Một nghi lễ tri ân gắn liền với chủ quyền của đất nước

Ngày 10/4 (tức ngày 16/3 âm lịch), tại Âm Linh tự- thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn các tộc họ tổ chức Lễ Khao Lề thế lính Hoàng Sa hay là Khao lề tế lính Hoàng Sa.

Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại huyện đảo này, nhằm tri ân những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa từ thời Chúa Nguyễn và các triều Nguyễn cũng như các thời kỳ sau này, đã hy sinh xương máu để bảo vệ vùng biển Đông của Tổ quốc.

Từ nghi lễ tri ân

Cho đến bây giờ người dân Lý Sơn-Quảng Ngãi không biết Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hay Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa có tự bao giờ, nhưng nhiều người cao niên ở đây cho biết nghi lễ này đã có từ lâu; có người còn khẳng định nó chỉ có khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên biển Đông mà triều nhà Nguyễn giao phó. Một số người giải thích Lễ khao lề thế lính là lễ thức để chia tay những người đăng lính; còn để tưởng niệm người đăng lính đã bỏ mình trên biển cả mênh mông là lễ thức khao lề tế lính. Tuy nhiên, lễ thức này gồm cả 2 nghĩa là thế người còn sốngtế người đã chết.

Như những gì còn ghi trong sử sách và lưu truyền trên đất đảo Lý Sơn, thì người lính Hoàng Sa phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng từ tháng 2, tháng 3 đến tháng 8-9 âm lịch nhưng chỉ với những chiếc thuyền câu thì số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển. Để có cơ may xác mình còn được yên lành trôi về bản quán, trước khi ra đi mỗi người đi lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho riêng mình: một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống, thì đôi chiếu, những chiếc đòn tre và các dây mây kia là vật dụng để bó xác người. Người chết sẽ được thả trôi trên biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu. Nhưng chắc hẳn cũng chẳng có mấy xác người được may mắn trôi về bản quán. Những tên tuổi được ghi trong sử sách như Cai đội Phạm Quang Ảnh (Ất Hợi, 1815), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (Ất Mùi, 1835), Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (Bính Thân, 1836)… là những người đã từng được vua Gia Long, vua Minh Mạng cử đi Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa không phải chỉ tìm kiếm hải vật, sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, mà còn chỉ huy binh thuyền cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc dù biết rằng người lính cai quản Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là một đi không trở lại và trở về rất mong manh nhưng nhiều người vẫn còn chút hy vọng. Vì vậy, để cứu vớt niềm hy vọng ấy, trước khi ra đi, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật sanh tươi, hương đăng trà quả, thầy cúng sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo, hoặc bằng đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt  cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa và cả Trường Sa.

Có bao nhiêu người đi lính trong dòng họ sẽ có bấy nhiêu hình nhân và linh vị. Bên cạnh các hình nhân và linh vị là những thứ mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo, như gạo, muối, củi, nước ngọt… vào chiếc thuyền bằng chuối cây rồi đem thả ra biển. Lời nguyện cầu về sự bình yên lẫn lời xua đuổi rủi ro, bất trắc sẽ được bỏ chung cùng những thứ thiêng liêng trên kia vào thuyền lễ. Giữa bập bềnh sóng gió hình nhân là một biểu trưng thế mạng cho người đăng lính. Con thuyền lễ đã trôi ra biển xa, người lính tự coi như mình “đã có một lần chết”, để rồi người “hùng binh” -như cách gọi của vua Tự Đức có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa, mặc dù sẽ trải qua muôn ngàn bất trắc trên biển khơi ròng rã 6 tháng liền mỗi năm vâng lệnh triều đình.

Ông Võ Hiển Đạt, 80 tuổi ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn- hậu duệ của ông Võ Văn Khiết, một trong những “hùng binh” cai quản Hòang Sa kiêm quản Trường Sa cho biết, bên cạnh tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thì trước đây, hàng năm vào khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 20 tháng hai âm lịch cư dân vùng ven biển nói chung, ngư dân Lý Sơn nói riêng; đặc biệt là tại nhà thờ các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… tổ chức lễ khao lề tế lính Hoàng Sa.

Sau này lễ khao lề không còn riêng của các dòng họ mà chung cộng đồng làng, do làng An Vĩnh, hay An Hải tổ chức vào dịp lễ thanh minh, tức ngày 16 tháng ba âm lịch. Tại các Âm linh tự, hay còn gọi là Nghĩa tự, lễ khao tế này giờ đây vẫn còn hội hoa đăng,  vẫn còn hình nhân bằng đất sét, hoặc bằng bột gạo, thậm chí bằng giấy, vẫn còn hằng trăm linh vị cắm trên nài chuối và những thứ tượng trưng mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa từng mang đi được cung thỉnh thả vào sóng nước… Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hay tế lính Hòang Sa và cả Trường Sa được tổ chức nhằm tri ân những người đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.

Đến những bằng chứng về chủ quyền

Trong các bộ chính sử của triều Nguyễn, như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí… hoặc trong các bộ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Việt sử thông giám khảo lược của Nguyễn Thông, Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú… đều có ghi chép về công lao của đội Hoàng Sa lẫn Bắc Hải bao gồm cả Trường Sa. Đây là những cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước ta trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cách đây 3, 4 thế kỷ trước.

Mới đây, thông qua việc sưu tầm, nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã phát hiện tại gia đình ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đang cất giữ một sắc chỉ của triều đình Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa mà tộc họ Đặng đã gìn giữ hơn 170 năm qua. Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (Ất Mùi - 1835).

Sắc chỉ ghi rõ: Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền; giao Đặng Văn Siểm lo kham việc đà công tức là người dẫn đường); giao Võ Văn Công phụ trách hậu cần. Đây là sắc còn nguyên vẹn bản gốc tính đến thời điểm phát hiện mà các dòng tộc trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, việc hàng năm, ngư dân Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hoặc tế lính Hoàng Sa không chỉ nhằm tri ân những người lính Hoàng Sa và cai quản Trường Sa đã có công trạng bảo vệ chủ quyền vùng biển mà còn khẳng định chủ quyền đảo Hòang Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chính vì vậy, lễ thức này cần được bảo vệ như một lễ thức truyền thống.

Cùng với những cứ liệu về chủ quyền đảo Hòang Sa và Trường Sa thì Lễ thức khao lề thế lính hay khao lề tế lính Hòang Sa ở Lý Sơn một lần nữa khẳng định thêm về chủ quyền của đất nước ta về 2 quần đảo này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên