Một thời sống đẹp của lớp học sinh, sinh viên đô thị miền Nam
VOV.VN -Lớp học sinh - sinh viên tham gia phong trào đấu tranh trong đô thị miền Nam vẫn tự hào mình đã có một thời như thế.
40 năm trước, bà Trương Thị Hoàng Mai là học sinh trường Phan Thanh Giản, thành phố Đà Nẵng. Ở cái tuổi 16 tuổi, cô bé Hoàng Mai nhỏ nhắn khát khao được làm những việc có ích cho đời. Sự lãng mạn tuổi trẻ, tính tò mò của học trò đã đưa cô gái mới lớn Hoàng Mai đến với những người anh, người chị và người bạn cùng trang lứa đang là học sinh, sinh viên tham gia phong trào đấu tranh đô thị miền Nam. Vậy là từ đó, Hoàng Mai bước vào những gian nan, khốc liệt của “chảo lửa” đấu tranh. Đã 3 lần bị bắt giam, đối diện với cái chết bởi những đòn roi tra tấn đớn đau của kẻ thù nhưng cô gái trẻ Hàng Mai không hề chùn bước.
Cái thời mà thanh niên cả nước lên đường diệt Mỹ, thanh niên, sinh viên, học sinh các đô thị miền Nam cũng vùng lên đấu tranh liên tục và khắp nơi. Học sinh, sinh viên Huế và Đà Nẵng cùng đồng bào chiếm đài phát thanh, lôi kéo cả quân đội, cảnh sát Việt Nam Cộng hòa phá Phòng thông tin Mỹ.
Luật sư Đỗ Pháp khi đó đang là học sinh lớp đệ tứ (sau này là lớp 9), tham gia phong trào của Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng. Nay tuổi đã hơn 60 nhưng ông luôn nhớ về những năm tháng hào hùng. Đó là những âm vọng hùng tráng với khí thế khẩn trương, sục sôi đấu tranh, kiên trì và quật cường trước mũi súng quân thù để “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Nói cho đồng bào tôi nghe” và “Nghe đồng bào nói” rồi “Từ trong lòng đồng bào ta lớn dậy”...
Ông Đỗ Pháp nhớ lại: “Việc tuyên truyền chống Mỹ, chống chế độ Việt Nam Cộng hòa của sinh viên, học sinh các đô thị miền Nam vô cùng sâu rộng, từ Sài Gòn - Gia Định phối hợp chặt chẽ với Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ… Quy tụ hầu hết học sinh của tất cả các trường trên thành phố Đà Nẵng trực tiếp xuống đường, kêu gọi, giăng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu đế quốc Mỹ rút về nước, yêu cầu hòa bình của miền Nam. Trực tiếp nữa là tổ chức những đêm văn nghệ kêu gọi “Từ trong lòng đồng bào ta lớn dậy”.
Trong những câu chuyện quật khởi của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam luôn ẩn hiện hình ảnh những người mẹ phong trào. Chị Hoàng Mai, ông Đỗ Pháp khẳng định rằng, nếu không có những người mẹ phong trào này thì những cuộc đấu tranh của các lực lượng, trong đó có học sinh, sinh viên khó mà thành công. Các mẹ đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ, chở che, tiếp tế lương thực, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, canh gác cho những cuộc họp, rồi làm giao liên cho những cuộc gặp gỡ, dấn thân và hy sinh, cống hiến cả đời mình để bảo vệ phong trào, che chở đàn con thân yêu.
Mẹ Hoàng Thị Hường, hiện ở 72 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là một trong số hơn 200 người mẹ trong phong trào ngày ấy. Ở tuổi 86, mái tóc đã bạc trắng như mây trời, trí nhớ của mẹ Hường vẫn tường minh nhưng không thể nhớ hết bà đã nuôi giấu bao nhiêu cán bộ phong trào học sinh. Bà thức không biết bao nhiêu đêm để dệt áo ấm bán lấy tiền mua đồ ăn, thức uống cho 9 người con ruột và cả những “đứa con” phong trào thường xuyên lui tới, ẩn trú hoạt động cách mạng.
Mẹ Hường thương yêu, chăm sóc, lo lắng chúng như nhau bởi bà biết các con đang thực hiện những công việc vô cùng nguy hiểm. Dẫu biết rằng công việc đang làm như “bản án tử hình” treo trước mặt, vậy nhưng mẹ Hoàng Thị Hường vẫn bình thản, khôn khéo vượt qua mọi nguy hiểm để cho những đứa con được bình an. Mẹ Hường tâm niệm: “Mình coi chúng cũng như con mình, mà lại hoạt động cách mạng nữa thì mình lại càng quý hơn, lo cho hắn hơn, lo cho hắn như lo cho con mình rứa. Mình làm thế này làm cho nhiều người mà cho đất nước nữa”.
Suốt 20 năm tranh đấu, phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên đô thị miền Nam có lúc rầm rộ, lúc tạm lắng, nhưng ngọn lửa đấu tranh không bao giờ tắt. Ngay trong hang ổ của địch, lực lượng học sinh, sinh viên giữ vai trò ngòi pháo và xung kích một cách đắc lực, đầy nhiệt huyết làm chỗ dựa cho cách mạng.
Bức tranh đầy màu sắc của phong trào xuống đường đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, cho độc lập - tự do - hòa bình - thống nhất đất nước vẫn luôn in đậm trong tâm trí của ông Lê Công Cơ, 75 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Duy Tân, thành phố Đà Nẵng. Là “thủ lĩnh” phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên đô thị miền Nam với bí danh Phương Thảo, ông Lê Công Cơ tự hào về tuổi thanh xuân của mình rất giàu hoài bão và lý tưởng cách mạng.
Từng trải qua bao đắng cay của những ngày lao tù nhưng đó là trang đời đẹp nhất mà ông Lê Công Cơ đã đi qua. Ông nói: “Tinh thần yêu nước lúc bấy giờ rất cao của sinh viên, học sinh, trí thức văn nghệ sỹ ở các đô thị miền Nam. Những ai không được sống trong giai đoạn đó cũng phải nói là tiếc, cực kỳ đẹp vì lòng yêu nước, hồn nhiên, không có gợn chút gì, tất cả hy sinh vì giải phóng miền Nam, thề hy sinh tất cả”.
40 năm trôi qua, thời gian đã đổ bóng xuống từng con người, từng cuộc đời. Những thế hệ học sinh, sinh viên ngày đầu tham gia đấu tranh ở các đô thị miền Nam luôn tự hào về một thời hoa lửa, cống hiến hết mình vì đất nước non sông. Họ có một quá khứ rất đỗi tự hào vì đã góp phần hun đúc nên khí phách của đất nước Việt Nam hôm nay./.