Hai giải pháp xử lý ô nhiễm sông Hồng
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, ô nhiễm sông Hồng đang là thực tế và chúng ta cần phải có biện pháp cụ thể để xử lý.
Thời gian gần đây, trên dòng sông Hồng chảy qua địa phận TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) lại xuất hiện biểu hiện khác thường. Trong khoảng thời gian cuối tháng 3 vừa qua, nước sông Hồng nổi váng bọt trắng dày đặc và dòng sông có màu đục rất lạ khác. Bên cạnh đó, dòng sông còn bốc mùi hôi thối của bã sắn bị ngâm lâu trong nước.
Theo những làm nghề khai thác cát lâu năm ở đoạn sông này thì nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm do từ những cơ sở sản xuất sắn tươi của huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nằm gần TP Lào Cai. Đặc biệt, hiện tượng này có biểu hiện rõ hơn khi nước sông Hồng trong thời điểm nước cạn.
Sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai đang cạn kiệt |
Đây không phải là lần đầu tiên nước sông Hồng đoạn qua tỉnh Lào Cai có hiện tượng này. Vào khoảng thời gian tháng 2/2011, nước sông Hông cũng có hiện tượng màu nước xám nhạt, sủi bọt đục ngầu.
Việc một dòng sông có ảnh hưởng lớn đến sự đời sống của người dân bị ô nhiễm đang được dư luận hết sức quan tâm. Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân, lãnh đạo đầu ngành tài nguyên môi trường cho biết, ô nhiễm của sông Hồng cần phải xem xét trên hai khía cạnh: Một là nước từ Trung Quốc sang, hai là do chúng ta.
Trên cơ sở này, Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, hiện, mực nước sông Hồng trong mùa khô rất thấp, khiến cho chất gây ô nhiễm càng đặc thêm. Bởi vậy, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết để giải quyết tình trạng này, trước hết chúng ta cũng cần có trách nhiệm, như thành phố Lào Cai cũng cần xử lý tình trạng ô nhiễm trước, bởi còn rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như nhiều hộ dân đang đổ nước thải ra dòng sông mà không được xử lý. Bên cạnh đó chúng ta cần phải ngồi lại với nước bạn Trung Quốc, để bàn bạc biện pháp để xử lý./.