Sự cố ô nhiễm môi trường sông Thị Tính:

Hàng triệu người phải sử dụng nước nhiễm bẩn?

Ngoài hiện tượng cá chết hàng loạt, khi người dân nhúng tay, chân vào nước thì thấy ngứa ngáy, khó chịu.

Sau 3 ngày xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước thải và đê bao nước thải tràn ra sông Thị Tính, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,  Công ty TNHH San Miguel Pure Foods mới đắp được đoạn đê bị vỡ. Mặc dù nước thải đã ngưng chảy thẳng ra môi trường, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê bao và hồ chứa nước thải, đe doạ trực tiếp nguồn nước mặt trên hệ thống sông Sài Gòn, nơi có hàng triệu người dân của Bình Dương và thành phố  Hồ Chí Minh đang sử dụng nguồn nước này.

Sau 3 ngày (tính đến 28/7) xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường trên sông Thị Tính, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH San Miguel Pure Foods mới ngăn được nước thải chảy ra môi trường. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn gia súc và  nuôi  khoảng 68.000 con lợn, mỗi ngày xả khoảng 3.000m3 nước thải. Khi hồ chứa nước thải của công ty này quá tải, nước đã chảy tràn ra, làm vỡ đoạn đê dài gần 30m. Nước thải đã chảy trực tiếp ra suối Bến Váng rồi chảy ra sông Thị Tính. Do nước đen nồng nặc hôi thối nên cá ở sông đã chết hàng loạt. 

Ông Trương Văn Sử, người dân ở thị trấn Mỹ Phước,  huyện Bến Cát cho biết: “Khoảng 3h sáng tôi thức dậy thấy nước sông đổi màu, hôi thối và cá chết nổi trắng sông, có người vớt được vài chục kg cá chết trên sông... Khi đụng tay, chân vào nước sông thì rất ngứa ngáy…”.

Trong buổi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, công ty Công ty TNHH San Miguel Pure Foods cam kết sẽ sớm khắc phục, đắp các đoạn đê bị vỡ. Tuy nhiên, do đê bao đắp bằng đất, kết cấu  bờ đê  rất yếu, với chiều dài hơn 800m, cao 3m, nhưng chiều ngang mặt đê có đoạn chỉ rộng khoảng 5m và nằm cạnh ngay bên bờ suối, phía trong là hồ chứa dung lượng nước rất lớn, hơn 233.000m3 nước. Do vậy, rất có thể đê bao sẽ tiếp tục vỡ và tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước sông và môi trường tại địa phương.

Dù được xếp vào nhóm doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, song việc xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH San Miguel Pure Foods chưa kiên quyết. Đồng thời, cơ quan chức năng ở đây chưa kiểm tra và yêu cầu công ty gia cố hệ thống đê bao. Các  hồ chứa nước thải luôn vượt mức cho phép.

Đã có một thời gian dài, nước thải chảy tràn qua mặt đê, nhưng vẫn không được cơ quan chức năng nhắc nhở và xử lý kịp thời. Do vậy, sau khi xảy ra sự cố vỡ đê, đoàn kiểm tra của tỉnh Bình Dương đã yêu cầu: đến ngày 28/7, công ty phải cung cấp hồ sơ môi trường, bản vẽ mặt bằng tổng thể hệ thống xử lý nước mưa, nước thải, hồ sơ thuyết minh kỹ thuật hệ thống xử lý nước thải.

Trong biên bản kiểm tra môi trường, cơ chức năng cũng yêu cầu khắc phục ngay sự cố và phải có biện pháp kiểm tra gia cố thường xuyên bờ bao của hồ sinh học chứa nước thải, không để nước thải từ các hồ này thải trực tiếp  gây ảnh hưởng môi trường. 

Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu trong quá trình hoạt động, sản xuất, công ty phải thường xuyên vận hành các công trình khống chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường, đảm bảo chất thải phát sinh được xử lý đạt chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường.

Dư luận cho rằng, giá như những biện pháp này được các cơ quan chức năng của  tỉnh Bình Dương thực hiện từ trước thì chắn chắc sẽ không xảy ra sự cố. Ông Huỳnh Công Du, Trưởng Phòng Tài nguyên và Mội trường huyện Bến  Cát, tỉnh Bình Dương cho biết: “Thanh tra môi trường đã lập biên bản và yêu cầu công ty bằng mọi cách phải khắc phục không cho nước thải chảy ra môi trường. Chúng tôi cũng đang điều tra và tính mức thiệt hại của dân. Công ty này nằm trong danh sách đen gây ô nhiễm môi trường và tháng 8 tới chúng tôi sẽ phúc tra. Nhưng hiện nay, việc xử lý môi trường của công ty này cũng rất hạn chế”.

Đến thời điểm này, chưa có thống kê chính thức về những thiệt tài sản của người dân và nhất là chưa có thể đánh giá chính xác được những tác hại về môi trường từ sự cố về môi trường do Công ty TNHH San Miguel Pure Foods gây ra. Tuy nhiên, qua sự cố này cho thấy cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương cần phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những doanh nghiệp đã và đang gây ô nhiễm môi trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên