Hành trình xanh
Từ những ngõ phố đông đúc của Thủ đô tới những con đường nhiều đèo dốc dọc dãy Trường Sơn… đều có bóng dáng những thành viên Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường miệt mài cùng những vòng quay vô tận, không phân biệt quốc tịch, tuổi tác, kết nối những trái tim cùng chung nhịp đập, với ước mong về một môi trường xanh và bền vững.
“Những trái tim xanh”
Tôi được biết đến Câu lạc bộ đạp xe vì môi trường qua một người bạn đặc biệt - Trần Mẫn Linh, phóng viên - biên tập viên ban Tiếng Việt, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc. Trong thời gian gần một năm được cử sang học tại trường Đại học Hà Nội, Linh tình cờ biết đến Câu lạc bộ đạp xe vì môi trường (mà các bạn vẫn gọi với cái tên thân thuộc là C4E) qua trang web www.c4evn.org trong một lần tìm kiếm thông tin về môi trường trên mạng. Ngay lập tức, Linh bị thu hút bởi những thông tin bổ ích cùng những hoạt động rất tích cực và có ý nghĩa của các thành viên trong Câu lạc bộ. Và không lâu sau, Linh đã trở thành một thành viên rất tích cực của Câu lạc bộ này. Ngoài Mẫn Linh, Câu lạc bộ còn thu hút nhiều thành viên là các bạn trẻ người Ba Lan, Bỉ, Cameron… nhưng đa phần vẫn là những bạn trẻ Việt Nam.
Thành lập từ năm 2007, dưới sự bảo trợ của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đến nay, Câu lạc bộ đạp xe vì môi trường đã có hơn 2.000 tình nguyện viên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tại Hà Nội, vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong Câu lạc bộ lại tập trung tại hồ Thiền Quang rồi đạp xe đến các khu vực công cộng, những nơi tập trung đông người, chủ yếu là các hồ để nhặt rác và truyền thông bảo vệ môi trường.
Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường trên hành trình qua cầu Long Biên |
Ban đầu, tôi cứ ngỡ các thành viên tham gia Câu lạc bộ đều là những thanh niên, những sinh viên tình nguyện. Nhưng khi được cùng họ lăn bánh trên những vòng xe, tham dự những buổi nhặt rác và truyền thông bảo vệ môi trường, tôi thật bất ngờ khi thấy cùng tham gia còn có rất nhiều thành viên thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có cả những người cao tuổi.
Tham gia Câu lạc bộ từ những ngày đầu mới thành lập, bà Trần Thị Kim Tuy, 71 tuổi (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) hầu như không bỏ một buổi sinh hoạt nào của Câu lạc bộ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đến sáng Chủ nhật hàng tuần là bà lại dậy từ 3 giờ sáng, đạp xe gần 20 cây số tới hồ Thiền Quang để tham gia cùng Câu lạc bộ. Vậy là cả đi lẫn về, mỗi Chủ nhật, bà đạp xe tới gần 70 cây số. “Kỷ lục” hơn, bà và nhiều người cao tuổi khác còn tham gia vào hành trình xuyên Việt dài hơn 2.000km hồi giữa năm 2009. Người phụ nữ mái tóc đã bạc trắng nhưng giọng nói vẫn đầy hào sảng tâm sự rằng, mình sẽ vẫn còn đi mãi, tới khi nào không thể tiếp tục đi được nữa. Và tôi tin, với lòng nhiệt huyết, nghị lực và quyết tâm của mình, bà sẽ còn đi và làm được nhiều điều hơn với khát vọng về một môi trường tốt lành cho tương lai.
Nguyễn Đình Thao, sinh viên trường Cao đẳng Tài nguyên Môi trường cũng là một thành viên rất tích cực của Câu lạc bộ. Mỗi sáng Chủ nhật, Thao đều dậy từ 5h sáng, đạp xe từ Cầu Diễn tới hồ Thiền Quang. Tuy vất vả là vậy nhưng dù bận thế nào, Thao vẫn cố gắng sắp xếp công việc để được đến tham gia cùng mọi người. Với cậu sinh viên năm thứ nhất này, tham gia Câu lạc bộ không chỉ là truyền thông giúp mọi người nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường: như không xả rác bừa bãi, sử dụng tiết kiệm điện, nước… mà còn giúp hoàn thiện những kỹ năng sống cho chính bản thân mình.
Những việc làm ấy từ mỗi thành viên trong Câu lạc bộ, cũng như những làn sóng, có sức lan tỏa và lay động rất lớn đối với những người xung quanh. Mẫn Linh tâm sự, có lần đi nhặt rác ở hồ Linh Đàm, các em nhỏ được cha mẹ cho đi chơi quanh hồ, thấy các anh chị nhặt rác cũng nhặt theo và hỏi chuyện ríu rít khiến các bạn thấy rất vui. Nhiều lần nhặt rác ở khu vực các hồ, việc làm của nhóm được các bạn trẻ dạo chơi quanh đó hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình. Nhiều thành viên trong Câu lạc bộ được kết nạp từ những lần đi nhặt rác như thế. Chính sự nhiệt tình ủng hộ của những người xung quanh là động lực rất lớn giúp họ quên đi mệt nhọc và gắn bó hơn với công việc của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận đúng về việc làm của họ. Nhiều người cho rằng những việc làm ấy là “không giống ai”, thậm chí là “dỗi hơi”. Ngô Minh Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ buồn rầu kể: “Ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người vẫn còn rất hạn chế. Bọn mình đi nhặt rác phía sau thì họ vứt rác phía trước. Thậm chí nhiều người coi việc nhặt rác của chúng mình là đương nhiên và chẳng ảnh hưởng gì tới họ”. Có người “thiện chí” hơn thì tỏ vẻ cảm thông với việc làm mà họ coi như “dã tràng xe cát” của các bạn. Nhớ lần đi nhặt rác ở Hồ Gươm, một cụ già thấy Hương nhặt rác bèn hỏi: “Cháu ơi, cháu đang làm gì thế?”. Hương trả lời: “Chúng cháu đang nhặt rác bà ạ”. Bà cụ nghe vậy thở dài: “Cháu nhặt rác làm gì, chút nữa họ lại vứt đầy ra ấy mà. Cháu nhặt hết làm sao được?!”.
Hành trình dọc Trường Sơn
“Mỗi chặng đường đi qua là mỗi thử thách. Thử thách với nắng gió, với những cơn mưa dai dẳng, với đèo dốc, sương mù, với những cơn buồn ngủ, với cái đói, cái khát, với bàn chân đau, với chuột rút, co cơ và nhiều thứ khác. Chúng ta tự hào khi đã vượt qua tất cả những thử thách này, khi bạn mồ hôi ròng ròng vượt qua những con đèo tưởng chừng bất tận, tự hào khi dù đói, dù khát, dù đau chân, mỏi tay thì bạn vẫn tươi cười khi về đích”. Trích nhật ký xuyên Việt của Nguyễn Thị Xen, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ C4E |
Không chỉ tham gia nhặt rác và truyền thông bảo vệ môi trường, các thành viên Câu lạc bộ C4E còn tích cực tham gia nhiều hoạt động tình nguyện khác như quyên góp và ủng hộ quần áo, sách vở cho các em nhỏ tàn tật, mồ côi hay các em ở vùng sâu, vùng xa. Vừa rồi, các bạn còn kết hợp cùng đoàn thanh niên và tổ dân phố phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội đồng loạt ra quân để xóa biển quảng cáo, làm sạch đẹp đường phố. Nhưng có lẽ, đáng nhớ nhất vẫn là hành trình xuyên Việt - Hành trình theo dãy Trường Sơn dài 2.500km kéo dài gần hai tháng trong dịp hè năm 2009. Trong hành trình này, trên những chiếc xe đạp có gắn cờ và khẩu hiệu bảo vệ môi trường, các bạn đã đi qua 16 tỉnh, thành phố nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, với mục đích truyền thông bảo vệ rừng và động vật hoang dã, phát động trồng cây gây rừng, vận động cộng đồng chung tay chống lại biến đổi khí hậu. Trong số 60 tình nguyện viên tham gia hành trình, thành viên nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Thái Khoa, 16 tuổi, hiện đang sống và học tập tại TP. Đà Lạt - Lâm Đồng, người cao tuổi nhất là bác Nguyễn Duy Minh, 73 tuổi, đang sống tại TP. Hồ Chí Minh.
Kể về chuyến đi, Nguyễn Thị Xen, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ không giấu nổi niềm xúc động, tự hào. Các bạn đã thực sự lớn dần lên và trưởng thành hơn từ những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của chuyến đi. Trong hành trình ấy, chỗ nào các bạn cũng có thể ngủ được: hội trường ủy ban nhân dân, nhà dân, sàn nhà thi đấu, thậm chí là trên đỉnh đèo. Chỉ với một cái bàn hay hai cái ghế ghép vào nhau là đã có thể thành chỗ ngủ. Rồi những khó khăn, vất vả khi vượt đèo, lội suối, qua những con dốc cao hay những vùng sâu, vùng xa không điện, không nước. Nhưng bù lại, là những niềm vui đến vỡ òa, là những kỷ niệm không thể nào quên khi được gặp và giúp đỡ những người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở xã Tà Rụt, huyện Đắkrông, Quảng Trị, những em nhỏ ở huyện nghèo A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế…
Và, đó chỉ là một vòng quay trong hành trình vô tận, kết nối những trái tim, những tấm lòng, giúp những con người ở các độ tuổi, vùng miền khác nhau của Tổ quốc trong hành trình mang chung một tên gọi - Hành trình xanh!./.