Giao thông TP HCM và bước đột phá

Thực tế cho thấy, việc đưa xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên vào hoạt động có nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường  

Ngày 26/8, TP HCM đã chính thức đưa vào hoạt động 21 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG trên tuyến Sài Gòn-Bình Tây. Đây được xem là một đột phá của ngành giao thông vận tải Thành phố trong việc đưa nguồn nhiên liệu sạch, an toàn, có hiệu quả kinh tế cao vào sử dụng cho phương tiện xe buýt.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị ở mức báo động, giá xăng dầu tăng cao, việc các phương tiện giao thông công cộng dùng khí nén thiên nhiên thay thế xăng dầu là rất cần thiết. Tuy vậy, với nhiều  doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở thành phố Hồ Chí Minh, đây cũng không phải là việc dễ làm.

Đưa nhiên liệu sạch, tiết kiệm năng lượng sử dụng vào phương tiện vận tải đã được ngành giao thông vận tải TPHCM thí điểm từ năm 2009-2010 bằng việc thử nghiệm 2 xe buýt chạy bằng khí CNG. 

Kết quả cho thấy, xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên có nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường. Động cơ chạy bằng CNG giảm lượng phát thải CO2 ra môi trường khoảng 20%, mức độ ồn cũng giảm được 3dB. Lượng chất khí gây hiệu ứng nhà kính xả ra môi trường thấp hơn khoảng 25% so với động cơ dùng xăng.

Xe buýt chạy bằng khí nén CNG. (Ảnh: Internet)

Đáng chú ý là, xe buýt chạy bằng CNG tiết kiệm từ 30-45% chi phí nhiên liệu so với xe buýt chạy bằng diesel. Không những thế, tính an toàn trong vận hành và trong khâu chiết nạp nhiên liệu cũng cao hơn. 

Trong thời buổi các chi phí đầu vào đều tăng, gây khó cho các doanh nghiệp vận tải, môi trường bị đe dọa bởi ô nhiễm khí thải, ô nhiễm tiếng ồn… thì việc xuất hiện phương tiện vận tải công cộng sạch, rẻ, thân thiện với môi trường chính là mơ ước của cư dân tại đô thị lớn nhất cả nước này.

Với những kết quả khả quan nói trên, ngành giao thông vận tải TP HCM quyết định đưa 21 xe buýt sạch chạy bằng CNG mới của công ty Xe khách Sài Gòn hoạt động trên tuyến Sài Gòn-Bình Tây.

Toàn bộ 21 xe chạy thử nghiệm này đều được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống camera quan sát đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách trên xe, thiết bị bán vé tự động, thiết bị báo trạm dừng đón-trả khách tự động, có phiếu đánh giá nhận xét thái độ lái xe,… mang lại sự thuận lợi tối ưu cho hành khách.

Sự kiện này, ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cư dân TP HCM, nhất là những người thường xuyên sử dụng xe buýt. Được ngồi trên xe buýt mới, sang trọng, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm, không gây ô nhiễm ai mà không hài lòng.

Vì vậy vấn đề đặt ra là có thể nhân rộng mô hình xe buýt “xanh” như vậy không? Một chiếc xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG mới 100% nhập từ Hàn Quốc trị giá tới 2,6 tỷ đồng. Để nhập được, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của ngân sách thành phố từ lãi suất, thuế nhập khẩu, trợ giá vé. Như vậy, phải có sự hậu thuẫn mạnh về tài chính hoặc phải có tiềm lực kinh tế mạnh thì mới sử dụng được mặt hàng cao cấp này. Đây thực sự là một khó khăn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng qui mô nhỏ, trong đó có các HTX vận tải.

Do vậy, dù các Hợp tác xã, doanh nghiệp muốn thay thế những chiếc xe buýt cũ kỹ lạc hậu, thiếu an toàn và gây ô nhiễm môi trường bằng xe buýt sạch thì cũng khó thực hiện được.

Trong khi đó, theo đề án phát triển mới xe buýt giai đoạn 2011-2015 do Sở Giao thông Vận tải TPHCM trình UBND Thành phố sẽ đầu tư thay mới khoảng 1.680 xe buýt với tổng chi chí gần 1.900 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, lộ trình này phải rút ngắn thời gian thực hiện còn 2 năm, tức là phải hoàn thành vào năm 2013. Như vậy, nếu thay hết bằng xe buýt sạch, số tiền đầu tư sẽ rất lớn và khó thực hiện.

 Vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ của TP HCM cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp thì kế hoạch thay thế xe mới giai đoạn 2011-2013 mới khả thi. Trong đó phải tính đến việc sản xuất xe chạy bằng khí nén thiên nhiên ở trong nước để giảm chi phí và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Với một hệ thống xe buýt sạch, hiện đại, lượng người dân sử dụng xe công cộng sẽ tăng lên, khí đó, nạn kẹt xe ở TP HCM mới có hy vọng được giải quyết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên