Bình Định: Khai thác titan bừa bãi, dân bất bình
Thời gian qua, việc thăm dò, khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra ngày càng phức tạp khiến người dân nơi đây rất bất bình.
Xã Mỹ Thành, là một trong những điểm nóng về khai thác titan ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đây là địa phương có trữ lượng titan lớn và hiện có hơn 10 doanh nghiệp đua nhau khai thác.
Trước đây, dọc ven biển là những rừng phi lao chắn cát hơn 30 năm tuổi xanh tốt, còn nay thì đường xá bị cày nát, chi chít những hầm hố nham nhở.
Mới đây, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Bình Định được sự "tiếp sức" của lãnh đạo xã Mỹ An đốn hạ hơn 10ha rừng phi lao phòng hộ ven biển để khai thác titan. Người dân hết sức bất bình, tháo dỡ lán trại của doanh nghiệp và kéo nhau lên UBND huyện phản đối doanh nghiệp.
Ngoài việc phá rừng phi lao nhiều năm tuổi, các doanh nghiệp khai thác titan ở Bình Định còn thải bụi xỉ titan ra môi trường, làm cho các làng quê bị ô nhiễm, ngột ngạt. Chưa hết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng gây nhiều nguy hại cho sức khỏe người dân. Rồi chuyện các tuyến giao thông liên huyện, liên thôn đều bị các loại xe tải chở titan cày nát, tạo thành những ổ voi trên mặt đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo quy định, mỗi doanh nghiệp khai thác titan phải nộp phí bảo vệ môi trường với mức từ 80 triệu đồng đến 160 triệu đồng mỗi ha, thế nhưng nhiều doanh nghiệp đã chây ì, không chịu nộp thuế và phí.
Ông Hà Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, vừa qua tỉnh họp và quyết định tạm dừng tất cả những dự án khai thác titan này để chờ ý kiến của Trung ương.
Theo quy hoạch, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND Bình Định cấp hơn 50 giấy phép thăm dò khai thác titan trên tổng diện tích hơn 3.500 ha. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp mới khai thác hơn 200 ha nhưng đã đẩy người dân vào cảnh khó khăn, sống chung với ô nhiễm.
Thực trạng cát bay, ô nhiễm nguồn nước, đường sá bị băm nát… khiến cống sống người dân nơi đây thêm nhiều khốn khó. Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nhiều doanh nghiệp ở đây không thực hiện giám sát môi trường, chất thải; khu vực khai thác có nồng độ bụi, tổng hoạt độ phóng xạ vượt mức cho phép….
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Định đã tạm đình chỉ hoạt động một số doanh nghiệp và yêu cầu thực hiện nghiêm những điều đã cam kết.
Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: “Chúng tôi đang rà soát tất cả các khu vực để đảm bảo môi trường. Đặc biệt ở khu vực rừng phòng hộ chúng tôi không cho khai thác titan. Còn đối với các nơi đã cho khai thác thì yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thổ, san lấp mặt bằng chống cát bay nếu không sẽ đình chỉ”.
Vì nguồn lợi trước mắt, các doanh nghiệp khai thác titan đã cố tình bỏ qua trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái. Mặt khác, chính sự quản lý lỏng lẻo của ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tạo kẽ hở để các doanh nghiệp khai thác titan bất chấp mọi quy định, phá hoại môi trường./.