Một app chung phòng, chống dịch: Thiếu “nhạc trưởng” đủ mạnh
VOV.VN - Để điều phối thực thi hiệu quả việc liên thông dữ liệu, vận hành một ứng dụng (app) hoạt động thống nhất trên toàn quốc cần phải có một “nhạc trưởng” đủ mạnh.
Việt Nam đang có sự chuyển hướng về tiếp cận chống dịch, từ “zero Covid”, sang “sống chung” với Covid, với chiến lược 5K + Vaccine + Công nghệ + Ý thức người dân. Sau gần 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống dịch, tuy nhiên cần nhìn lại những bài học thành công và những điều chưa làm tốt của ứng dụng công nghệ, để có cách làm tốt hơn trong trạng thái bình thường mới.
Loại bỏ ứng dụng công nghệ không phù hợp trong “bức tranh” chống dịch
Thống kê sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện có khoảng 12 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trong đó mới nhất Bộ Công an có ứng dụng VNEID, Bộ TT&TT có Bluezone và NCOVI, còn lại là ứng dụng của Bộ Y tế và các địa phương.
Theo ông Nguyễn Đình Quân, Kỹ sư quản lý dự án, Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG (trụ sở chính tại Đức), những nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch đang triển khai tại Việt Nam không hề thua kém các nền tảng mà các nước tiên tiến đang áp dụng.
Hiện có 6 nền tảng trong chống dịch gồm: truy vết, khai báo y tế, quản lý các điểm ra vào bằng mã QR, quản lý xét nghiệm, quản lý tiêm, quản lý cách ly. Tại Đức, các ứng dụng như vậy hoạt động rất hiệu quả, người dân có thể đăng ký và không hề phải chen chúc, tuân thủ giãn cách nhưng vẫn có thể xét nghiệm, tiêm quy mô lớn.
Theo ông Quân, đằng sau thành công đó của Đức là một nền tảng tương tự nền tảng mà Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đang phát triển trong khi Đức và Việt Nam khá tương đồng về diện tích và dân số.
“Việt Nam nên có chiến lược “bức tranh” lớn mà sau đấy các ứng dụng công nghệ sẽ là những mảnh ghép trong bức tranh lớn đó. Có thể loại bỏ những ứng dụng không phù hợp với chiến lược dài hơi, tập trung vào các ứng dụng có thể sử dụng lâu dài, gom chúng lại và phát triển tiếp. Đây cũng là cách đi của những nước phát triển. Tại Đức cũng tập trung những nền tảng công nghệ và bắt buộc áp dụng, nhưng cũng có nền tảng không phát triển nữa”, ông Quân nêu ý kiến.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế và Bộ Công an mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, khi ứng dụng công nghệ kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì sẽ được triển khai thống nhất trên toàn quốc và được toàn dân sử dụng.
“Trong điều kiện bình thường, chúng ta có thể triển khai ứng dụng theo cách là đa dạng ứng dụng theo hướng liên thông dữ liệu, nhưng ở thời kỳ “chống dịch như chống giặc”, chúng ta bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc. Vì dịch bệnh là toàn quốc, nên chúng ta phải có dữ liệu toàn quốc”, ông Dũng cho biết.
Thời gian vừa rồi, các phần mềm thống nhất sử dụng một chuẩn mã QR. Người dân chỉ dùng một mã QR thống nhất giữa các ứng dụng và đi đâu cũng sẽ thông suốt. Đây là những ví dụ mà thời gian qua chúng ta đã làm được ở một mức độ nào đó.
“Tất nhiên vẫn có những vấn đề phải giải quyết, bởi cứ khi có một vấn đề, một nghiệp vụ phát sinh thì luôn có yêu cầu rất gấp, dẫn đến phải phát triển những công cụ, chức năng mới, vì thế lại phải giải quyết các vấn đề liên thông dữ liệu mới. Từ góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi luôn mong muốn tạo ra giải pháp thức sự đơn giản, giảm bớt thủ tục tối đa cho người dân”, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.
Dàn nhạc thiếu nhạc trưởng đủ mạnh
Công nghệ, ngay từ giai đoạn đầu tiên Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, đã được nhận diện là một “lực lượng” quan trọng, thế nhưng hiệu quả cốt lõi của công nghệ chưa được phát huy hết.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, vấn đề chính ở đây không phải là “nhiều ứng dụng” mà là dữ liệu bị phân tán. Và không có dữ liệu tập trung, nghĩa là vai trò của công nghệ về việc dùng dữ liệu để phân tích tình hình, lên kịch bản, lập kế hoạch, ra quyết định và phản ứng nhanh… đã không thực thi được.
Yêu cầu liên thông dữ liệu nói chung đã được thảo luận, cảnh báo, từ cách đây nhiều năm và đến khi chống dịch, yêu cầu liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng cũng được liên tục nhắc đến nhưng chưa có “nhạc trưởng” để điều phối thực thi hiệu quả.
“Ở cấp quốc gia, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an đều làm ứng dụng, đều yêu cầu người dân cung cấp thông tin và đều tham gia thu thập dữ liệu. Các địa phương cũng có các công cụ ứng dụng thu thập thông tin khác. Toàn bộ tiến trình này thiếu một “nhạc trưởng” mạnh, đủ khả năng điều phối”, ông Đồng phân tích.
Thủ tướng Chính phủ đã “vào cuộc” và yêu cầu thống nhất “một ứng dụng”, giao Bộ TT&TT đóng vai trò “nhạc trưởng”, trong đó, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia có vai trò hết sức quan trọng đối với tiến trình mở cửa sắp tới của các địa phương. Bởi “thẻ xanh vaccine” nếu chỉ áp dụng trong nội thị, mà người có thẻ xanh không thể di chuyển liên tỉnh thì cũng không hiệu quả mấy. Vì thế, liên thông dữ liệu, một ứng dụng duy nhất cho người dân để đủ điều kiện di chuyển an toàn thông suốt các tỉnh là yêu cầu bắt buộc.
“Nhưng thẩm quyền hành chính của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia có đủ để thực thi vai trò “nhạc trưởng”? Nhân lực và công nghệ của nội bộ trung tâm có đủ để triển khai bài toán kỹ thuật đó?”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông đặt vấn đề.
“Tính quan trọng của vấn đề đòi hỏi trong giai đoạn lâm thời, Thủ tướng Chính phủ cần đứng ra lãnh đạo trực tiếp mảng công nghệ, cũng như trao “thượng phương bảo kiếm” để “dẹp loạn” cát cứ và phân mảnh dữ liệu. Về dài hạn, xử lý được vấn đề dữ liệu còn tạo tiền đề to lớn hơn cho quản trị quốc gia”, ông Đồng đề xuất.
“Nếu coi dữ liệu là “trái tim” của chính phủ số, Việt Nam cần một “ngôi nhà chung” về dữ liệu. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia có thể hoạt động lâm thời để chống dịch, nhưng về dài hạn cần trở thành “cơ quan quốc gia” về dữ liệu số”, ông Đồng nêu kiến nghị.
Thực tế cũng cho thấy, dữ liệu quan trọng hiện nay là dữ liệu tiêm vaccine, mới tập trung vào bộ phận “y tế” mà không có thêm nhân sự thu thập dữ liệu. Điều này vừa tạo thêm gánh nặng lên nhân viên y tế (thêm khối lượng công việc), vừa giảm chất lượng dữ liệu (bởi nhân viên y tế không chuyên, nhập dữ liệu chậm và dễ bị sai sót).
Giới chuyên gia nhấn mạnh chỉ có thể có được sản phẩm công nghệ hiệu quả tốt nhất khi dữ liệu đầu vào chính xác, giải pháp dữ liệu tốt và đơn vị điều hành đủ năng lực. Thiếu bất cứ yếu tố nào, việc thống nhất ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng hay chuyển đổi số quốc gia nói chung đều rất khó để thực hiện tốt./.