“Một cửa” mà vẫn nhiều thủ tục

Đây là tình trạng vẫn còn xảy ra tại không ít cơ quan hành chính. “Một cửa” chỉ mang tính hình thức

Hiện nay, hầu hết các cơ quan, ban, ngành đều đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” để tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân đến giải quyết công việc, không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, tại không ít nơi, “một cửa” chỉ là hình thức và vẫn còn quá nhiều thủ tục…

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, nhiều cơ quan, thậm chí cùng một lĩnh vực nhưng lại có những yêu cầu khác nhau để giải quyết một thủ tục hành chính khiến người dân rất lo âu, không biết phải thực hiện như thế nào. Đơn cử như muốn xin cấp giấy phép xây dựng, theo quy định chỉ cần các loại giấy như: Sổ hồng, đơn xin phép xây dựng và bản vẽ thiết kế. Thế nhưng, nhiều cơ quan lại yêu cầu người dân nộp thêm hợp đồng mua bán nhà nếu trong trường hợp đổi chủ, tờ khai trước bạ… Liệu đây có phải là những yêu cầu “dễ cho người quản lý - khó cho dân” hay không?

Anh Lê Minh Tuấn, người dân ở quận Cầu Giấy, nêu ý kiến: “ở các cơ quan quản lý Nhà nước đều công khai hóa về những quy trình giải quyết công việc. Thế nhưng, điều quan trọng mà các doanh nghiệp, công dân gặp phải là những những thủ tục, những hướng dẫn, yêu cầu phát sinh từ các cán bộ cơ quan Nhà nước. Chính những yêu cầu phát sinh đó cho thấy, trình tự thủ tục hành chính đã được minh bạch hóa về mặt giấy tờ nhưng vẫn khác với hướng dẫn của cán bộ, viên chức Nhà nước”.

Điều mà nhiều người dân vẫn đang bức xúc là “một cửa” nhưng quá nhiều thủ tục. Tình trạng gộp nhiều thủ tục hành chính vào trong một thủ tục hành chính, chưa tách thành nhiều thủ tục hành chính nhỏ theo đối tượng, thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện pháp lý… gây rắc rối cho tổ chức và công dân. Như trong thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo quy định, người dân ít nhất phải chuẩn bị 12 loại giấy tờ với 21 bản khác nhau, người nhiều thì có 17 loại giấy tờ với 31 bản. Các giấy tờ này, người dân đã phải trình tại phòng công chứng để lập hợp đồng chuyển nhượng, bộ phận “một cửa” vừa yêu cầu hợp đồng chuyển nhượng, vừa yêu cầu nộp thêm tất cả các văn bản đã được phòng công chứng kiểm soát. Như vậy, không những người dân phải trình thêm một lần nữa mà còn làm giảm vai trò pháp lý của phòng công chứng.

Ông Bùi Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho biết: “Đối với địa phương tôi, sau khi người dân thực hiện mua bán, chuyển nhượng thì thấy nhiều thủ tục quá. Ví dụ như trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất đai giữa ông A, bà B thì phải qua công chứng, sau đó quay lại UBND phường làm các thủ tục mua bán. Bên công chứng họ chỉ chứng thực trên giấy tờ thôi, còn việc kiểm tra thì lại là cán bộ địa chính của địa phương”.

Một thực tế là không riêng đến các cơ quan hành chính mà cả khi làm việc với các đơn vị kinh doanh độc quyền cũng lâm vào cảnh phải làm quá nhiều giấy tờ thủ tục không cần thiết. Muốn xin định mức nước hay đổi chủ quyền đồng hồ nước mặc dù đã nộp đủ CMND, hộ khẩu và giấy tờ nhà, có người dân vẫn phải đem mẫu đến UBND phường, xã chứng nhận là có thường trú tại địa phương, điều mà hộ khẩu ghi quá rõ. Ngành điện, viễn thông có đỡ hơn nhưng vẫn bắt nộp hoá đơn tháng gần nhất trong khi chỉ vài thao tác với hệ thống máy tính hiện đại của chính họ, chỉ mất trong vài giây đã biết rõ ai nộp tiền hay còn nợ. Còn hàng loạt thứ giấy tờ, thủ tục không cần thiết, rườm rà khi đi đăng ký nhập học, chuyển hộ khẩu, nhập viện… mà các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh trong thời gian gần đây. Trong đó, có thể thấy một nguyên nhân quan trọng cần phải nói tới đó là ý thức trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ của chúng ta chưa thật cao. Có nhiều nơi quy định đặt ra một đường mà nhiều cán bộ thực hiện lại thực thi một nẻo, hoặc thay vì hướng dẫn tận tình cho người dân các quy trình thủ tục, thì lại áp dụng theo kiểu “dân hỏi tới đâu, trả lời tới đó”.

Thiết nghĩ, trong tiến trình cải cách hành chính, hơn lúc nào hết, nội dung cải cách thủ tục hành chính càng phải được đặc biệt coi trọng. Trọng tâm là cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại để cơ chế “một cửa” thực sự phát huy tác dụng, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cả nước./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên