Kinh tế xanh: Xu thế phát triển tất yếu
Thị trường và các sản phẩm công nghệ xanh phát triển trong tương lai sẽ giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.
Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay có chủ đề “Kinh tế xanh: Có vai trò của bạn”. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đào Xuân Lai, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam về vấn đề này.
PV: Theo ông tại sao Việt Nam cần phải chuyển đổi theo hướng phát triển kinh tế xanh?
Ông Đào Xuân Lai: Có thể khẳng định: Kinh tế xanh là xu thế phát triển tất yếu. Kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. |
Kinh tế xanh là công cụ để đạt được phát triển bền vững. Tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã và đang có nhiều hoạt động để chuyển hướng: Chương trình nghị sự 21, chương trình tiết kiệm năng lượng, chiến lược biến đổi khí hậu (BĐKH), Chiến lược tăng trưởng xanh (đang xây dựng)… Thị trường cho các sản phẩm và công nghệ xanh sẽ phát triển trong tương lai, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đi tiên phong…
PV: Những thuận lợi của Việt Nam khi theo đuổi nền kinh tế xanh là gì, thưa ông?
Ông Đào Xuân Lai: Việt Nam là một trong những nước tiên phong theo đuổi nguyên tắc phát triển bền vững. Thêm nữa, có những mô hình của các nước tiên tiến để chúng ta học hỏi, áp dụng. Nhà nước ta đang xây dựng Chiến lược Tăng trưởng xanh. Việt Nam có nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển, phong phú đa dạng, vị trí địa chính trị quan trọng. Một thuận lợi nữa là Việt Nam đang trong độ tuổi “dân số vàng”, số này có khả năng tiếp thu các công nghệ mới…
PV: Vậy những thách thức chúng ta cũng phải đối mặt khi tham gia vào Chiến lược tăng trưởng xanh?
Ông Đào Xuân Lai: Việt Nam còn tồn tại nhiều công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguồn lực tương đối thấp, công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển; tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng và đang dần cạn kiệt.
Nhận thức và năng lực của toàn hệ thống còn thấp, những thói quen cũ chậm thay đổi. Nguồn nhân lực chất lượng và tay nghề cao còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi, chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, cần có những chỉnh sửa rất mạnh mẽ…những điều này ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp vào Chiến lược tăng trưởng xanh.
PV: Xin cảm ơn ông!./.