Một thế hệ giọng ca vàng trên sóng VOV

Dù ở Đài TNVN hay ở các đơn vị nghệ thuật khác, tên tuổi họ đã trở nên nổi tiếng, được nhân dân ái mộ bắt đầu từ việc hát trên làn sóng của Đài TNVN.

Từ làn sóng của Đài TNVN đã có một thế hệ những giọng ca vàng in dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. 

Người đầu tiên cần nhắc tới đó là Thương Huyền. Khi mới xuất hiện, bà được coi là con chim sơn ca của Đài TNVN. Nổi lên từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đến năm 1947, lúc 24 tuổi, bà được mời về hát tại Đài TNVN, đóng ở chiến khu Việt Bắc. Giới ca hát có thể coi bà như người chị cả. Người nghe đặc biệt ấn tượng với giọng hát mềm mại, nuột nà, thanh khiết như tiếng chim của Thương Huyền qua nhiều bài ca bất hủ: Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu), Biết ơn Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Câu hò bên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Hà Nội - Huế - Sài Gòn (Hoàng Vân), Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi)… Bà được phong danh hiệu NSND ngay từ đợt đầu tiên (1985).

Nghe giọng hát của một số nghệ sĩ
Tình trong lá thiếp (NSND Thương Huyền-Văn Hanh)

Trăng sáng đôi miền (NSND Thương Huyền)

Ngâm thơ: Mẹ suốt (NSND Châu Loan)

Mẹ yêu con (NSND Thanh Huyền)

Đường cày đảm đang (NSND Thanh Huyền)

Hành khúc ngày và đêm (NSND Vũ Dậu)

Nhìn sang lĩnh vực dân ca, những tên tuổi như: Châu Loan, Hồng Lê, Kim Đức rồi Linh Nhâm, Kim Cúc, Kim Liên đều được công chúng rất ái mộ. Các chị đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT ngay từ đợt đầu tiên.

Thính giả cũng không thể quên những nữ ca sĩ mà tên tuổi của mỗi chị đều gắn với ít nhất một bài hát nào đó, tạo nên dấu ấn trong lòng người nghe để đến hôm nay vẫn như là những cái bóng khiến thế hệ hậu sinh khó thoát ra.

Đó là Khánh Vân với Bài ca hy vọng của Văn Ký; Tường Vi với Bóng cây Kơ nia của Phan Huỳnh Điểu và Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp; Thanh Huyền với Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý và Đường cày đảm đang của An Chung; Vũ Dậu với Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu; Bích Liên với Bài ca 5 tấn của Nguyễn Văn Tý, Đường tôi đi dài theo đất nước của Vũ Trọng Hối; Tuyết Thanh với Nổi trống lên rừng núi ơi của Hoàng Vân.

Rồi kế tiếp là Thanh Hoa với Tàu anh qua núi của Phan Lạc Hoa, Mùa xuân làng lúa làng hoa của Ngọc Khuê; Lê Dung với Anh ở đầu sông, em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu; Thu Hiền với Bài ca thống nhất của Võ Văn Di; Thúy Lan với Đất nước tình yêu của Lệ Giang; Hồng Liên với Sợi nhớ sợi thương của Phan Huỳnh Điểu…

Với những giọng nam, ngoài giọng hát vàng Trần Khánh - ca sĩ suốt đời làm việc ở Đài TNVN - còn có rất nhiều nghệ sĩ mà tên tuổi của họ khiến người nghe nhớ mãi. Đó là Quốc Hương - người có một giọng nam cao (tenor) ngọt ngào, hát rất dung dị, rõ lời, tha thiết, đắm say. Có cảm giác như ông không phải là hát mà là tâm tình, giãi bày tấm lòng với người nghe. Ông cũng được phong danh hiệu NSND đợt đầu tiên. Tên tuổi Quốc Hương gắn với rất nhiều bài hát nổi tiếng: Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Hữu Chí, Du kích Long Phú do ông sáng tác, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó của Nguyễn Tài Tuệ, Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu…

Tiếp theo là Trần Thụ với Quê tôi của Lưu Cầu, Thỏa nỗi nhớ mong (dân ca quan họ Bắc Ninh), Nhanh tay lưới, chắc tay súng (tự sáng tác), Vàm cỏ Đông (Trương Quang Lục), Ngọn đèn đứng gác (Hoàng Hiệp). Người nghe cũng không thể quên những bài hát sôi động hào hùng và tâm tình lắng đọng do Quý Dương thể hiện: Đào công sự (Nguyễn Đức Toàn), Trên biển quê hương (Đức Minh), Bạch Long Vĩ đảo quê hương (Phạm Đình Sáu), Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương (Nguyễn Đức Toàn), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Nhịp cầu nối những bờ vui (Văn An)... Quý Dương còn là giọng hát chủ chốt trên làn sóng binh vận, góp phần thức tỉnh nhiều người con lầm lạc quay súng trở về với Tổ quốc, đồng bào.

Ngoài Quý Dương, phải kể đến Trung Kiên với Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Thái Văn A (Văn An); Quang Hưng với Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi; Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh); Đàm Thiều với Tiếng hát người chăn bò (Thanh Phúc); Mạnh Hà với Cùng anh tiến quân trên đường dài (Huy Du), Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên); Trần Chất với Tây Nguyên bất khuất của Văn Ký.

Lứa học trò của các nghệ sĩ Quý Dương, Trung Kiên có Quang Phác với Hò biển (Nguyễn Cường), Hồ trên núi (Phó Đức Phương). Trẻ hơn một chút có Quang Thọ, Quang Huy, Doãn Tần, Trung Đức, Tiến Thành, Ngọc Tân, Hữu Nội…

Thế hệ những nghệ sĩ vừa nhắc ở trên có người đã qua đời, người còn sống cũng đã tuổi cao, sức yếu. Nhưng dấu ấn của họ vẫn còn mãi trong lòng công chúng yêu nhạc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên