Một ngày "ra quân" cùng cảnh sát giao thông

VOV.VN -Thanh thiếu niên vi phạm các quy định an toàn giao thông và các đối tượng thanh niên ngổ ngáo “nhờn luật”... sẽ bị xử lý mạnh tay

“Có thấy ai đi xe đạp điện đội mũ bảo hiểm đâu?”

Phóng viên VOV có mặt tại cổng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) để cùng ra quân với các chiến sĩ Đội cảnh sát giao thông (CSGT) số 2.

Ngồi quan sát, chúng tôi chứng kiến không ít học sinh mặc áo in rõ phù hiệu của trường, đi xe đạp điện, đầu không đội mũ bảo hiểm ngang nhiên lướt xe qua.

Những “quái xế” này đang tranh thủ đi ăn sáng trước khi vào lớp học hè. Chỉ ít phút sau, lượng xe bắt đầu đông như mắc cửi. Trong dòng phương tiện đó, lượng xe đạp điện do học sinh điều khiển chiếm một phần không nhỏ.

Lỗi vi phạm nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe máy


Ở Thủ đô, nếu phải đưa đón con đi học hằng ngày sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian của phụ huynh, nếu không nói là mất cả công lẫn việc. Thế nên, với các em học sinh ở bậc THCS hay THPT, việc trang bị cho con một chiếc xe đạp điện là giải pháp tốt nhất mà các bậc phụ huynh lựa chọn, bởi loại phương tiện này không quá đắt, tốc độ cũng không quá nhanh như xe máy. Thế nhưng, điều mà các phụ huynh và các em không mấy quan tâm là đội mũ bảo hiểm khi tham gia điều khiển phương tiện này.

Trường hợp đầu tiên bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra là em Lô Hà Chi, học sinh một trường thực nghiệm. Khi được CSGT thông báo lỗi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, Chi cự lại ngay: “Chú ơi, có ai đội đâu!”, rồi điện thoại thông báo cho bố.

Trước lỗi vi phạm "điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định”, thượng sĩ Nguyễn Văn Thanh đã lập biên bản tạm giữ xe. Một lúc sau, bố Chi  hớt hải ra xin nộp phạt để lấy xe cho con đến trường. Khi được thông báo 5 ngày sau đến thì bậc phụ huynh này than khổ, vì không biết phải đưa đón con đi học trong những ngày tới như thế nào.

Liên tiếp sau đó, theo ghi nhận của phóng viên VOV, nhiều trường hợp khác mà phần lớn là học sinh bị CSGT buộc dừng xe để xử lý với lỗi vi phạm phổ biến là điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Nhắc đi nhắc lại điệp khúc “các bạn cháu có ai đội đâu” để biện minh cho lỗi vi phạm của mình, nhưng em Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 11, vẫn bị CSGT lập biên bản xử lý.

Tuy nhiên, biên bản đang được lập thì một người phụ nữ đứng tuổi đến thúc giục: “Đi vào lớp học ngay, không ông bảo vệ đóng cổng trường bây giờ”. Được mẹ trợ giúp, Linh cùng các bạn nhanh chóng đi về phía cổng trường.

Trước việc bỏ đi của các đối tượng vi phạm, cảnh sát phải nhắc: “Ký vào biên bản vi phạm mới  được đi”, nhưng người đàn bà kia vẫn xua tay bảo con và các bạn vào lớp, bà sẽ đại diện ký thay. Khi các con đã khuất sau cánh cổng trường, bà mới hỏi: “Tội của các cháu là tội gì mà em nghe trong điện thoại chẳng rõ?”. “Điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm” - CSGT trả lời. “Em thấy, các cháu bảo đi ngoài đường không phải đội, mà nhiều người không đội thật” - người phụ nữ đáp lại.

Đã rõ, trong trường hợp này cả học sinh và phụ huynh đều tỏ ra "bất ngờ" trước việc đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt. Do xe đạp điện không có giấy tờ gì, nên cách xử lý duy nhất là tạm giữ xe. Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, phần đông người vi phạm đều nhận lỗi, nhanh chóng ký vào biên bản.

Không chỉ học sinh đến trường đầu trần, không đội mũ bảo hiểm mà ngay cả nhiều bậc phụ huynh đưa con em đến trường cũng trong tình trạng tương tự. Khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, không ít trường hợp đã quát nạt các chiến sĩ CSGT; thay vì xuất trình giấy tờ họ lại bốc máy gọi điện để mong được “giải cứu". Có người gọi điện cho người nhà xong rồi chuyển máy để “ép” CSGT nói chuyện. Song, lực lượng CSGT vẫn kiên quyết xử lý theo đúng thẩm quyền, đảm bảo không để “lọt lưới” đối tượng vi phạm.

Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên, việc xử lý thanh thiếu niên vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông dường như không xuể, do các em đến trường vào cùng một thời điểm nên khó có lực lượng nào kiểm tra, xử lý nổi nếu không có sự phối hợp chặt chẽ từ các phía: gia đình, nhà trường và CSGT.

Trấn áp “quái xế” tuổi teen

Theo đánh giá của Phòng CSGT Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố vẫn còn hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển phương tiện vi phạm các quy định khi tham gia giao thông và có những hành vi coi thường, thách đố lực lượng thi hành công vụ, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Trước đó, dù đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng học sinh đầu trần, kẹp ba lướt xe đạp điện, phóng xe máy vù vù tới trường vẫn diễn ra trên khắp các cung đường, con phố... Không chỉ là quy định của pháp luật mà các trường học đều cấm học sinh đi xe máy đến trường. Lệnh cấm là vậy nhưng nhiều học sinh vẫn phớt lờ, cố tình vi phạm.

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phòng CSGT thành phố đã giao cho 8 đội từ đội 1 đến đội 7 và đội 14, tập trung tuần tra, kiểm soát trong các tuyến phố ở 10 quận nội thành, trong đó có các trường học, địa điểm vui chơi công cộng, quán bar... nơi tập trung đông học sinh, thanh thiếu niên, thường xuyên có biểu hiện vi phạm giao thông để xử lý nghiêm, đặc biệt là các thanh thiếu niên ngổ ngáo, đầu trọc, xăm trổ, đi xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng; vi phạm nồng độ cồn... Kế hoạch này sẽ được thực hiện trong 2 tháng, từ 15/8 đến 15/10. Và thời gian xử lý từ 6 giờ đến 22 giờ các ngày trong tuần. Đây được coi là biện pháp mạnh nhằm vào một bộ phận giới trẻ đang coi thường các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Trong ngày đầu ra quân (ngày 15/8), các tổ công tác đã xử lý được 141 trường hợp, phạt tiền hơn 41 triệu đồng; tạm giữ 31 xe mô tô, 43 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 18 trường hợp. Lỗi vi phạm được xử lý nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm (104 trường hợp), tiếp đến là vượt đèn đỏ (22 trường hợp), không có giấy phép lái xe (21 trường hợp) và 1 trường hợp gắn biển kiểm soát giả.

Giữa tháng 8 và đầu tháng 9 là khoảng thời gian nhập học của học sinh, sinh viên. Bên cạnh việc huy động lực lượng CSGT của các đơn vị tham gia tăng cường xử lý vi phạm nhằm góp phần phòng ngừa tai nạn và thiết lập trật tự an toàn giao thông, rất cần sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về vấn đề này, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội khẳng định sẽ phối hợp với lãnh đạo Sở GD-ĐT và các hiệu trưởng nhà trường trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo ATGT. Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật, đồng thời sẽ gửi thông báo về nhà trường, thậm chí công khai danh tính người vi phạm trên báo chí..../.

“Việc phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP chỉ “răn đe, nhắc nhở là chính”, nhưng nặng nhất là những hình thức xử lý, kỷ luật học sinh ở phía nhà trường.

Bắt đầu vào đầu năm học, Phòng CSGT sẽ phối hợp với các trường để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của các học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.

Với tất cả các trường đóng trên địa bàn của Đội quản lý, chúng tôi tuyên truyền bằng nhiều hình thức, kể cả quay phim ở cổng trường để có hình ảnh thuyết phục nhất để đầu tuần chào cờ thì nhà trường chiếu lên màn hình cho các cháu xem.

Đó là một hình thức tuyên truyền mạnh. Đồng thời, Đội cũng ký cam kết với nhà trường và nhà trường có trách nhiệm họp phụ huynh, thông báo cho phụ huynh biết đợt này đang có chiến dịch tuyên truyền.

Bố mẹ phải nâng cao ý thức giáo dục con cái, kết hợp với nhà trường và các ngành chức năng quản lý các cháu làm sao cho tốt”.

Thiếu tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 CSGT xử phạt phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con
CSGT xử phạt phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con

(VOV) - Đi vòng tránh cảnh sát, cảnh sát đưa con tới trường, mẹ ở lại nộp phạt..., những cách xử lý tình huống không đội mũ cho trẻ em.

 CSGT xử phạt phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con

CSGT xử phạt phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con

(VOV) - Đi vòng tránh cảnh sát, cảnh sát đưa con tới trường, mẹ ở lại nộp phạt..., những cách xử lý tình huống không đội mũ cho trẻ em.

Bỏ xử phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm
Bỏ xử phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm

VOV.VN - Điểm đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi lần 6 Nghị định 71 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến công khai.

Bỏ xử phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm

Bỏ xử phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm

VOV.VN - Điểm đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi lần 6 Nghị định 71 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến công khai.

Ngày đầu xử lý trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ
Ngày đầu xử lý trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ

(VOV) - Hôm nay (8/4), CSGT HN đồng loạt ra quân xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe máy chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm.

Ngày đầu xử lý trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Ngày đầu xử lý trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ

(VOV) - Hôm nay (8/4), CSGT HN đồng loạt ra quân xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe máy chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm.

Học sinh "nhắc" cha mẹ mua mũ bảo hiểm
Học sinh "nhắc" cha mẹ mua mũ bảo hiểm

(VOV) - Nhờ được Nhà trường tuyên truyền, nhiều em học sinh còn nhỏ tuổi nhưng rất có ý thức trong việc chấp hành ATGT.

Học sinh "nhắc" cha mẹ mua mũ bảo hiểm

Học sinh "nhắc" cha mẹ mua mũ bảo hiểm

(VOV) - Nhờ được Nhà trường tuyên truyền, nhiều em học sinh còn nhỏ tuổi nhưng rất có ý thức trong việc chấp hành ATGT.