp thế giới nhằm nghiên cứu những thách thức nghiêm trọng trong lĩnh vực nước ở Châu Á và những biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng này.

Một nghiên cứu tại hội nghị cho thấy, việc khai thác nước đã qua sử dụng sẽ giúp giảm nhẹ nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn nước ở vùng xa xôi; và với việc tiêu thụ năng lượng thấp hơn so với khử muối và tăng việc chấp nhận từ người dân, thị trường tái sử dụng nước hy vọng sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.

Nghiên cứu này khảo sát kinh nghiệm của những dự án tái sử dụng nước quy mô lớn trên toàn thế giới và chương trình NEWater của Singapore. Chương trình này đã được sự chấp nhận từ phía dân chúng, kể từ khi xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tiên xử lý nước thải năm 2003 và hiện đã có thể cung cấp tới 30% nhu cầu nước của toàn bộ đảo quốc này. Các tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Singapore đã trao trách nhiệm vận hành chương trình cho một cơ quan độc lập, cho phép cơ quan này lập kế hoạch tổng thể và quản lý nguồn nước, nhằm bảo đảm lượng nước cho toàn dân trong dài hạn và môi trường bền vững”.

Một nghiên cứu khác tập trung vào việc hạn chế lượng nước thất thoát trước khi đến với người sử dụng, thông qua cơ sở hạ tầng quanh khu vực. Theo đó, thất thoát nước do rò rỉ, thu gom không hiệu quả, bị trộm cắp và các nguyên nhân khác chiếm khoảng từ 30% đến 60% lượng nước đầu vào từ các cơ sở hạ tầng, hay 29 tỷ mét khối nước một năm, tương đương với 9 tỷ USD. Những thất thoát này do nhiều yếu tố từ việc thiếu đầu tư kinh niên cho tới năng lực quản lý và kỹ thuật yếu kém, và chủ yếu là do khả năng tự quản lý kinh doanh còn thiếu hoặc không hiệu quả. Những vấn đề này đã trở nên tồi tệ hơn do giá nước thấp, khiến nhiều cơ sở hạ tầng không thể tồn tại do vấn đề tài chính, làm suy yếu dịch vụ và phạm vi cung ứng nước. Các tác giả của nghiên cứu này cho rằng: “Việc giảm nước hao phí xuống còn một nửa sẽ giúp thêm 150 triệu người dân đô thị được sử dụng nước an toàn.”

Nghiên cứu này khuyến nghị các quốc gia cần lập các cơ quan về lĩnh vực nước và cho phép các đoàn thể quyền tự quản để lên kế hoạch và quản lý kinh doanh, đồng thời đặt ra mức giá giúp họ duy trì bền vững hơn về tài chính. Các cơ sở hạ tầng công cộng cần phải xem xét cơ chế thu hút khu vực tư nhân cùng ngăn chặn sự thất thoát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên