Công nghệ thông tin gây 2% phát thải CO2 toàn cầu
(VOV) - Phát thải CO2 trong khu vực CNTT sẽ tăng lên 15% vào năm 2025. Vấn đề xây dựng CNTT xanh đang được nhiều quốc gia quan tâm
CNTT xanh và xanh nhờ CNTT
Vấn đề thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu và việc sử dụng năng lượng làm tăng phát thải carbon ngày càng nghiêm trọng, khiến các quốc gia đều lo ngại và nhiều quốc gia đang có những nỗ lực nhằm giảm phát thải carbon, ứng dụng “CNTT” xanh nhằm tạo động lực tăng trưởng mới.
Làm cho ngành CNTT trở nên xanh, lành mạnh để phục vụ cuộc sống trong bối cảnh CNTT ngày càng phát triển và có nhiều ứng dụng trong mọi mặt của đời sống; đồng thời chúng ta cũng cần sử dụng CNTT để làm cho các ngành kinh tế - xã hội trở nên xanh.
Khái niệm CNTT xanh gồm 2 nội dung chính là chống ô nhiễm môi trường và giảm biến đổi khí hậu. Để chống ô nhiễm môi trường, cần quản lý được các chất gây ô nhiễm xảy ra trong quá trình sản xuất và sử dụng CNTT. Bước tiếp theo, người ta sử dụng CNTT để ngăn ngừa ô nhiễm không khí, nước, đất; ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vì sao cần áp dụng CNTT xanh ?
CNTT chịu trách nhiệm tới 2 % phát thải CO2 toàn cầu. Phát thải CO2 trong khu vực CNTT sẽ tăng lên tới 15% vào năm 2025 (Theo nghiên cứu của METI- Nhật Bản, 2008). Trong thế kỷ 21, những ứng dụng của
Số máy tính cá nhân bị vứt bỏ có thể tới 2,4 tỉ chiếc vào 2013.
LHQ cảnh báo các nước đang phát triển về sự gia tăng rác thải điện tử
Trên thế giới, việc vận hành IDC (Internet data center- trung tâm dữ liệu) tiêu tốn điện ở mức khổng lồ: Đến năm 2020, tổng lượng thải CO2 của lĩnh vực IDC trên toàn thế giới được dự đoán 250 triệu tấn. Tổng lượng tiêu thụ điện của lĩnh vực IDC tăng trên 20%.
Sáng kiến CNTT xanh ở các nước tiên tiến
Dù CNTT có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với sự nóng lên toàn cầu, song nếu chúng ta có ý thức quản lý nó, các tác động tích cực được mong đợi sẽ lớn hơn so với các tác động tiêu cực.
Có rất nhiều giải pháp để thực hiện CNTT xanh: Nhờ CNTT chúng ta có thể làm việc từ xa, tổ chức các hội thảo, hội nghị từ xa (giảm chi phí đi lại, giảm tiêu hao nhiên liệu giao thông vận tải…), CNTT cung cấp ứng dụng sách báo, tài liệu điện tử, sách giáo khoa điện tử (đọc trên màn hình), giúp chúng ta bớt sử dụng giấy…
Các thiết bị CNTT được dự báo sẽ bị thay thế bởi các thiết bị tiêu thụ hiêu quả trên toàn thế giới vào năm 2020. Hiện tại nhiều nước đã cấm nhập khẩu và phân phối các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và năng lượng. Thang tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cho phép tối thiểu và năng lượng chờ cho phép tối đa sẽ được áp dụng trong tương lai gần tại Mỹ, các nước EU, Nhật, Australia và nhiều nước phát triển khác.
Trên thế giới, ở nhiều nước ứng dụng CNTT để xây dựng các mô hình nhà máy thông minh, mạng lưới điện thông minh… CNTT xanh có thể tối đa hóa sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy chuyển sang xã hội carbon thấp. Các nước tiên tiến đã có những bước đi đầu về sáng kiến CNTT xanh để giảm carbon và thực hiện tăng trưởng xanh.
Nhật Bản đề xuất “một xã hội kết nối mạng khắp nơi mà tăng trưởng kinh tế không ảnh hưởng tới môi trường”. Đây là tiêu chí của tầm nhìn quốc gia.
Anh thực hiện “Chiến lược CNTT xanh” của Chính phủ kết hợp với hướng dẫn CNTT xanh quốc gia và các mục tiêu giảm thải do Chính phủ đặt ra; kết nối chính sách CNTT xanh với các chính sách về chống biến đổi khí hậu. “Nhóm giao dịch công nghệ thông tin và truyền thông xanh” được Hội đồng CIO thiết lập và đề xuất “bảng tích điểm CNTT và truyền thông xanh”. Tới năm 2020, tổ chức CNTT và truyền thông sẽ hoạt động trên nền tảng carbon trung tính. Văn phòng Nội các Chính phủ đề xuất hướng dẫn về CNTT và truyền thông xanh cho các tổ chức chính phủ theo các nội dung: máy tính cá nhân và laptop tích hợp cả màn hình, các thiết bị công nghệ thông tin bao gồm cả máy in, Trung tâm dữ liệu, bao gồm cả hệ thống làm mát…
Ở Mỹ, Chính quyền Obama thực hiện mạng điện thông minh với nhiều dự án CNTT xanh cấp quốc gia; gồm cả ứng dụng rộng rãi truyền thông từ xa/hội nghị từ xa với cả các cuộc hội họp cấp liên bang hay địa phương. Sáng kiến CNTT xanh bắt đầu từ các chương trình tiết kiệm năng lượng như “Ngôi sao năng lượng” hoặc “Tiết kiệm năng lượng ngay bây giờ”. Chính quyền quyết tâm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của ít nhất 1.500 cơ sở ở mức 25% và khoảng 200 trung tâm dữ liệu ở mức 50% (năm 2011).
Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập kế hoạch hành động CNTT xanh theo 8 giải pháp đang được tiến hành; hướng dẫn cụ thể về phát triển CNTT xanh được đưa tới các doanh nghiệp và giáo dục rộng rãi tới quần chúng.
Ở Australia, Chính quyền liên bang xây dựng kế hoạch tăng trưởng CNTT bền vững giai đoạn 2010-2015. Chỉ số “sẵn sàng CNTT xanh” được sử dụng để đánh giá các công ty hoạt động ở Australia theo 1 dự án của đại học RMIT.
Những kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Hàn Quốc công bố tầm nhìn phát triển quốc gia “Carbon thấp, tăng trưởng xanh” vào năm 2008. Theo đó, Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh đã xây dựng Chiến lược quốc gia CNTT xanh, hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tới CNTT.
Hàn Quốc thực hiện “xanh hóa” CNTT để phát triển các sản phẩm CNTT xanh tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó là việc triển khai cuộc sống xanh “nhờ CNTT”, xây dựng sản xuất xanh, hệ thống giao thông và dịch vụ xanh thông minh, mạng lưới năng lượng thông minh…
Các nhà khoa học nhận ra rằng, tại các thành phố lớn, các tòa nhà thương mại là nguồn tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, do các thiết bị điện bên trong được sử dụng liên tục. Theo tính toán, các tòa nhà thương mại chiếm tới khoảng 20% năng lượng sử dụng hàng năm. Vì vậy, một trong những việc cần làm là kiểm soát được việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà lớn. Các nhà chuyên môn đã đưa ra một số mô hình phương thức theo dõi và kiểm soát chi phí năng lượng, được ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp lớn.
Nhà máy lốp Kumho (Pyung Taek) đầu tư thiết lập hệ thống quản lý năng lượng trong các thiết bị điều khiển từ xa tự động, đúc và bơm lốp, tiết kiệm được năng lượng 6%/năm, thời gian hồi vốn là hơn 3 năm. Trung tâm y tế Yonsei (Shinchon) thiết lập hệ thống quản lý năng lượng trong các bệnh viện, kiểm soát năng lượng tối đa và điều khiển tự động điều hòa không khí, tiết kiệm được 4,6% năng lượng/năm; thời gian hồi vốn đầu tư là trên 3 năm. Đại học Dongkuk (Kyungju & Đại học Sư phạm Daegu) thiết lập hệ thống quản lý năng lượng ở giảng đường và khu vực trường, dẫn đến tiết kiệm 15%/năm; thời gian hồi vốn là gần 3 năm. Bãi đỗ xe ngầm Dongwon Industry (Yangjae) đã đầu tư phát triển thiết bị chiếu sáng LED tích hợp, thiết lập hệ thống giảm sáng không dây, tiết kiệm tới 90% năng lượng/năm, mặc dù chi phí đầu tư khá lớn nên thời gian thu hồi vốn là gần 7 năm…
Đặc biệt Hàn Quốc ứng dụng “IDC xanh” (trung tâm dữ liệu xanh), là công nghệ giảm tối đa tiêu thụ năng lượng mà không làm giảm hiệu quả công việc, nhờ cải thiện hoạt động của các trung tâm dữ liệu hiện có. Dịch vụ điện toán đám mây đã được cung cấp cho các doanh nghiệp với vốn đầu tư 120 tỉ Won tính đến năm 2011. Hệ thống giám sát môi trường cho phép kiểm tra hiện trạng mát ở mỗi máy chủ bằng camera nhiệt hồng ngoại và thông gió mở.
Ở Hàn Quốc hiện Chính phủ đang khuyến khích phát triển các Trung tâm làm việc thông minh (smart work center), là một hệ thống làm việc sẵn sàng mọi lúc mọi nơi. Mô hình này bắt đầu được triển khai ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Mỗi trung tâm có chừng 30 bàn làm việc và một phòng họp có trang bị hệ thống video hội thảo, một chiếc bàn với 8 ghế. Như vậy, người ta có thể đến Trung tâm gần nhất để làm việc, thay vì đến tận công sở, sẽ giảm được thời gian và chi phí đi lại, giảm mật độ sử dụng các phương tiện giao thông.
Hàn Quốc tự hào với mạng điện thông minh Jeju Grid test-bed ở đảo Jeju. |
Tư vấn của các chuyên gia cho việc xây dựng CNTT xanh ở Việt Nam
Các chuyên gia Hàn Quốc khuyến nghị: Trước tiên Việt Nam cần đánh giá cấu trúc ngành và khả năng CNTT, và thực hiện xây dựng chiến lược vĩ mô ở cấp quốc gia. Nên nghiên cứu so sánh các chính sách, chiến lược CNTT xanh của các nước tiên tiến và căn cứ vào thực tiễn để điều chỉnh chính sách thích hợp nhất đối với Việt Nam. Cần thiết lập mục tiêu chi tiết cho mỗi khu vực sau khi thiết kế mô hình dịch vụ CNTT xanh, có lộ trình chi tiết cho các chính sách trung – dài hạn.
TS Sang Hyun Park, Cơ quan Xã hội thông tin quốc gia Hàn Quốc cho rằng: Việt Nam nên khuyến khích CNTT xanh sớm để không bỏ lỡ cơ hội. Khởi đầu, Chính phủ cần có lộ trình tuyên truyền, phổ biến thông tin để nâng cao nhận thức của người dân, làm cho người dân hiểu mối liên hệ giữa tăng trưởng xanh và CNTT, hiểu rằng CNTT có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường, bên cạnh việc CNTT có thể giúp phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người Việt Nam.
Đặc biệt, cần phải làm cho các sinh viên hiểu rõ vấn đề vì họ chính là những người sắp sử dụng CNTT nhiều nhất, phải có chiến lược tuyên truyền họ để chuẩn bị cho tương lai.
Tiếp theo, cần lập một kế hoạch ICT mang tính thực tiễn căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh (là chiến lược vĩ mô) cần phải được lập ra để thúc đẩy các chính sách ICT xanh một cách có hệ thống và hiệu quả. Kế hoạch thực tiễn phải thật chi tiết và cụ thể, phân thành các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn với ngân sách phù hợp. Dựa trên phân loại này, các dự án sẽ được thúc đẩy tuần tự theo thứ tự ưu tiên.
Vấn đề quan trọng nhất là nguồn kinh phí để thúc đẩy CNTT xanh. Đây có thể là một trong những khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, phát triển CNTT xanh để tiết kiệm năng lượng, nên mặc dù phải đầu tư ban đầu, nhưng lợi ích là lâu dài. Chính phủ nên có chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi các công ty có ứng dụng những công nghệ tiết kiệm năng lượng và không gây hại tới môi trường./.