Một tháng sau lũ, thung lũng Bom Bay, Sơn La vẫn ngập trong nước
VOV.VN - Trận mưa lũ lịch sử trong các ngày từ 22-24/7 tại tỉnh Sơn La, thung lũng Bom Bay, thành phố Sơn La là một trong những điểm ngập nặng. Một tháng sau trận lũ kinh hoàng, thung lũng này vẫn còn ngập trong nước khiến đời sống, sản xuất của doanh nghiệp, người dân thêm khốn khó.
Một tháng đã trôi qua kể từ trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7 vừa qua, ông Quàng Văn Ngoan và các hộ dân bản Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La vẫn chưa thể bắt tay vào lao động sản xuất tại thung lũng Bom Bay được, bởi nước lũ vẫn chưa rút. Thẫn thờ nhìn thung lũng ngập sâu trong nước vốn là khu vực canh tác nông nghiệp của gia đình mình và 130 hộ dân ở bản Phiêng Hay, ông Quàng Văn Ngoan, nguyên Bí thư kiêm trưởng bản Phiêng Hay cho biết: Toàn bộ gần 60 hecta cà phê, cây ăn quả, ngô của gia đình ông và bà con dân bản đã mất trắng do mưa lũ. Đây là nguồn thu chính phục vụ đời sống của các gia đinh, bây giờ nước lũ nhấn chìm hết, ông và bà con rất lo lắng, mong chính quyền sớm tìm hướng thoát nước lũ và hỗ trợ người dân kịp thời ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
Là đơn vị kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng tại thung lũng Bom Bay, thiệt hại do mưa lũ gây ra cho công ty TNHH một thành viên Hữu Hảo Tây Bắc lên tới hơn 50 tỷ đồng do nhà xưởng, máy móc, thiết bị ngập trong nước, hơn 2.000 m2 khu vực nhà máy sản xuất gạch không nung bị sạt lở, sập đổ do nước xoáy. Theo ông Đỗ Xuân Hảo, Giám đốc công ty: Mưa tạnh, nước rút đến đâu là công ty cố gắng sửa chữa máy móc, tổ chức lại sản xuất phần nào để vớt vát lại, đồng thời phối hợp với địa phương tìm hướng thoát lũ. Tuy nhiên, công ty hiện đối mặt với bộn bề khốn khó khi vừa phải đầu tư sửa chữa, thay thế lớn, lại phải lo công ăn việc làm, thu nhập cho mấy chục công nhân, lao động. Ông Hảo mong muốn được địa phương có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện giãn thuế, giãn nợ ngân hàng để có thể khôi phục sản xuất.
Thung lũng Bom Bay có diện tích khoảng 70 hecta thì có tới hơn 60 hecta bị ngập sâu trong nước trong những ngày mưa lũ vừa qua. Đến nay, phạm vi nước ngập vẫn còn khoảng 40 hecta, độ sâu nhất mực nước ngập vào khoảng 25-30m. Khu vực này có 3 hang thoát nước, nhưng hiện tại thoát rất chậm do bùn, rác, đất đá, tre gỗ trôi về chắn lấp cửa hang. Nếu mưa tiếp tục kéo dài, lượng mưa lớn, lưu lượng nước chảy về Bom Bay sẽ dâng cao vượt sức chứa, dẫn tới ngập lụt một số địa bàn của xã Chiềng Xôm và thành phố Sơn La. Vì vậy, việc triển khai các phương án xử lý thoát nước khu vực ngập úng Bom Bay-Phiêng Hay là rất cấp thiết.
Dẫn đầu đoàn công tác của UBND tỉnh Sơn La kiểm tra công tác xử lý ngập úng tại khu vực này, ông Đặng Ngọc Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, trước mắt khi nước rút chỗ nào có điều kiện thì có thể dùng các thiết bị như mìn để phá các cửa hang để trong các đợt lũ tiếp theo khi có tình huống ngập úng thì không bị ngập úng lớn. Đối với trường hợp thứ 2 ngập úng sâu, nước rút chậm thì hiện nay đang cho nghiên cứu phương án khoan các hang cát tơ, hiện đang nhờ các chuyên gia tính toán trên cơ sở đủ điều kiện và đảm bảo an toàn. Làm sao thoát được ngập úng, cũng để phòng các đợt mưa tiếp theo.
Không chỉ ở thung lũng Bom Bay, việc triển khai kịp thời các phương án thoát lũ, xử lý ô nhiễm môi trường các vùng ngập, nhanh tróng hỗ trợ người dân doanh nghiệp ổn định sản xuất, đời sống là việc thực sự cần kíp lúc này ở Sơn La khi diễn biến mưa lũ còn nhiều phức tạp.