Mỗi ngày phát sinh khoảng 140 tấn chất thải rắn y tế
Hiện nay, chất thải rắn y tế xử lý không đạt chuẩn là 32% là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo điều tra mới nhất của Cục Khám chữa bệnh – Bộ Y tế và Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn y tế trong toàn quốc khoảng 100-140 tấn/ngày, trong đó có 16-30 tấn/ngày là chất thải nguy hại.
Chất thải rắn y tế phát sinh ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương, xuất phát từ một số nguyên nhân như: Gia tăng số lượng cơ sở y tế và tăng số giường bệnh; tăng cường sử dụng các sản phảm dùng một lần trong y tế; dân số gia tăng, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ y tế.
Tính riêng cho 35 bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý, theo khảo sát năm 2009, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trong 1 ngày khoảng 32 tấn. Lượng chất thải phát sinh tính theo giường bệnh cao nhất là bệnh viện Chợ Rẫy, thấp nhất là bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương và Tâm thần Trung ương. Hầu hết các chất thải rắn là các chất thải sinh học độc hại và mang tính đặc thù.
Việc thu gom, lưu trữ chất thải rắn y tế hiện nay đang được quan tâm từ cấp Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, do phương tiện thu gom chất thải còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt chuẩn.
Theo báo cáo của tổ chức JICA năm 2011, các cơ sở y tế của 5 thành phố điển hình là Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP HCM hầu hết sử dụng thùng nhựa và các dụng cụ vận chuyển rác thải bằng tay khác. Hiện việc xử lý chất thải rắn ở hệ thống bệnh viện vẫn còn thiếu, đặc biệt là hệ thống xe chuyên dụng, hoạt động vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ bệnh viện đến nơi chôn lấp chủ yếu do các công ty môi trường đảm nhiệm, các thiết bị vận chuyển vẫn chưa bảo đảm tính an toàn.
Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải rắn y tế hiện nay vẫn còn yếu, một số địa phương việc quản lý chất thải này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2011 vừa được Bộ TNMT công bố, khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý mới chỉ đạt 68%, tổng khối lượng chất thải phát sinh. Chất thải rắn y tế xử lý không đạt chuẩn là 32% là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng./.