Một quận ở TP.HCM có hơn 500.000 dân, chỉ có 2 cán bộ công nghệ thông tin
VOV.VN - Một quận của TP.HCM có hơn nửa triệu dân nhưng chỉ có 2 cán bộ có thể thực hiện công nghệ thông tin để phục vụ. Thông tin này được nêu lên tại hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển đô thị thông minh: kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng hợp tác, giải pháp triển khai” do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp Đại học Pháp ngữ tổ chức.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, thành phố dành 1,22% ngân sách cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cao hơn mức yêu cầu của quốc gia tối thiểu 1%.
TP.HCM cũng ban hành nhiều chính sách khác, như chương trình về trí tuệ nhân tạo, về hạ tầng viễn thông, về hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin.
Ngoài ra, thành phố cũng tập trung vào công tác nhận thức số, hạ tầng số. Toàn thành phố có hơn 10.000 camera giao thông. Thành phố đang đầu tư dự án hệ thống camera để kết nối hệ thống này vào trung tâm điều hành thông minh, trung tâm điều hành đô thị để có thể điều hành toàn TP thông qua hệ thống camera này.
Tuy TP.HCM đang có sự đầu tư nhưng đang rải rác, ông Thắng cũng cho biết vấn đề chính là tổ chức sắp xếp, kết nối lại để phát huy các nguồn lực này.
Ông Thắng cũng đặt ra vấn đề, hiện nay TP.HCM ban hành chính sách, thực hiện, triển khai như thế nào đối với chủ trương chuyển đổi số đi với chuyển đổi xanh. Cùng với đó, TP.HCM đang thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn sâu trong vấn đề công nghệ cao, công nghệ lõi như là AI, vi mạch, dữ liệu lớn…
Bên cạnh đó, một thách thức đặt ra là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM chất lượng về công nghệ thông tin không cao, thiếu rất nhiều.
"Quận Bình Thạnh có 550.000 dân, nhưng người trực tiếp làm công nghệ thông tin của UBND quận chỉ có 2 người nên thiếu rất nhiều về nguồn nhân lực, phải làm sao để phát triển nguồn nhân lực này tốt hơn", ông Thắng nói.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mục tiêu của TP đến năm 2030 là nỗ lực xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt và là Thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm về kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Để thực hiện tầm nhìn này, Thành phố phải nỗ lực phấn đấu để đạt mức tăng trưởng bình quân 8 – 8,5% và GRDP bình quân đạt 14.500 USD, trong đó tỉ lệ đóng góp kinh tế số cho GRDP đạt 40% trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần nguồn nhân lực sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số, hình thành được các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
"Thành phố rất mong muốn tổ chức ĐH Pháp ngữ cùng với các tổ chức quốc tế khác đồng hành cùng Thành phố, mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác cho các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước, để có thể phát triển và triển khai các dự án công nghệ mang tính đột phá trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, đô thị và môi trường... nhằm tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng", ông Hoan cho biết thêm.
Theo chuyên gia quốc tế, việc đào tạo nhân lực cho thành phố thông minh trước tiên nên ưu tiên bậc đào tạo thạc sĩ. Mục đích là đào tạo ra những người có năng lực, đủ sức điều phối quá trình chuyển đổi từ một đô thị truyền thống thành một đô thị thông minh.
Ở cấp độ đại học, thành phố cần cấp thiết đào tạo lực lượng giảng viên tương lại, phát triển, hợp tác với các đối tác đại học quốc tế để phát triển chương trình, dự án ưu tiên. Từ đó, đồng thời xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ.
Đối với cấp độ thành phố là đào tạo cán bộ quản lý, lên kế hoạch ưu tiên cho các dự án, đồng thời đào tạo liên tục cho cán bộ quản lý.