Môn Lịch sử có rơi vào thế khó khi đặt lên bàn cân thi bắt buộc hay lựa chọn?
VOV.VN - Sự khác biệt giữa hai phương án thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến chỉ là có hay không đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc. GS.TS Đỗ Thanh Bình khẳng định, việc đề xuất hai phương án thi này đã đẩy môn Lịch sử vào thế khó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hiện đang lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 phương án được đưa ra:
Phương án 1 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.
Phương án 2 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.
Trao đổi với VOV2 (Đài TNVN), GS.TS Đỗ Thanh Bình - đồng Tổng Chủ biên SGK Lịch sử & Địa lý - Bộ sách Cánh Diều đặt câu hỏi không hiểu vì sao Bộ GD-ĐT lại đề xuất hai phương án này để lấy ý kiến các Sở GD-ĐT, trường THPT và giáo viên.
Việc đề xuất 2 phương án về số môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo ông Bình khiến môn Lịch sử - vốn là môn học bắt buộc ở cấp THPT rơi vào thế khó.
"Việc lấy ý kiến theo hai phương án này chắc chắn môn Lịch sử có nguy cơ không phải là môn thi bắt buộc vì giáo viên dạy Lịch sử rất ít trong khi phần đông giáo viên các môn học khác sẽ bảo vệ môn học của mình nên sẽ chọn phương án 2 - phương án mà Lịch sử không phải là môn thi bắt buộc", ông Bình nói.
Cũng theo GS.TS Đỗ Thanh Bình, trong một kỳ thi, tâm lý chung của học sinh, giáo viên và cả phụ huynh là bớt được môn nào hay môn đó.
Ông nói, môn Lịch sử vốn trải qua nhiều tranh cãi, nâng lên, hạ xuống trong suốt quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm 2022, Bộ GD-ĐT buộc phải điều chỉnh Chương trình bậc THPT theo hướng môn Lịch sử là môn học bắt buộc.
"Nếu môn Lịch sử không phải là môn thi tốt nghiệp bắt buộc thì việc học cũng chỉ qua loa, mang tính đối phó vì việc học của học sinh hiện nay rất thực dụng, chỉ tập trung vào những môn để thi. Tâm lý người dạy cũng vậy thôi", ông Bình nêu quan điểm.
Điều khiến GS.TS Đỗ Thanh Bình lo ngại nhất khi Lịch sử không phải là môn thi bắt buộc khiến việc học qua loa và điều này dẫn đến nguy cơ học sinh bị hổng kiến thức lịch sử.
Trước đó, tháng 3/2023 Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo Dự thảo, từ năm 2025, thí sinh học chương trình THPT sẽ dự thi 6 môn học, trong đó 4 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học;
Thí sinh học chương trình GDTX cấp Trung học phổ thông dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thì theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Việc công bố thêm một phương án khác về môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo GS.TS Đỗ Thanh Bình là một sự thiếu nhất quán của Bộ GD-ĐT.
Ông Bình thừa nhận, môn học bắt buộc và môn thi bắt buộc là hai vấn đề khác nhau nhưng môn Lịch sử là môn học đặc thù có nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.
"Lịch sử đã là môn học bắt buộc thì cũng phải là môn thi bắt buộc. Đây là tâm tư, nguyện vọng của không chỉ giáo viên, nhà nghiên cứu Lịch sử mà của rất nhiều người", GS.TS Đỗ Thanh Bình kiến nghị.
Liên quan đến cấu trúc đề thi môn Lịch sử, tác giả SGK Lịch sử-Địa lý bộ Cánh Diều cho rằng việc thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là phù hợp. Cách thi này không chỉ kiểm tra được diện rộng kiến thức mà phù hợp với việc đánh giá số đông học sinh. Việc bổ sung 30% câu hỏi tự luận trong một đề thi Lịch sử là không cần thiết.