Ngày chủ nhật không túi nilon

Việc loại bỏ sử dụng túi nilon cần được đặt ra một cách thật nghiêm túc, từ chủ trương, chính sách của Nhà nước đến việc thực thi của các ban, ngành liên quan

Ngày 26/7, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức họp báo chương trình “Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon”. Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 8/8 tới tại Công viên nước Hồ Tây. “Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon” sẽ là điểm nhấn quan trọng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần xây dựng Thủ đô “Xanh - Sạch - Đẹp” và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Mới chỉ là phần ngọn

Theo tính toán của các chuyên gia, sử dụng một chiếc túi nhựa thân thiện với môi trường, trong 1 tuần sẽ tiết kiệm được 6 túi nilon, mỗi tháng 24 túi nilon và 22.176 túi nilon cho một đời người. Chỉ cần 1/10 dân số Việt Nam dùng túi tái sử dụng, trong một năm chúng ta đã có thể tiết kiệm hơn 27 triệu túi nilon. Trên thế giới, ngay từ những thập niên 30-40 của thế kỷ trước, hầu hết các nước phát triển đã sử dụng túi nilon tự phân huỷ, nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện gần như mới chỉ bắt đầu.

Phát biểu tại buổi họp báo “Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon”, nhiều đại biểu cho rằng cuộc vận động này mới chỉ là phần ngọn mà chưa thể giải quyết được tận gốc của vấn đề. Để giải quyết được tận gốc, Nhà nước phải đề ra giải pháp triệt để như hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí sản xuất túi thân thiện với môi trường và có chế tài nhằm hạn chế việc sản xuất và lưu thông túi nilon. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của túi nilon để hướng tới không sử dụng túi nilon trong cuộc sống hàng ngày. Ở nước ta, việc không sử dụng túi nilon mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động, chưa có quy định cấm hay hạn chế sử dụng túi nilon trong đời sống.

Thực hiện một phần bức tranh kêu gọi bảo vệ môi trường từ bao nilon đã qua sử dụng tại TP.HCM (Ảnh: TT)

Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong “cuộc chiến” với túi nilon, đã có một số doanh nghiệp đi tiên phong như Trung tâm Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Công ty sản xuất kinh doanh của Người tàn tật Hà Nội... Tuy nhiên, những sản phẩm này lại khó đưa ra thị trường vì giá bán ra cao gấp 3-4 lần túi nilon bình thường.

Theo GS-TS Đỗ Nhật Tân, việc loại bỏ sử dụng túi nilon cần đặt ra một cách thật nghiêm túc, từ chủ trương, chính sách của Nhà nước đến việc thực thi của các ban ngành liên quan. Quan trọng là phải có sản phẩm thay thế túi nilon thì việc nói không với túi nilon mới trở thành hiện thực.

Tác hại của túi nilon

Theo ông Nguyễn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học, túi nilon được làm từ nhựa PTE không độc nhưng các chất phụ gia thêm vào để làm túi nilon mềm, dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nếu đựng đồ nóng từ 70 - 80 độ C thì những chất phụ gia sẽ có phản ứng phụ và khó biết được nó độc hại đến đâu. Những túi nilon nhuộm màu xanh, đỏ, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc cho thực phẩm do chứa các kim loại như chì, cadimi gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ung thư.

Chất phụ gia hóa dẻo triorthocresylphosphat có thể làm tổn thương và gây thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống, gây độc cho tinh hoàn. Sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm chua có tính axít như dưa muối, cà muối thì các chất hóa dẻo sẽ ngấm vào dưa, cà gây ngộ độc và có nguy cơ ung thư. Khi xử lý túi nilon bằng phương pháp đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, metan và khí dioxin cực độc vì túi nilon chứa 2 chất PE và PP. Túi nilon phân hủy hoàn toàn phải mất hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm.

Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam, số lượng túi nilon được tập trung về bãi rác để xử lý chiếm tỉ lệ không cao, đa phần thường bị vứt xuống sông hồ, cống, rãnh, kênh, rạch… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Túi nilon lẫn vào đất có thể làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất. Túi nilon “kẹt sâu” trong cống, rãnh, kênh, rạch còn làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ngập úng… Theo thời gian, những chiếc túi nilon này phân rã và càng dễ gây hại hơn đối với người và động vật hoang dã do vô tình nuốt hay vướng phải. Gần 200 loài sinh vật biển, trong đó có cá voi, cá heo, hải cẩu, rùa biển đã bị “chết oan” bởi những chiếc túi này. Hiện nay, túi nilon đang trở thành “thảm họa” môi trường ở Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên