Đừng quá bi quan về đánh giá ô nhiễm không khí của Việt Nam

Trên cơ sở thông tin đánh giá của các tổ chức quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), chúng ta nên dựa vào đó để tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.

Dự luận thời gian gần đây rất quan tâm tới đánh giá được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ) khi Việt Nam nằm trong 10 nước trên thế giới có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề.

Trước thông tin này, VOV Online phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến nhằm có cái nhìn chính xác về tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay.

PV: Theo kết quả nghiên cứu về môi trường được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thông tin này?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Vừa qua, trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ), các nhà nghiên cứu của hai trường đại học của Mỹ là: Yale và Columbia công bố bảng xếp hạng môi trường của 132 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Báo cáo môi trường có tên gọi là “The Environmental Performance Index” - gọi tắt là EPI 2012.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến

Tiêu chí để họ xếp hạng dựa trên số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), số liệu vệ tinh để đo đếm nồng độ ô nhiễm và từ đó tính toán ra mức độ "bẩn" ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kết quả nghiên cứu được công bố theo từng quốc gia, gồm nhiều chỉ số như: Chất lượng không khí, nước, ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, rừng....

Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia khảo sát. Tức là nằm trong nhóm 10 nước có chất lượng không khí ô nhiễm nặng.

Về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe, Việt Nam đứng vị trí 77. Về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số chung EPI, Việt Nam xếp thứ 79.

Theo quan điểm của Bộ TN&MT, bảng xếp hạng môi trường đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos có nhiều chỉ số không chính xác, nhưng xét trên bình diện tổng quan, phải thừa nhận là chất lượng không khí của Việt Nam không tốt.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá bi quan khi tiếp nhận đánh giá này, mà phải dựa vào những thông tin đó để tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết, đâu là yếu tố làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí của nước ta hiện nay? 

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh. Sự phát triển đó kéo theo sự gia tăng các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng hạ tầng cơ sở, hoạt động của dân cư… dẫn đến tình trạng môi trường không khí bị làm “bẩn”.

Ví dụ, lĩnh vực xây dựng hiện nay đang phát triển rất mạnh khiến tình trạng ô nhiễm không khí cũng tăng theo. Mặc dù ngành xây dựng đã có nhiều văn bản pháp quy, quy định các vấn đề bảo vệ môi trường trong xây dựng nhưng việc chấp hành luật đang là vấn đề.

Tính chấp hành luật của người vận chuyển vật liệu xây dựng, của các doanh nghiệp xây dựng và bản thân những công nhân làm việc trong các công trình xây dựng chưa cao, gây ra trở ngại trong việc cải thiện ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh cũng dẫn tới công tác quản lý trong một khía cạnh nào đó không theo kịp.

Các công trình xây dựng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các đô thị (Ảnh: KT)

Chính công tác quản lý môi trường và ý thức người chấp hành luật hiện nay đã tạo ra hệ quả là chất lượng không khí (đặc biệt là tại hai thành phố lớn Hà Nội, TP HCM) có chiều hướng đi xuống như nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ).

PV: Với vai trò là cơ quan đầu ngành về quản lý môi trường,  Thứ trưởng có thể cho biết, chúng ta đã có giải pháp nào để giảm tải tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Trách nhiệm quản lý môi trường hiện nay được phân bổ cho nhiều Bộ, ngành khác nhau. Chính vì vậy để đạt được hiệu quả chung trong việc cải thiện ô nhiễm không khí, tất cả các Bộ ngành cần phải tham gia.

Đối với ngành Giao thông Vận tải, trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm không khí, chẳng hạn như: Cấm hẳn xăng pha chì, thực hiện quy định về tiêu chuẩn của ô tô, xe máy theo tiêu chuẩn EURO 2, kiểm soát chặt chẽ các loại xe nhập khẩu, lắp ráp cũng như sản xuất trong nước về việc phát thải ra không khí….

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Giao thông Vận tải cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện để giảm khí phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Đối với ngành công thương – đơn vị quản lý nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, nơi có nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ để sản xuất gây ra khí thải gây ô nhiễm không khí, ngành nên có lộ trình khuyến khích doanh nghiệp cải tiến dần công nghệ.

Để thay đổi công nghệ sản xuất, doanh nghiệp phải đầu tư và ngành cũng cần có chế độ khuyến khích doanh nghiệp, thậm chí phải áp dụng tiêu chí nhãn xanh Việt Nam. Đây cũng là một cơ sở để thúc ép doanh nghiệp thay đổi công nghệ.

Trong lĩnh vực quản lý của Bộ NN&PTNT, cần có biện pháp để người dân giảm bớt việc đốt bỏ phế phẩm nông nghiệp. Ví dụ như việc đốt rơm rạ sau mỗi mùa gặt.

Hiện nay ở một số nước trên thế giới, trong quản lý môi trường không khí họ có những văn bản chuyên biệt. Đây điều mà chúng ta còn thiếu. Bởi vậy, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy chuyên biệt về chống ô nhiễm không khí của Việt Nam là rất cần và phải làm ngay.

Ngoài ra, chúng ta cần phải có hệ thống quan trắc hoàn thiện để có thể đánh giá toàn diện về tình trạng ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tăng cường nhận thức của nhân dân, giới quản lý và doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…. Với những nỗ lực đó, chúng ta mới hy vọng sẽ cải thiện dần dần chất lượng không khí ở Việt Nam hiện nay.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên