Chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom chất thải rắn
Ngày 7/8, Bộ TN&MT đã tổ chức lễ công bố Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2011- Chất thải rắn.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, trong những năm qua, tiến trình CNH-HĐH ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, với sự hình thành, phát triển của các ngành nghề sản xuất, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng... đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, đi kèm với nó là nỗi lo về môi trường, đặc biệt là chất thải rắn như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, chất thải y tế, chất thải nguy hại...
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn đã và đang trở thành bài toán khó đối với các nhà quản lý tại hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, quản lý chất thải rắn theo hướng bền vững là 1/7 chương trình ưu tiên của Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia và là một nội dung ưu tiên trong chính sách phát triển của Chương trình nghị sự 21-Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện lượng chất thải rắn phát sinh trung bình tăng khoảng 10%/năm, trong đó 46% phát sinh từ các đô thị; 17% từ hoạt động sản xuất công nghiệp; phần còn lại là nông thôn, làng nghề và y tế.
Dự báo đến năm 2015, tỷ trọng này chất thải rắn đô thị và chất thải rắn công nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng lên, tương ứng với 51% và 22%. Với nhiều nỗ lực của các Bộ ngành, địa phương, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tại các đô thị, khu công nghiệp, chế xuất, tỷ lệ thu gom mới đạt 80-82% và đạt tỷ lệ 40-55% ở khu vực nông thôn. Phần lớn chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn. Hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải rắn còn manh mún...
Từ nhận định này, Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2011- Chất thải rắn kiến nghị: Chính phủ sớm rà soát, điều chỉnh định hướng Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia, trong đó có chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn cho phù hợp với điều kiện thực tế theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2020 và giai đoạn sau năm 2020; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về chất thải rắn từ Trung ương đến địa phương; ban hành cơ chế thích hợp nhằm đẩy mạnh chính sách phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng cường tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích áp dụng một cách hợp lý công nghệ đốt rác thu năng lượng và các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam.../.