Một người chết, nhiều tàu cá bị chìm do bão số 1

Bão số 1 kèm theo mưa to đã gây thiệt hại về người, tài sản cho các tỉnh Nam Trung Bộ; các tỉnh Nam Bộ đang tích cực đối phó với bão tan.

** Do ảnh hưởng của bão số 1, hai ngày qua trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ có mưa vừa, một số nơi mưa to, kèm theo gió giật. Hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu  bị ngập úng, ngã đổ hư hại. Hiện các địa phương đang khẩn trương giúp dân tiêu úng, thu hoạch lúa hạn chế thiệt hại.

Tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, mưa lớn cộng với nước sông Bến Lái dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại các xã vùng trũng ven sông. Đến thời điểm này, gần 4.500 ha lúa đông xuân huyện Đông Hòa chuẩn bị thu hoạch, thì gần một nửa diện tích này đã bị ngập úng và ngã đổ. Nhiều đồng ruộng, nước ngập sâu đến 1m, không thể thu hoạch được. Chính quyền địa phương đang tập trung tiêu úng, huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa.

Mưa lớn cũng gây ngập úng cục bộ một số nơi tỉnh ở Khánh Hòa. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, cá biệt tại thị xã Ninh Hòa, đêm 31/3, lượng mưa trên 100 mm. Mưa to đã làm gần 1000 ha lúa ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất.

Nhiều nhà cửa bị tốc mái tại Phú Yên (Ảnh: Thanh Hội)

** Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng của bão số 1, rạng sáng 1/4, huyện đảo Phú Quý có gió to, mưa lớn đã làm 3 chiếc tàu bị sóng đánh chìm, nhưng không có thiệt hại về người.

Ba chiếc tàu bị chìm là: BTh-85433 TS, chủ tàu Nguyễn Văn Lan, trú tại thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh; tàu nhỏ NT-07480, chủ tàu Nguyễn Văn Yên, trú tỉnh Ninh Thuận; và một tàu nhỏ làm dịch vụ mua bán cá ven bờ, chủ tàu Đỗ Văn Quý, trú tại thôn Tân Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý.

Tại địa bàn phường Đức Long sóng dâng cao làm sạt lở nghiêm trọng lấn sâu vào đường Trần Lê. Các lực lượng của thành phố Phan Thiết đang tập trung đắp bờ bao. Do mưa lớn suốt đêm 31/3 và sáng 1/4, mực nước tất cả các hồ đập thủy lợi như Sông Quao, Hồ Cà Giây, hồ Sông Móng của tỉnh Bình Thuận đã áp sát mức báo động cấp 1.

** Ban Chỉ huy phòng lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận vừa cho biết: Mưa to, sóng lớn đã làm cho ông Trần Xuân Hậu, 25 tuổi, ở thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) bị mất tích khi đi qua bờ tràn Cây Trôm vào lúc 7h15 sáng 1/4.

Ngoài ra, một tàu cá hiệu NT 90434 TS, công suất 110 mã lực, do ông Phạm Kiên, 62 tuổi làm chủ và ông Phạm Văn Nhiên, 37 tuổi làm thuyền trưởng (cả hai cùng trú tại thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), đang neo đậu tại Cảng cá Cà Ná bị sóng đánh chìm.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện và các ngành của huyện Ninh Hải đã tổ chức tìm kiếm và phát hiện được thi thể nạn nhân Trần Xuân Hậu lúc 8h45 cùng ngày. UBND huyện Ninh Hải tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời trích ngân sách địa phương 4,5 triệu đồng, hỗ trợ để gia đình lo mai táng nạn nhân. Đối với chiếc tàu bị chìm, Đồn Biên phòng 420 ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam phối hợp cùng gia đình tổ chức trục vớt để đưa tàu vào bờ.

(Ảnh: Thanh Hội)

** Cho tới 11h trưa 1/4, việc phòng chống cơn bão số 1 ở huyện Cần Giờ, huyện giáp biển của thành phố Hồ Chí Minh, đã được chuẩn bị chu đáo và trong tình thế sẵn sàng. 1.738 người dân xã đảo Thạnh An đã được di dời tới nơi an toàn để trú bão. Các phương tiện đánh bắt xa bờ đã được liên lạc. Người dân trên địa bàn cũng được cảnh báo cảnh giác triều cường dâng cao khi bão diễn ra gây ngập úng.

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kiểm tra, hỗ trợ nhân dân chằn chống nhà cửa để đảm bảo an toàn. Hiện có 393 căn nhà đang được hỗ trợ chằn chống tại các xã Thạnh An, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.

Đối với phương tiện đánh bắt xa bờ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hiện huyện còn 6 phương tiện đánh bắt xa bờ đang hoạt động tại 6 độ vĩ bắc và 107 độ kinh đông với 54 thuyền viên, trong tổng số 39 phương tiện đánh bắt xa bờ trên địa bàn.

** Tại Trà Vinh mọi công tác ứng phó với bão số 1 đã sẵn sàng. Tất cả các đoạn đê sung yếu dọc theo sông Cổ Chiên và của Cung Hầu (phía giáp với tỉnh Bến Tre) đang được các lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương tích cực gia cố; hàng ngàn hộ dân nằm ngoài đê bao đã có phương án di dời vào nơi an toàn.

Ngoài ra, tại khu vực dễ bị tác động bởi cơn bão, các ruộng muối, hoa màu gần đến ngày thu hoạch cũng được người dân tranh thu hoạch sớm; các công trình trọng điểm, nhà dân đã được chằng néo; phương tiện, vật dụng không cần thiết được đưa vào nơi an toàn.

Trước tình hình bão số 1 đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Trà Vinh đang tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống bằng 4 phương án tại chỗ; không chủ quan, mất cảnh giác khi bão chưa ập tới; túc trực 24/24 h, liên tục thông tin liên lạc với người dân và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra.

Nhiều diện tích lúa bị đổ do mưa lớn (Ảnh: Thanh Hội)

** Tại tỉnh Sóc Trăng, theo thông báo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: trong đêm 31/3 có thêm 41 tàu đánh bắt xa bờ ra khơi đánh bắt cá, bất chấp nguy hiểm của cơn bão số 1 đang hoạt động ở ngoài khơi. Nâng tổng số tàu thuyền đang đánh bắt cá xa bờ của tỉnh Sóc Trăng hiện nay là 91 chiếc, với 546 thuyền viên.

Trước tình hình này, Chính quyền địa phương phối hợp với Bộ Đội biên phòng tỉnh tuyên truyền người dân về tác hại của việc ra khơi đánh bắt cá trong thởi điểm diễn biến của bão rất phức tạp, đồng thời tăng cường công tác tuần tra ngăn chặn không để các tàu thuyền ra khơi đánh bắt cá trong thời điểm này.

** Do ảnh hưởng bão số 1, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ, kèm theo sấm chớp làm nhiều cánh đồng lúa trong tỉnh bị ngã đổ. Hiện, tỉnh An Giang mới thu hoạch trên 60% diện tích xuống giống. Gặp thời tiết bất thường, thiếu nhân công và máy gặt lúa nên hiện nay còn nhiều cánh đồng ở các huyện An Phú, Tân Châu, Châu Phú, Châu Thành… lúa chín hơn 1 tuần vẫn chưa thu hoạch được.

Trước tình hình này, tại các địa phương đã phối hợp với các đơn vị quân sự đóng quân trên địa bàn như Tiểu đoàn 512, Bộ đội bộ binh, Bộ đội Biên phòng, Sư đoàn 330… tổ chức giúp dân thu hoạch, phơi lúa, dọn vệ sinh đồng ruộng để tranh thủ xuống giống vụ hè thu đúng lịch thời vụ do ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nhằm tránh rầy nâu, vàng lùn lùn xoắn lá và đặc biệt là tránh lũ tháng 8.

** Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 kết hợp với không khí lạnh, ngày và đêm 31/3, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa, mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi mưa lớn hơn như: Ba Tơ (Quảng Ngãi) 121mm, Ninh Hòa (Khánh Hòa): 140 mm.

Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và sông Đồng Nai đang lên, với biên độ lũ lên từ 0.3 đến 1m, riêng trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng là 2,4m.

Dự báo đêm 1/4, lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ lên rất nhanh. Ngày 2/4, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên sẽ lên. Trong đợt này, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ lên với biên độ khoảng 1-3m, có nơi trên 3m.

Đỉnh lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có khả năng lên mức báo động 1, báo động 2. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng và Đắc Nông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên