Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bị bỏ quên

Khi mà lượng rác thải sinh hoạt đang ngày càng có xu thế phát “phình” thì các địa phương vẫn đang loay hoay tìm kiếm công nghệ xử lý phù hợp.

Mỗi ngày phát sinh 25.000 tấn rác sinh hoạt

Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nóng tại đô thị hiện nay. Theo GS-TS Nguyễn Hữu Dũng- Hiệp Hội Môi trường Đô thị & Khu Công nghiệp Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây ra sự suy giảm chất lượng sống đô thị là do chúng ta không kiểm soát được lượng ô nhiễm chất thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới và Bộ TN&MT năm 2003 cho thấy, nước ta phát sinh hơn 15 triệu tấn rác thải từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó 80% là rác thải sinh hoạt, bao gồm: Rác thải từ hộ gia đình, nhà hàng, chợ và các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp…. Đến năm 2010, con số này tăng lên hơn gấp 2 lần.

Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của đô thị có xu hướng tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-16%, đặc biệt là tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… Bình quân cả nước mỗi ngày phát sinh 25.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự báo đến năm 2015 cả nước sẽ có 43,6 triệu tấn rác thải phát sinh và đến năm 2025 sẽ là 91 triệu tấn.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt- Chủ tịch Hội Môi trường Đô thị & Khu Công nghiệp miền Nam, hình thức tiêu hủy chất thải phổ biến hiện nay vẫn là đổ thải ở các bãi rác lộ thiên hoặc đổ tự nhiên tại các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị. Đây là phương pháp cổ điển nhất và tổn tại nhiều nhược điểm như: Tạo cảnh quan xấu, rác đổ đống là môi trường thuận lợi cho các động vật và ký sinh trùng gây bệnh.

Do nhiều nguyên nhân nên ở Việt Nam vẫn chưa áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến hiện nay (Ảnh: Tuổi trẻ)

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhận xét, vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nhận thức của một bộ phận dân cư về bảo vệ môi trường còn thấp; Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế; Kinh phí cho công tác thu gom, xử lý còn thấp; Công tác đầu tư, tái đầu tư và nhân lực vẫn chưa được chú trọng.

Trước hiện tượng phát sinh rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, yêu cầu cấp thiết là cần có phương pháp xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tận dụng được các nguồn kinh tế từ rác. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi phải có một dây chuyền công nghệ xử lý rác tối ưu.

Đơn giản nhất vẫn là chôn lấp rác thải

Hiện nay ở Việt Nam, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp. Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, đây là công nghệ xử lý rác đơn giản, đỡ tốn kém, chi phí đầu tư, vận hành thấp, có thể xử lý một lượng lớn chất thải lớn.

Tuy nhiên công nghệ này hiện nay tồn tại nhiều nhược điểm như: Chiếm dụng quỹ đất lớn, khó kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng được các nguồn kinh tế từ rác.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khó khăn hiện nay trong công tác xử lý chất thải tại các đô thị chủ yếu là chôn lấp khá đơn giản, trong đó 75% chôn lấp tự nhiên không hợp vệ sinh, không đáp ứng được với yêu cầu xử lý và bảo vệ môi trường.

Bà Phan Thị Nữ- Đại diện Hội Môi trường Đô thị & Khu Công nghiệp Việt Nam khu vực miền Trung- Tây Nguyên cho rằng, việc xử lý chất thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn gây khó khăn trong việc nghiên cứu và thực hiện các giải pháp công nghệ xử lý rác thải.

Cũng theo bà Nữ, các giải pháp xử lý chất thải sinh hoạt hiện nay còn khá đơn giản và lạc hậu, tuy nhiên tại các đô thị vẫn chưa có các giải pháp phù hợp cũng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị cho công tác này.

Bên cạnh việc xử lý rác bằng chôn lấp, ở Việt Nam còn sử dụng công nghệ tái chế chất thải, công nghệ chế biến rác thành phân hữu cơ, công nghệ đốt chất thải sinh hoạt…

Đối với công nghệ tái chế hiện nay chủ yếu vẫn hoạt động ở quy mô làng nghề như: Triều Khúc (Hà Nội) chế biến nhựa; Đa Hội (Bắc Ninh), Văn Chàng (Nam Định) chế biến kim loại; Dương Ô, Phú Lâm (Bắc Ninh) chế biến giấy… nhưng các làng nghề này không đạt tiêu chuẩn về công nghệ tái chế gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của cộng đồng

Công nghệ chế biến rác thải thành phân hữu cơ vẫn là phương pháp truyền thống, góp phần vào giảm thải tình trạng chôn lấp đồng thời tận dụng thu hồi sản phẩm phù từ quá trình xử lý. Tuy nhiên chất lượng chất thải đến các nhà máy hiện nay đang là vấn đề.

Chưa có phương hướng ứng dụng công nghệ

Việc sử dụng công nghệ cao để xử lý chất thải sinh hoạt đã và đang được quan tâm. Một số nhà sản xuất công nghệ, đầu tư cũng đã giới thiệu công nghệ xử lý rác tiên tiến trên thế giới đến các địa phương. Tuy nhiên, các công nghệ xử lý rác thải này thường có kinh phí đầu tư cao và chưa khẳng định được sự phù hợp với tính chất và thành phần rác thải tại Việt Nam.

Bà Phan Thị Nữ cho biết, các địa phương đều có mong muốn đầu tư, cải thiện công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Bà Nữ cũng cho rằng, hiện vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào của Trung ương về việc khuyến cáo, xác định công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với Việt Nam và từng vùng miền. Tại nước ta cũng chưa có một hình mẫu, hiệu quả cao trong xử lý chất thải sinh hoạt để các địa phương học tập và làm theo.

Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra những tiêu chí cụ thể. Đến năm 2015 có 85% tổng lượng chất thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường (trong đó 60% tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ); 50% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại các đô thị (trong đó 30% được thu hồi tái sử dụng hoặt tái chế).

Đến năm 2020, 90% tổng chất thải rắn từ hội gia đình và đô thị được thu gom và xử lý để bảo vệ môi trường trong đó 85% sẽ được tái chế, tái sử dụng, tái tạo năng lượng hoặc sản xuất phân bón hữu cơ.

Theo chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2011-2015, 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị phải được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng. Đến năm 2020 các tiêu chí này sẽ lần lượt là 90% và 85%.

Để hoàn thành chiến lược trên, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng đề xuất: Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi hỗ trợ cụ thể về đất đai (như: miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…), thuế, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất…

Cần có cơ chế khuyến khích giảm thiểu rác và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Việc phân loại rác tại nguồn cần mang tính đồng bộ tại các tỉnh, thành phố và phải quán triệt tại từng địa phương nếu không sẽ rất khó thực hiện.

Đối với công nghệ xử lý rác thải, GS.TS Dũng đề nghị cần phải có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý rác thải. Đối với công nghệ nhập khẩu cần phải có cơ chế kiểm tra, thẩm định với sự tham gia của các chuyên gia tránh trường hợp kiểm tra qua loa. Bên cạnh đó cần phải có chế tài và cơ chế xử lý việc vứt rác và đổ rác không đúng nơi quy định.

Một khâu rất quan trọng trong dây chuyền xử lý rác thải mà theo GS.TS Dũng không nên xem nhẹ vấn đề đào tạo nhân lực phục vụ công nghệ xử lý tái chế rác thải. “Cần khắc phục quan điểm việc xử lý rác chỉ cần nhân lực giản đơn”, GS.TS Nguyễn Hứu Dũng nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên