“Mong ai cũng ý thức được di chuyển khiến dịch Covid-19 càng lây lan”
VOV.VN -“Hãy cố gắng ít đi lại, còn khi bắt buộc phải di chuyển thì hãy đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh để hạn chế khả năng lây nhiễm”.
Đang sống giữa tâm dịch nước Đức, Phạm Quốc Anh, hiện tại đã tốt nghiệp Master tại đây cho biết, khi mới có dịch gia đình cũng khuyên em về nhưng theo Quốc Anh, đã là dịch bệnh thì ở đâu cũng cũng có thể có nên em quyết định ở lại. Ở Đức, hệ thống y tế tốt và ở lại nước sở tại mình cũng có bảo hiểm và được xã hội bảo vệ, không đáng ngại như mọi người lo lắng. “Gia đình rất lo lắng khi em quyết định ở lại. Còn em đã không thay đổi quyết định thì phải tự bảo vệ bản thân để luôn khoẻ mạnh. Em thường xuyên trao đổi và thông báo tình hình của mình để gia đình yên tâm”.
Quốc Anh cho biết, hiện tại mọi việc đều được thực hiện online từ làm việc cho đến học hành. Ở Đức cũng cho tạm thời hoãn kì học. Cuộc sống của sinh viên nước ngoài vẫn được bảo đảm như bình thường.
Phạm Quốc Anh, hiện tại đã tốt nghiệp Master và đang sống tại Đức |
Theo Quốc Anh, ở Đức cũng có những khuyến cáo và lệnh bắt buộc khác nhau. Mọi người tuân thủ đúng và làm theo thì không những bảo vệ cho chính mình mà còn cho cả cộng đồng. Từ đi lại ra sao, sinh hoạt thế nào, ăn uống dinh dưỡng cũng được hướng dẫn cụ thể để người dân phòng tránh và nâng cao sức khoẻ trong mùa dịch.
Ở Đức cách đây hơn 1 tuần đã có vài bang cấm ra ngoài nếu không có lí do chính đáng. Nhưng ở Berlin thì chỉ khuyến cáo mọi người hạn chế đi ra ngoài, cấm tụ tập trên 2 người. Chỉ được đi chợ gần nhà và đi tập thể dục một mình. Cũng giống như các nước khác thì tất cả các nơi đông người đều bị đóng cửa và cấm diễn ra. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt về hành chính và hình sự theo mức độ. Cảnh sát thường xuyên đi tuần tra và theo dõi nhắc nhở cần thiết sẽ phạt tại chỗ. Các công sở hay nơi làm việc nếu có thể làm ở nhà thì yêu cầu làm ở nhà, hạn chế tối đa di chuyển.
“Cộng đồng Việt Nam ở bên này cũng rất đông nên thường xuyên có những hoạt động cổ động và động viên nhau trong suốt thời gian qua. Các hội nhóm cũng đưa ra những thông tin kịp thời để cùng nhau thực hiện. Trên các hội nhóm, các bạn sinh viên và người Việt Nam ở Đức cũng thường xuyên trao đổi thông tin nhau để cùng vượt qua giai đoạn dịch bùng phát như thế này”- Quốc Anh chia sẻ.
“Mong ai cũng ý thức được việc di chuyển sẽ càng làm dịch lây lan”
“Đúng là ở Việt Nam là quê hương và về nước thì gia đình sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, quá trình di chuyển lại dễ phát sinh nguy hiểm nhất vì dịch bệnh lây lan từ những đám đông, trên các phương tiện công cộng, nhất là máy bay. Thế giới cũng đã khuyến cáo hạn chế di chuyển nên em nghĩ mỗi người có ý thức thực hiện sẽ tốt hơn. Một phần nữa, ở thời điểm đó, số lượng người về càng ngày càng đông và nếu ai cũng về sẽ gây ra sự quá tải cho cơ sở y tế của Việt Nam. Trong khi, em ở lại vẫn an toàn thì không cần thiết làm tăng áp lực cho nước nhà. Cả nước đang gồng mình chống lại dịch bệnh, nếu có thể giúp sức phần nào thì cũng là điều tốt. Ở lại nước sở tại, em cũng có bảo hiểm và được xã hội bảo vệ cũng không đáng ngại”- Quốc Anh nói.
Theo Quốc Anh, việc di chuyển về nước hay tới chỗ khác tránh dịch, mỗi người đều có một lý do riêng, nhưng nên cố gắng ít di chuyển vì nguy hiểm sẽ đến trong quá trình di chuyển. “Nên nếu hạn chế được thì hãy cố gắng ít đi lại, còn khi bắt buộc phải di chuyển thì hãy đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh để hạn chế khả năng lây nhiễm”.
Quốc Anh cho rằng, đất nước luôn giang tay chào đón công dân của mình. Thời gian qua các lực lượng trong nước đã khá vất vả và căng thẳng trong quá trình tiếp nhận người về. Công việc phục vụ những người cách ly thực sự quá tải trong khi trong nước cũng đang cấp bách chống dịch, vì thế cũng là gánh nặng thực sự.
“Còn những người về cách ly thì cố gắng chấp hành tốt những quy định ở đó. Vì để có chỗ cho họ về cách ly đã là sự cố gắng rất lớn của nước nhà. Các bạn nên tự hào và cảm thấy may mắn vì điều đó. Tất cả mọi nguồn lực mọi sự cố gắng phải được tôn trọng. Nếu đã quyết định trở về đừng mong người khác phục vụ như mình mong muốn. Hãy cố gắng hợp tác và chấp hành tất cả những quy định của Nhà nước. Nếu các bạn muốn như yêu cầu của mình thì hãy ở lại nơi cư trú của mình. Những y bác sĩ và lực lượng đất nước đã đang căng mình lên chống dịch bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân chứ không phải để phục vụ cho bất kì cá nhân nào”- Quốc Anh nói.
Tính đến đầu tháng 4, tổng số ca mắc ở Đức đã vượt con số 67.000 và số ca tử vong là gần 1000 người. Quốc Anh cho biết, nếu tình hình dịch bệnh có nguy hiểm hơn thì em vẫn sẽ nghe theo chính quyền nước sở tại để tuân thủ mọi yêu cầu và quy định ở đó. “Nếu đến mức nguy hiểm mà các nước, trong đó có Việt Nam khuyến cáo công dân trở về nước thì lúc đó em mới tính đến chuyện trở về”./.